Sắp chiếu phim 'Sự im lặng' chấn động xứ Hàn

Sắp chiếu phim 'Sự im lặng' chấn động xứ Hàn
TP - The Silenced (Sự im lặng) nằm trong chùm 11 phim Hàn Quốc sẽ chiếu tại LHP Quốc tế Hà Nội lần 2 sắp tới, cùng với nhiều bộ phim khác cho thấy bức tranh xã hội Hàn Quốc không lãng mạn như phim truyền hình nước này cố dựng lên.

> 11 phim Hàn Quốc đặc sắc đến Hà Nội

Phim chuyển thể từ tiểu thuyết Dogani của nhà văn Kong Ji Young xuất bản năm 2009. Nữ nhà văn lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật tại ngôi trường nuôi dạy trẻ câm điếc Gwangju Inhwa, tỉnh Gwangju (Hàn Quốc) từ năm 2000 đến 2005.

Goong Yoo vào vai thầy giáo trẻ Kong In Ho chuyển từ Seoul xuống tỉnh Mujin, chính là người có ý tưởng chuyển thể.

Anh đọc được cuốn sách trong thời gian nghĩa vụ quân sự, bèn hỏi ý kiến nhà văn làm bộ phim cho những đứa trẻ thiếu may mắn này. Đạo diễn sinh năm 1971 Hwang Dong Hyuk là người thực hiện.

Phim có tên Hàn Quốc là Dogani, tên tiếng Anh khác là The Crucible, và tên tiếng Anh chính thức được giới thiệu quốc tế là The Silenced.

Phim khởi chiếu 4-11-2011, nhận một số giải thưởng tại Hàn Quốc: Âm nhạc hay nhất tại Giải thưởng phim Rồng xanh, Phim hay nhất năm.

Phần đầu phim là thời gian để thầy giáo In Ho khám phá ngôi trường đặc biệt, nơi mà những đứa trẻ luôn thường trực nỗi sợ hãi và thường xuyên mang trên mặt vết bầm tím.

Phần thứ hai tập trung vào cuộc đấu trí trước tòa, khi những người như In Ho và cô gái Yoo Jin (Yoong Yu Mi)- nhân viên Trung tâm nhân quyền tỉnh Mujin cố gắng đưa những kẻ ngược đãi, xâm hại những đứa trẻ tội nghiệp ra tòa.

Sự khốc liệt xuất hiện ngay cảnh đầu tiên khi cậu em trai Min Soo tử nạn tại đường tàu, trong khung cảnh u ám của tỉnh mù sương Mujin. Bộ phim chắc chắn không phải dành cho tất cả.

Chủ đề dữ dội đã đành, ở đây đạo diễn không né tránh, ngay cả trong những cảnh quay về tội lỗi của những kẻ mang danh thầy giáo, khoác áo đạo đức giả là con chiên ngoan đạo để tha hồ làm bậy, ngay tại ngôi trường bọn trẻ không nghe, không nói được.

Có thể nói bộ phim hoàn toàn thuộc về bọn trẻ mồ côi, hoặc cha mẹ không có khả năng nuôi nấng chúng: Min Soo (Baek Seung-Hwan) gánh nỗi đau mất em, bị đánh đập và không thể chống cự thầy giáo kỳ quái.

Yeon Doo (Kim Hyun Soo) mồ côi cha mẹ, luôn để mắt đến Yoo Ri (Jung In Seo) tâm thần bất ổn, rất háu ăn và đặc biệt cùng cảnh ngộ bị hại ngay tại trường học.

Cả ba diễn viên nhí xứng đáng nhận giải diễn xuất. Ngoài sự biểu cảm gương mặt, hiệu ứng cảm xúc mang lại cho khán giả tăng lên qua diễn xuất bằng giao tiếp ký hiệu.

Những câm lặng dồn nén, uất ức lúc rụt rè, khi được đẩy lên cao trào qua lời khai làm chứng trước phiên tòa lúc đau xót, khi bức bối vì cảm giác bất lực.

Cả ba diễn viên nhí chứng tỏ sự chuyên nghiệp: Baek Seung-Hwan sinh năm 1998, đóng phim điện ảnh đầu tiên năm 2007, chưa kể phim truyền hình. Kim Hyun Soo và Yoong In Seo từng tham gia cả phim truyền hình lẫn điện ảnh.

Tất nhiên người xem có thể lấy làm tiếc cho đạo diễn ở một số sơ suất trong kịch bản: Chưa khai thác sâu hai nhân vật chính In Ho- vợ mất, phải để lại con gái Sol đau yếu lại Seoul cho mẹ chăm sóc- hay Yoo Jin-cộng sự, người bảo vệ quyền lợi cho bọn trẻ.

Chưa kể một số chi tiết mơ hồ, chưa thuyết phục trong đoạn đi tìm bằng chứng tại trường học và một số cảnh khác.

Khi phim mới công chiếu, có một cựu học sinh của ngôi trường ở Gwangju cho rằng phim mới nêu được một phần sự thật. Nhưng ngay sau đó, sức ảnh hưởng bộ phim ngoài sự mong đợi của đoàn làm phim.

Sự việc được phát giác năm 2005, sau đó địa phương mở phiên tòa nhưng chỉ hai người chịu mức phạt từ 8 tháng đến 2 năm, hai người bị quản chế còn lại thoát tội.

Năm 2007, người ta tiếp tục đào bới vụ việc, đưa thêm hai người ra tòa trong đó có ông hiệu trưởng. Ngôi trường vẫn hoạt động, thậm chí năm 2008 một số cán bộ còn được nhận trở lại trường.

Tuy nhiên, hơn 4 triệu người Hàn xem phim The Silenced đã làm dấy lên luồng dư luận khiến Sở giáo dục Gwangju phải xem xét về việc đóng cửa ngôi trường này, đưa hơn 20 trẻ em ở đây đến cơ sở khác.

Vấn đề xâm hại tình dục trẻ vị thành niên được đưa ra quốc hội bàn thảo. Người ta thông qua đạo luật mang tên Dagoni cuối năm 2011, bãi bỏ những hạn chế đối với tội phạm tình dục nhằm vào vị thành niên và người khuyết tật.

(Trong phim, những kẻ phạm tội thoát cảnh ngồi tù, do bỏ tiền mua chuộc gia đình họ ký vào biên bản hòa giải).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.