Sát cánh cùng dân sau trận lũ lịch sử

Cán bộ, chiến sĩ Quân khu 2 tích cực giúp đỡ đồng bào vùng lũ Lai Châu khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: Hồng Sáng.
Cán bộ, chiến sĩ Quân khu 2 tích cực giúp đỡ đồng bào vùng lũ Lai Châu khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: Hồng Sáng.
TP - Hơn mười ngày qua sau khi xảy ra trận lũ lịch sử trên địa bàn tỉnh Lai Châu, hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 2 đã ngày đêm sát cánh cùng địa phương tích cực giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả, để lại nhiều tình cảm tốt đẹp trong lòng đồng bào các dân tộc nơi tuyến đầu Tổ quốc.

“Bộ đội Cụ Hồ” - bộ đội của dân

Đến bản Nà Pè, xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên (Lai Châu) những ngày này chúng tôi được người dân kể câu chuyện về 4 hộ gia đình trong bản vừa được cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện cùng lực lượng dân quân xã cứu thoát khỏi đợt lũ quét tử thần trong gang tấc.

Tại gia đình ông Lò Văn Òng, một trong 4 hộ dân may mắn trên, nghe ông kể lại tinh thần dũng cảm, hết lòng vì dân của “Bộ đội Cụ Hồ” trong ngày nước lũ tràn về. Nắm chặt bàn tay thượng tá Hoàng Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Tân Uyên, ông Lò Văn Òng xúc động nói: “Các chú bộ đội không chỉ là ân nhân của gia đình tôi mà còn là ân nhân của cả bản. Hôm xảy ra lũ mà không có bộ đội, dân quân, có khi bản Nà Pè không còn người sống sót rồi”.

Giọng ông Lò Văn Òng nghẹn lại vì xúc động. Thượng tá Hoàng Thanh Bình đỡ lời, kể lại: Nhận được tin báo của xã đang có các hộ dân bị đe dọa đến tính mạng bởi nước lũ, ngay lập tức, Ban CHQS huyện đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhanh chóng huy động lực lượng đến ngay hiện trường, sử dụng nhiều loại phương tiện khác nhau như thuyền máy, bè, mảng, nhằm tiếp cận, đưa các hộ dân lên bờ. Tuy nhiên, do nước mỗi lúc một dâng cao, chảy xiết, nên không hiệu quả.

Trước tình hình đó, Bộ CHQS tỉnh Lai Châu ra lệnh tăng cường ngay một bộ xuồng máy cứu hộ, khẩn trương đến vị trí người dân đang bị cô lập, kịp thời đưa mọi người lên bờ an toàn trong niềm hạnh phúc vỡ òa của toàn thể bà con dân bản. Lúc ấy đã là 23 giờ đêm. Không lâu sau đó, ốc đảo ấy đã ngập sâu trong dòng nước lũ...

“Các anh ấy đã thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo trong xử trí tình huống cứu hộ thiên tai. Đồng thời phát huy hết tinh thần trách nhiệm của mình, không quản ngại khó khăn, vất vả, hết lòng, hết sức vì sự an toàn tính mạng của người dân. Đó là những hình ảnh đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, ông Bùi Huy Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên, nói.

Sát cánh cùng dân sau trận lũ lịch sử ảnh 1 Cán bộ chiến sĩ Quân khu 2 khắc phục một đoạn đường bị sạt lở ở Lai Châu. Ảnh: H.S

Ðồng cam, cộng khổ với dân

Khó có thể diễn tả hết những khó khăn, vất vả, sự hy sinh thầm lặng của những cán bộ, chiến sĩ Quân khu 2 cùng lực lượng công an trong quá trình tham gia tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt là tại rốn lũ Noong Hẻo, Mường Mít (huyện Sìn Hồ). Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 880 (Bộ CHQS tỉnh Lai Châu) cùng công an địa phương có mặt tại đây ngay từ những ngày đầu xảy ra lũ quét. Nhiệm vụ hàng ngày của các anh là tỏa đi các hướng, tập trung cao độ tìm kiếm những người còn mất tích, làm việc không kể thời gian, lúc nào cũng dầm mình trong nước mưa, bùn đất, quần áo cứ khô đi rồi ướt lại. Bữa ăn của họ cũng phải tranh thủ ngay tại hiện trường, trên những tảng đá, vạt cỏ, gò đất, rồi tất cả lại nhanh chóng lao vào công việc bằng tất cả tinh thần, trách nhiệm của những người lính. Bởi phía sau họ, các gia đình có người bị mất tích đang từng phút, từng giờ mong ngóng tin tức của người thân...

Đến gia đình anh Lò Văn Xanh ở bản Nậm Há 1, chúng tôi không khỏi xót xa trước sự mất mát không gì có thể bù đắp của anh khi vợ và con bị nước lũ cuốn trôi. Đại tá Nguyễn Minh Kỷ, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Lai Châu động viên anh Xanh và khẳng định sẽ cùng cán bộ, chiến sĩ của đơn vị nỗ lực hết mình giúp gia đình tìm kiếm người thân bị mất tích.

Cả 3 gia đình có người mất tích ở Nậm Há 1 đều có hoàn cảnh khó khăn, phần lớn tài sản để ở lán dưới chân núi. Đợt sạt lở đất vừa qua không chỉ cướp đi sinh mạng của 5 người, mà còn mang theo đi nhiều lúa, gạo, trâu, lợn, gà… của họ. Vì vậy, ngoài nhiệm vụ tìm kiếm những người mất tích, những người lính Quân khu 2 còn tổ chức tiếp tế lương thực, thực phẩm cho những người còn sống, không để dân bị đói, bị khát...

“Các anh ấy đã thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo trong xử trí tình huống cứu hộ thiên tai. Ðồng thời phát huy hết tinh thần trách nhiệm của mình, không quản ngại khó khăn, vất vả, hết lòng, hết sức vì sự an toàn tính mạng của người dân. Ðó là những hình ảnh đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”.

                Ông Bùi Huy Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên

Ðại tá Nguyễn Ngọc Lương, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Lai Châu cho biết, hiện Bộ CHQS tỉnh tiếp tục tham mưu giúp địa phương triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ; tổ chức sơ tán khẩn cấp được 293 hộ dân ở những vị trí có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; hỗ trợ kịp thời các hộ gia đình bị thiệt hại, nhất là các gia đình có người chết, mất tích và bị thương; nhanh chóng khôi phục, phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống cho nhân dân sau thiên tai...

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.