Có mặt ở xã San Sà Hồ, dù các hộ người Mông ở đây ở khá sát nhau, nhưng mù giăng kín. Đường đi vào các hộ gia đình người Mông khá lầy lội, do đường đất, hôm trước có mưa.
Theo lãnh đạo xã, được chỉ dẫn về cách chống rét cho đàn gia súc, nhưng nhiều trâu bò vẫn chết rét, do thời tiết quá khắc nghiệt. Tại bản Cát Cát, dù là bản du lịch, nhưng hiện, nhiều hàng quán, nơi bán đồ lưu niệm đã đóng cửa vì rét. Nhiều hộ gia đình người Mông ở đây đã đốt bếp lửa ở sàn nhà để sưởi ấm.
Ông Mã A Tra, người bản Cát Cát, xã San Sà Hồ cho biết, gia đình ông nuôi 4 trâu, một nghé, chuồng được vây kín bằng tấm bạt. Ông Tra nói: “Năm 2008, gia đình ông có hai con trâu bị chết. Năm nay, khi trời rét đậm, thấy cán bộ bảo che chắn với trữ thức ăn nên tôi thực hiện rất đầy đủ, nên chưa có con trâu nào bị chết.
Theo ông Mã A Nủ, Chủ tịch xã San Sà Hồ, cả xã có gần 700 con trâu bò nhưng đã có đến 28 con trâu (chủ yếu là nghé), 3 bò và 1 con ngựa chết rét. Sau khi được hướng dẫn, nhiều hộ dân đã lùa đàn trâu, bò, dê về nhà để nhốt.
Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Phó Chủ tịch huyện SaPa cho biết, đến chiều qua, cả huyện có trên 200 trâu, bò, ngựa chết rét, trong tổng đàn trâu gần 9.200 con.
Theo Cục Chăn nuôi, tính đến chiều 13-1, cả nước có gần 5.300 con trâu, bò chết rét. Các tỉnh thiệt hại lớn vẫn là Sơn La (trên 1.300 con) Cao Bằng, gần 1.200 con. Đặc biệt, tại Lạng Sơn, số trâu bò chết của tỉnh này gần 870 con. Hà Giang trên 400 con, Bắc Kạn gần 380 con chết rét.