Sang Nga lao động 'chui': Muốn về nước phải 'chuộc thân'

Sang Nga lao động 'chui': Muốn về nước phải 'chuộc thân'
TP - Nhiều thanh niên nông thôn tại TT-Huế đã nghe theo lời cò lao động đi chui sang Nga làm nghề may mặc, rồi bị bóc lột sức lực, lâm cảnh trắng tay, mắc kẹt nơi xứ người. Để cứu họ, người thân ở quê nhà phải vay mượn, xoay xở kiếm đủ hàng chục triệu đồng mong “chuộc thân” về.

> Cảnh sát Nga tạm giữ 181 người Việt lao động “chui”
> 181 lao động Việt bị cảnh sát Nga bắt giữ

Về từ xưởng may... hành xác

Giữa năm 2011, chị Đặng Thị P. (26 tuổi, quê Phú Xuân, Phú Vang) nhận được lời mời chào đi lao động tại Nga từ một phụ nữ luống tuổi sống ngoài xã. Người đi không tốn bất kỳ khoản phí nào ban đầu, từ thủ tục xuất cảnh, vé máy bay, trừ số tiền di chuyển nội địa từ Huế ra Hà Nội. Theo viễn cảnh do “cò” vẽ ra, người đi Nga sẽ nhận khoản lương tối thiểu 400 USD mỗi tháng, làm việc bình quân 8 tiếng/ngày, trường hợp tăng ca chỉ giới hạn tối đa 12 tiếng.

Công nhân Đặng Thị P
Công nhân Đặng Thị P.

“Chi phí xuất cảnh 2.000 USD chủ xưởng cũng cho nợ, họ còn hứa bao luôn tiền trọ, ăn ở. Lại nghe, mỗi năm tích lũy khoảng 80 đến 100 triệu đồng từ lương thưởng để gửi về đỡ đần gia đình, bọn em mừng lắm. Nào ngờ...”, P.- người vừa hồi hương, kể.

 “Tôi rất bất ngờ về tình cảnh của những người trên địa bàn đi lao động ở Nga hiện nay. Thị trường lâu nay là Đài Loan, Malaysia, Nhật, Angola, Hàn Quốc, chứ không hề có Nga. Những người xuất khẩu lao động kiểu đó là đi chui.  

Phan Thị Xuân, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Vang

Điều mà P. và nhiều công nhân khác không ngờ, là ngay từ lúc đặt chân xuống đất Nga, chị phải làm việc hơn 16 tiếng mỗi ngày, bắt đầu từ 7 giờ sáng đến đêm khuya. Nhà xưởng may mặc do người Việt tên G. làm chủ là một khu ốp gồm tổ hợp quán ăn, giải trí, quầy bar ở tầng một. Chủ xưởng thuê tầng 3 để nhồi công nhân đồng hương vào ở và làm việc. “Tiền ở trọ, ăn, công nhân phải trả với giá cắt cổ. Nhiều người không chịu nổi, bỏ trốn”, P. cho biết.

Sau một thời gian, P. may mắn thoát về Việt Nam.

Muốn về nước, phải đóng tiền

Mẹ của một nạn nhân đang lưu lạc ở Nga. Ảnh: Ngọc Văn
Mẹ của một nạn nhân đang lưu lạc ở Nga. Ảnh: Ngọc Văn.
 

Không may mắn như P., chị Hồ Thị L. và Trần Thị N. (cùng quê Phú Xuân - Phú Vang) phải nộp tiền chuộc thân, do người nhà chuyển sang, từ 20 đến 30 triệu đồng. Để chủ chấp nhận cho L. quay về, người nhà nhiều lần gọi điện sang Nga năn nỉ với chủ xưởng lý do bố bị ung thư sắp mất, cần gặp mặt con gái lần cuối.

Giữa tháng 7 vừa qua, L. được cho hồi hương. Bạn L. là Trần Thị N. cũng được giải quyết về nước sau đó, với số tiền “chuộc thân” hơn 20 triệu đồng.

L. và N. giải thích, số tiền mà họ phải nộp “chuộc thân” cho chủ xưởng là khoản chi phí xuất cảnh trước đây, tiền trọ, ăn uống và tiền “khẩu”. “Bọn em không biết, tiền “khẩu” là khoản gì. Thời điểm em về nước, không hiểu sao, ông chủ lại gọi công nhân lên để xem xét nguyện vọng hồi hương, với điều kiện phải làm giấy cam đoan lý do về nhà là vì kết hôn hoặc có việc hệ trọng”, N. kể.

Thời điểm phóng viên tiếp xúc với những lao động “khổ sai” vừa về nước, ông Nguyễn Đức H. (trú xã Phú Diên - Phú Vang) cũng vội tìm đến phản ánh, gia đình vừa chuyển 60 triệu đồng để lo lót cho cậu con trai thứ hai ở Nga đủ tiền hồi hương.

Ông Trần H. (trú Phú Xuân - Phú Vang) cũng có hai con gái đi lao động chui tại Nga từ giữa năm 2012. Tuy nhiên do không thể vay mượn tiền nên dù biết hoàn cảnh con gái rất bi đát, lão nông này đành buông tay...

Từ thông tin báo chí, qua rà soát ban đầu của Phòng LĐ-TB&XH Phú Vang, trên địa bàn có khoảng 22 người đi XKLĐ chui tại Nga. Ngoài Phú Vang, số thanh niên qua Nga làm việc theo diện đi chui còn được phát hiện tại thị xã Hương Thủy, huyện Phong Điền, Quảng Điền, thành phố Huế... “Chúng tôi sẽ khẩn trương thông báo về cơ sở, nhằm ngăn chặn hành vi lừa người đi XKLĐ để bóc lột sức lực. Đồng thời, xem xét kiến nghị cơ quan chức năng điều tra, xử lý các trường hợp cò mồi lừa đảo”, bà Xuân nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.