Sập sùi ngôi đình Việt cổ nhất Nam bộ

Sập sùi ngôi đình Việt cổ nhất Nam bộ
TP - Thông Tây Hội chính là đình cổ nhất của người Việt tại Sài Gòn – Gia Định, theo nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam. Đình già hơn cái tuổi của thành phố, và đang chờ sập.

Lắp dựng lại ngôi đình trên 100 năm
> Di tích đình Ngòi xuống cấp

Ngôi đình đầu tiên của Nam Bộ

Tập quán của người Việt miền Trung là quần cư trên đồi cao. Cả xứ Sài Gòn chỉ duy nhất có một vùng đất khô ráo, khá cao, um tùm thứ cây Vắp hoang dại. Người ta bèn tìm tới dựng làng, gọi tên là Gò Vấp.

Một trong những công việc quan trọng nhất của người Việt là dựng đình để thờ thành hoàng, vị thần hộ mệnh cho họ. Theo nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam, Thông Tây Hội chính là đình cổ nhất của người Việt tại Sài Gòn - Gia Định. Nhiều tài liệu nói đình được dựng từ năm 1679. Hai mươi năm sau đó, năm 1698 (được chọn là năm thành lập Sài Gòn), chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý miền Nam, lập phủ Gia Định và hai huyện Phước Long, Tân Bình. Từ đó Nam Bộ nhập vào cương vực Việt Nam. Đình Thông Tây Hội là mốc son của năm tháng xa xưa đó, may mắn còn lại tới hôm nay.

Theo Trịnh Hoài Đức, mới đầu đình Thông Tây Hội hẵng còn đơn sơ, làm bằng gỗ lá. Sau, dân cư phồn thịnh, đời sống dân khấm khá lên, có nghề thủ công, đình mới được lợp ngói. Khi vùng đất hoang dại được chinh phục, công trình nguy nga cũng mấy lần được trùng tu. So với các công trình văn hóa của người Chăm, người Hoa, người Khmer… đình Thông Tây Hội có nét riêng biệt. Nó ít dùng gạch hay men sứ, màu sắc không rực rỡ, đình nổi bật nhờ hệ thống cột, kèo bằng gỗ, tao nhã, đường nét chạm khắc công phu. Ngôi đình màu nâu non đẹp như câu ca dao: “Qua đình ngả nón trông đình/Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”.

Phần lớn đình ở Nam Bộ không ghi rõ tên thần thành hoàng mà chỉ ghi “Thành hoàng bổn cảnh”, thì điện thờ đình Thông Tây Hội có bài vị cổ ghi rõ: “Hữu Đông Chinh Dực Thánh Thành Hoàng Đại Vương”.

Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương là hai con trai của vua Lý Thái Tổ. Sau khi Lý Công Uẩn qua đời, các vị dấy binh nổi loạn thất bại, nhưng được vua Lý Thái Tông khoan hồng tha chết, cho đi khai khẩn mở mang bờ cõi nơi phương Nam. Hai ông được tôn là tổ của nghề khai khẩn phương Nam. Lưu dân miền Trung khi tiến vào Nam Bộ đã đưa theo trên thuyền bài vị của hai vị thành hoàng.

Lịch sử có những trùng hợp thú vị. Vua cha Lý Thái Tổ dời đô lập nên Thành Thăng Long trù phú. Hai con trai của ông lại được thờ làm thành hoàng của ngôi làng Việt đầu tiên tại Nam Bộ. Chính nơi đây hình thành nên phố Sài Gòn - thành phố đầu tàu kinh tế của Việt Nam
ngày nay.

Hai vương đều là dũng tướng, xông pha trận mạc. Họ từng dẫn quân đánh sang xứ Trung Hoa để ngăn chặn nguy cơ tấn công của quân thù. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Nhâm Tuất (1022) xuống chiếu cho Dực Thánh Vương đi đánh bộ lạc Đại Nguyên Lịch, quân ta đi sâu vào trại Như Hồng đất Tống, đốt kho vựa rồi về” (Trại Như Hồng thuộc Quảng Tây ngày nay).

Trong chính điện đình Thông Tây Hội treo đôi câu đối: “Hách hách tinh linh quang vũ trụ/Uông uông huệ trạch bác lư diêm” (Hiển hách tinh linh soi vũ trụ/ Mênh mông ơn đức khắp nhân dân).

Di tích quốc gia đầy mối mọt

Cảm giác của tôi khi tới thăm ngôi đình huyền thoại là thật ngỡ ngàng. Ngôi đình cổ nhất của người Việt lại bị quên lãng trong điêu tàn.

Cổng đình làm bằng sắt, theo kiểu cổng đình của… người Hoa. Nhưng khác với các đình quán của người Hoa được chăm sóc rất kỹ lưỡng, hương khói ngày đêm, thì cổng đình Thông Tây Hội khóa trái. Cửa sắt hoen gỉ. Người ta đập trổ một đoạn tường mà đi vào, không có cửa. Ngổn ngang trong đình những người vô gia cư, kẻ nghiện ngập, những người bán vé số dạo.

Trong khuôn viên đình, một đằng là cái trại hòm nghèo của ông từ, một đằng trụ sở của cơ quan công an, nghe nói là ở nhờ. Phía sau đình có mấy cái chuồng gà, một xưởng may bật điện suốt ngày, gần chục ngôi nhà dân xây kiên cố nhưng không có sổ đỏ. Những người trong Ban trị sự của đình nói với tôi: “Diện tích đình hơn 5.000 m2, thực tế bây giờ chỉ còn quản lý được 1.500m2”.

Bước vào chính điện thấy hai nếp nhà ghép vào nhau kiểu “trùng thiềm điệp ốc” 48 cột chia làm 8 dãy, mỗi dãy 6 cột. 4 cột chính cao 4,5m. Nhờ được tu sửa nên chính điện còn trụ vững. Tuy nhiên chính điện vắng vẻ, thi thoảng vài người nghèo vào quỳ xin trúng sổ (xổ số). Người ta đồn đại nhiều người nghèo đã được “các ông” cho trúng sổ mà đổi đời, thậm chí có người trúng số hai lần. Trong chính điện, ngoài thờ các thần thành hoàng và tiên hiền hậu hiền thấy có cả… bàn thờ Quan Vân Trường, do ai đó tự động đặt thêm vào! Nhà võ ca, nơi diễn ra các sinh hoạt văn nghệ truyền thống, diện tích 238m2. Kiến trúc đồ sộ gồm 7 nếp nhà ngói cổ với 52 cột gỗ liên thông, đến nay 4 tòa nhà đã hư hại mất.

Nhà hội sở, nơi tiếp khách và chuẩn bị lễ vật để tiến cúng lên chính điện, diện tích xây dựng 228m2 gồm 3 nếp nhà liên thông kiểu “Trùng thiềm, điệp ốc” với 56 cột. Toàn bộ công trình đang
nằm… thấp hơn so với mặt sân đình tới cả mét! Một người dân địa phương nói: “Mùa mưa có khi nước chảy vào trong hội sở như chảy vào
cái ao”.

Ông từ chỉ cho tôi những hàng ngói mới được dặm thêm, lo lắng: “Ngói hư, kèo mọt. Chúng tôi vừa kêu gọi bà con quyên góp, gia cố tạm thời. Không biết ba tòa nhà này cầm cự được bao lâu? Chúng tôi rất sợ nó sẽ bị sụp”. Những hàng cột thẳng băng của nhà hội sở đã bị sâu mọt đục nham nhở.

Miếu Ngũ Hành, nét văn hóa của người Việt từ ngoài Trung, ngoài Bắc đưa vào, bị hư hại hoàn toàn.

Năm 2009, dân xây lại Miếu Bà (văn hóa đạo Mẫu của người Việt), nhưng Miếu lại bị một trường dạy nghề (nay là trụ sở tạm của ngành công an) bịt gần hết lối đi.

Khi tôi tới đình, thấy dân phố đang xúm nhau lại xây tường. Họ nói: “Đối tượng xấu tự do trèo vào, phá phách. Chúng trèo lên cả nóc đình để ăn trộm tượng. Có đứa nghiện vào nằm ngủ, lăn ra chết luôn”.

Còn đâu nguồn cội?

Câu đối ở đình Thông Tây Hội viết: “Hanh Thông cựu tích địa phương, vạn tải phụng thần linh Thông Tây Hội sở/An Hội cổ danh thắng cảnh, thiên thu phù Tổ quốc xứ thông hành” (Địa phương dấu cũ Hanh Thông, vạn năm thờ cúng thần linh tại Thông Tây Hội/ Thắng cảnh tên xưa An Hội, ngàn thu phụng sự Tổ quốc cùng với các nơi).

Người Việt ở Nam Bộ vẫn xem Thông Tây Hội là nguồn cội văn hóa của tộc người. Trước kia, vào hội, người ra rước linh vị thành hoàng nhiều nơi về đình này. Ông Tý làm ở Ban trị sự của đình cho biết: “Hàng năm vào lễ kỳ yên (nhằm ngày rằm tháng Tám âm lịch) vẫn có 74 đình về dự lễ”.

Trước cảnh Tổ Đình thành hoàng xuống cấp, bá tánh không khỏi bùi ngùi. Nhưng “số tiền cần để trùng tu vượt qua sức đóng góp của nhân dân” - ông Tý nói - “Chúng tôi chỉ đủ tiền sửa chữa nhỏ thôi. Hơn nữa, công trình làm xong rồi, dân mới xem xét, đóng góp”. Tiền sửa chữa nhà hội sở cổ, dân ước tính “phải cần hơn vài tỷ đồng”. Chưa kể, đình bị lấn chiếm quá nửa.

Ông Nguyễn Văn Hung, Phó chủ tịch Mặt trận tổ quốc phường 11, quận Gò Vấp nói: “Năm 1978, nâng nền chính điện chống ngập và sửa mái. Đến năm sau thì phong đình là Di tích kiến trúc nghệ thuật, văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Từ đó đến nay, từ trung ương đến thành phố tuyệt nhiên không đầu tư thêm đồng nào”.

Chúng tôi vào chính điện đình Thông Tây Hội thắp hương. Lịch sử Sài Gòn - Gia Định đã hơn 300 năm. Trên ban thờ thành hoàng của đình giản dị ghi một chữ “Thần”. Ngẩng lên thấy bức hoành đề ba chữ: “Kính như tại” (giữ lòng thành kính như các Thần đang có mặt). Nhìn ra ngoài thấy nhà hội sở, một công trình kiến trúc cổ quý giá sắp sụp đổ, không khỏi ngậm ngùi.

12-2011

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG