Lọc vùng có bão ưu tiên tập huấn
Ông Thắng cho biết, hiện Chính phủ đang có đề án 1002, về Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đang tích cực triển khai. Đây là đề án lớn, nêu ra rất nhiều vấn đề, trong đó có việc nâng cao nhận thức của người dân, các cháu học sinh, hướng dẫn họ những cách thức tự ứng phó trước thiên tai; xây dựng nhà cộng đồng quy mô vừa, nhỏ. Trong đề án này, có một nội dung liên quan đến hoạt động giáo dục, đào tạo và Chính phủ đã giao cho Bộ GD&ĐT.
Theo ông Thắng, trước cơn bão số 14, nhiều tỉnh Nam Trung bộ đã có một lớp tập huấn ở Ninh Thuận, hướng dẫn cho các thành viên làm công tác PCLB và TKCN về cách phòng chống rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Nhiều lớp tập huấn tương tự được tổ chức ở các địa phương khác. Hiện Ban chỉ đạo PCLB T.Ư đang lọc ra những vùng thường xuyên hoặc có nguy cơ xảy ra rủi ro thiên tai sẽ ưu tiên tập huấn, nâng cao trước.
“Chắc chắn sau cơn bão số 14, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm. Thường trực Ban chỉ đạo có thể sang tận Philippines để khảo sát, đánh giá, tổng kết tình hình. Các địa phương cần nhìn lại những tồn tại để rút kinh nghiệm”- ông Thắng nói.
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, cơn bão số 14 là cuộc tổng diễn tập lớn có sự tham gia quyết liệt từ các địa phương, ban ngành. “Chẳng hạn ở Philippines, sóng biển dâng cao gây thiệt hại lớn về người, nên việc này tới đây cần rà soát, ở ta xem vùng nào thấp, trũng để tổng kết” - ông Thắng nói.
Nên có cẩm nang ứng phó thiên tai
GS.TS Đinh Văn Ưu, Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, đã đến lúc việc dạy kỹ năng ứng phó với thiên tai trở nên cấp thiết ở Việt Nam, nên đưa thành một phần chương trình học chính khóa.
GS Ưu cho biết, Việt Nam nằm ở trung tâm hoạt động mạnh nhất của bão, áp thấp nhiệt đới, đường bờ biển dài và gió mùa hoạt động nên phải gánh chịu nhiều thiên tai trên thế giới, nhất là bão, lũ lụt, lũ quét. Những năm qua, thiên tai đổ bộ vào Việt Nam không có dấu hiệu giảm, diễn biến thất thường, khó dự đoán, điển hình như mấy cơn bão gần đây. Vì thế việc trang bị kỹ năng ứng phó với thiên tai càng trở nên cấp thiết.
Ở Nhật Bản, quốc gia phải hứng chịu nhiều thiên tai như động đất, sóng thần, ngay bậc mầm non, trẻ đã được học các kỹ năng cơ bản như làm thế nào khi gặp động đất, sóng thần ví như cần nhanh chóng di dời khỏi tòa nhà đang ở, tìm chỗ trú ẩn, giữ thấp cơ thể và che đầu. Khi di chuyển cần che lên đầu một vật mềm như chăn, gối. Việc thực hành những kỹ năng phòng chống thiên tai như một phần bài học của nhà trường.
Ở Việt Nam, theo GS Ưu đã có chương trình dạy nhận thức và kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai. Tuy nhiên mới chủ yếu là các chương trình lồng ghép. GS Ưu cho rằng, để hạn chế những rủi ro từ thảm họa thiên nhiên thì việc tự bảo vệ mình đóng vai trò quan trọng. “Phải có một chương trình bài bản, trang bị từ kiến thức đến kỹ năng ứng phó với thiên tai cho học sinh. Trước mắt nên đào tạo bài bản cho đội ngũ giáo viên giảng dạy. Nên trang bị kỹ năng, kiến thức cho người dân, đặc biệt là người dân sống trong vùng có nguy cơ cao”.