Mật ong rừng bày bán ven quốc lộ 1A (đoạn qua dốc Quán Cau), huyện Tuy An (Phú Yên). Để khách tin tưởng mật ong rừng thật, người bán trưng cả tổ sáp ong ra đường. Theo thợ săn Nguyễn Ngọc Mỹ (30 tuổi), mùa lấy mật kéo dài từ tháng 2 đến hết tháng 7, trước khi mùa mưa bắt đầu.
Các thợ săn mật ong rừng huyện Tuy An cho hay, địa điểm thường có nhiều mật tập trung ở những cánh rừng xã Xuân Phước, xã Xuân Lãnh thuộc huyện Đồng Xuân
Phút nghỉ ngơi của thợ săn mật ong trước cửa rừng Xuân Phước, sau một hành trình đi xe máy hơn 40 km.
Đặc trưng của nghề săn mật ong rừng là liên tục di chuyển, tìm kiếm ong trong rừng, nên để đỡ tốn sức mỗi người thợ chỉ trang bị một túi xách gọn nhẹ đựng nước uống và đồ ăn tạm.
Thợ săn Nguyễn Ngọc Mỹ vừa đi trong rừng, vừa quan sát, tìm kiếm tổ ong.
Hành trình tìm mật ong rừng đòi hỏi người thợ phải tinh mắt, có sự kiên nhẫn và kiên trì. Anh Mỹ cho hay, những thợ săn chuyên nghiệp chỉ cần nhìn hướng ong bay thấp hay bay cao, số lượng ít hay nhiều đã có thể đoán được vị trí và kích thước của tổ ong.
Người thợ săn thường canh thời điểm ong kéo xuống suối để uống nước và tới 12h trưa khi ong bay về tổ rồi bám theo. Trong ảnh là một đàn ong uống nước dưới suối.
Ánh mắt chăm chú của anh Nguyễn Ngọc Mỹ nhìn từng con ong bay để có thể “định vị” nơi làm tổ của ong.
Những người thợ săn ở Tuy An duy trì số lượng ong rừng cho những mùa vụ sau bằng cách thay vì dùng lửa đốt thì họ dùng khói thuốc lá để xua ong rời tổ.
Nhẹ nhàng tách đàn ong ra khỏi tổ.
Để tránh làm hư sáp ong khi phải di chuyển nhiều, người thợ thường treo sáp trên những thân cây được đánh dấu và sẽ đem chúng trở về nhà khi kết thúc hành trình tìm mật
Anh Nguyễn Ngọc Mỹ cắt sáp ong lớn mang về nhà. Anh cho biết, mỗi chuyến đi săn mật ong rừng đều hên xui. “Có chuyến đi một ngày kiếm cả triệu đồng, nhưng có khi đi 5-10 ngày vẫn không có tiền đổ xăng", anh nói.
Vài năm gần đây, mật ong rừng ngày càng khan hiếm nên giá thường từ 1 triệu đồng/lít.