Những diễn viên đặc biệt
Một buổi chiều cuối tuần, hai nhóm hài kịch ứng tác “The Rotten Grapes” và “Tông Lào” cùng nhau luyện tập tại một sân khấu nhỏ trong tòa nhà 101A Nguyễn Khuyến. Dù thời tiết khá oi bức nhưng các bạn trẻ, gồm cả người Việt và người nước ngoài vẫn say mê luyện tập, thỉnh thoảng căn phòng lại vang lên những tiếng cười giòn giã.
Mỗi tiểu phẩm thường có khoảng 6-8 diễn viên tham gia. Sân khấu trống không, diễn viên dùng những đề xuất ngẫu hứng của bạn diễn hoặc của khán giả để ứng tác. “Những lời thoại, câu chuyện đó có khi chỉ tồn tại trong chính khoảnh khắc đó, chưa bao giờ được tạo ra trước đây và cũng sẽ không bao giờ lặp lại sau này”- Hoàng Long, trưởng nhóm “The Rotten Grapes” cho biết.
Hoài Thương, trưởng nhóm “Tông Lào” giải thích thêm: “Sự ứng biến của diễn viên không phải ngẫu nghiên mà là quá trình cùng nhau luyện tập thường xuyên, kỹ lưỡng trên sàn tập”.
Theo đó, diễn viên hài kịch ứng tác sẽ phải tuân thủ 3 nguyên tắc cơ bản. Thứ nhất là “không được từ chối bạn diễn”, mà phải đồng ý với những tình huống bạn diễn tạo ra, thậm chí đó là những tình huống oái ăm, điên rồ nhất. Ví dụ, bạn diễn đưa ra tình huống đang ở trong trại tâm thần thì các thành viên còn lại sẽ phải diễn cho ra chất “người điên”. Mỗi người góp một đoạn thoại, một ý tưởng… để xây lên một câu chuyện có nội dung liền mạch. Nguyên tắc thứ 2 là “không được nghĩ gì trong đầu”. Diễn viên luôn phải tập trung cho thực tại, không suy nghĩ trước về cốt truyện, lắng nghe bạn diễn để không bỏ sót thông tin và tiếp nối câu chuyện. Nguyên tắc 3 là “không có ngôi sao”. Mỗi tiểu phẩm là thành quả của cả nhóm chứ không phải của cá nhân.
Để đảm bảo những nguyên tắc đó, các diễn viên trong nhóm đều được thực hành hàng ngày những trò chơi, những bài tập kích thích sự sáng tạo, phản xạ, liên tưởng… “Tôi muốn xây dựng nhóm hài của mình theo mô hình và giáo trình của Nhà hát Upright Citizen Brigade của Mỹ- đây là một trong những cái nôi đầu tiên của hài kịch ứng biến trên thế giới”- Thủ lĩnh nhóm “The Rotten Grapes” tâm sự.
Gặp nhau để cười
Cơ duyên đến với hài kịch ứng tác của Hoàng Long khá tình cờ. Cách đây 2 năm, khi nghe một người bạn đến từ Pháp nói về hài kịch ứng tác, Long rất tò mò và thích thú. Càng tìm hiểu, càng mê, Long quyết định lập nên nhóm hài “The Rotten Grapes”. Đến nay, thành viên của nhóm đã lên tới hơn 30 người, tổ chức nhiều show diễn hàng tuần ở các tụ điểm giải trí, quán café dành cho người nước ngoài và các trung tâm văn hóa… Được đà, Hoàng Long quyết định từ bỏ công việc ở ngân hàng để toàn tâm toàn lực cho “đứa con đẻ” của mình.
Khác với Long, Hoài Thương (sinh năm 1990) lại đến với hài kịch ứng tác trong tình huống khá đặc biệt. “Cách đây 1 năm, tôi gặp một cú sốc tâm lý và rơi vào tình trạng chán nản, muốn buông xuôi tất cả. Tôi tham gia câu lạc bộ kịch ứng tác Hà Nội như một chỗ để giải stress. Thời gian đó đã thay đổi cuộc đời tôi. Sau này, tôi quyết định gia nhập nhóm của Long, và xây dựng phiên bản tiếng Việt của The Rotten Grapes, lấy tên là Tông Lào để có thể mang hài kịch ứng tác đến gần hơn với khán giả Việt”, Thương kể. Dù mới thành lập chưa lâu nhưng “Tông Lào” đã có những show diễn đầu tiên của mình, thành viên nhóm cũng lên tới 20 người.
Nhiều người nghĩ tiêu chí tham gia nhóm hài kịch ứng tác là phải có tài chọc cười. Nhưng không phải. Có người khá nghiêm túc, thậm chí hơi khó tính. Nhưng họ vẫn có thể cùng các bạn diễn tạo ra một tiểu phẩm thành công. Hoàng Bách (thành viên nhóm “Tông Lào”) là một ví dụ. Sở hữu ngoại hình sáng nhưng Bách lại rụt rè và hơi “cứng”. Mặc dù nắm vững lý thuyết nhưng mỗi lần lên sân khấu, anh chàng lại “đơ”. Nhưng sau 1 tuần luyện tập liên tục, cả nhóm đã bất ngờ với độ “máu”, độ “phiêu” của Bách trong đêm công diễn. Chính những tình huống tưng tửng anh chàng tạo ra đã giúp bạn diễn đẩy câu chuyện lên những cao trào khiến khán giả cười không dứt.
Có người là sinh viên, công chức nhà nước, có người lại là giáo viên tiếng Anh, nhân viên đại sứ quán, có người Việt, người Pháp, người Mỹ, Áo, Úc, Israel… Hầu hết các thành viên trong nhóm đều không được đào tạo về nghệ thuật mà gặp nhau hoàn toàn vì chung đam mê. “Các thành viên của nhóm tiếng Việt đều không nhận tiền công biểu diễn trong 6 show đầu tiên, còn các thành viên nước ngoài thì luôn từ chối cát xê và hào hứng xem đây như một điểm vui chơi, giải trí, gặp nhau giao lưu và thỏa mãn đam mê diễn hài”- Hoàng Long chia sẻ.
Thành viên của nhóm ngày càng gia tăng, nhu cầu tập luyện cũng nhiều hơn. Long quyết định dồn toàn bộ số tiền tiết kiệm, thuê dài hạn địa điểm tầng 2 ở tòa nhà 101A Nguyễn Khuyến để xây dựng “nhà hát mini” The Rotten Grapes cho nhóm hài của mình. Với căn phòng rộng gần 90m2 trống không, Long chi hơn 50 triệu đồng để thiết kế lại, lắp sàn gỗ, lắp hệ thống đèn, điều hòa và ghế mềm. “Mặc dù chỉ được gần 40 chỗ ngồi, nhiều hôm khán giả phải đứng xem nhưng chính không gian nhỏ xinh, ấm áp này lại rất hợp với kịch ứng biến, bởi diễn viên có thể tương tác trực tiếp với khán giả”- Long hào hứng khi nói về “nhà hát” của mình.
Có không gian riêng để tung hoành, Long và Thương thay nhau tổ chức các đêm diễn của nhóm mình vào chủ nhật hàng tuần. Mỗi show diễn ra trong vòng một tiếng rưỡi, gồm 8 tiểu phẩm ngắn. Với giá vé 60 ngàn đồng, khán giả được tặng thêm nước uống hoặc bia lạnh. Thời gian tới, nhóm dự định sẽ tổ chức diễn định kỳ ở khu vực Hồ Gươm vào cuối tuần để hút thêm khán giả.