> Ông Lê Hùng Dũng ứng cử Chủ tịch VFF
> Tìm nhà lãnh đạo hay tìm ông bầu?
Bấy lâu nay, dù mang tiếng là một tổ chức xã hội nghề nghiệp nhưng với tầm ảnh hưởng của mình, VFF luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo rất sát của ngành thể thao. Sát đến độ, khi ông Phạm Ngọc Viễn phải từ chức, đại diện của FIFA tại châu Á đánh điện sang xác minh xem có đúng là ông Viễn tự ý từ chức hay là “gợi ý” bởi FIFA luôn yêu cầu các thành viên của mình có sự độc lập.
Và ở một số thời điểm, chúng ta giải thích rằng LĐBĐ VN có những đặc thù riêng trong việc hoạt động. Thế nhưng việc, Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch lần này cương quyết đề cử ông Lê Khánh Hải, thứ trưởng của bộ mình vào chức danh chủ tịch VFF xem ra lại không được ủng hộ cho lắm.
Bởi lẽ, nói như ông Nguyễn Hồng Thanh của xứ Nghệ thì: “Làm bóng đá vất vả lắm, không có đam mê, nhiệt huyết thì không làm được đâu. Ép người không thích làm gì?!”. Tương tự như ông Thanh, bầu Thắng, bầu Đức và những người làm bóng đá dường như cũng tự ái tuyên bố tương tự: “Người ta không thích cớ sao phải ép” khi được hỏi về việc chọn ai làm chủ tịch VFF ở đại hội lần này.
Rõ ràng thứ trưởng Lê Khánh Hải trước đó đã từ chối ứng cử vì nhiều lý do cá nhân, trong đó lý do chính đáng nhất là không nắm tường tận về bóng đá Việt Nam.
Việc khăng khăng “ấn” người của mình vào vị trí to nhất VFF càng trở nên “lợi bất cập hại” hơn khi với sự cương quyết của Bộ, người hâm mộ sẽ đặt câu hỏi về trách nhiệm.
Trong trường hợp bóng đá Việt Nam tiếp tục thất bại ở SEA Games, tiếp tục thất bại ở AFF Cup sau khi ông Hải ngồi vào ghế chủ tịch, Bộ VH-TT&DL có chịu trách nhiệm chung? Nếu các đội bóng, thành viên của VFF chỉ hợp tác với vị tân chủ tịch một cách miễn cưỡng khiến nền bóng đá Việt thụt sâu hơn, Bộ VH-TT-DL có bị ảnh hưởng lòng tin?
Vậy cớ sao không để mọi chuyện tự nhiên, dù ai là người trúng cử đi nữa thì người hâm mộ, các đội bóng không ấm ức về chuyện “cơ cấu”, người ngồi vào chiếc ghế chủ tịch cũng chỉ phải tự chịu trách nhiệm về những quyết định của mình bởi họ thích thế và muốn thế?!