Đồng Nai

Sân golf thành khu đô thị: Phớt lờ ý bộ, lời dân

Sân golf thành khu đô thị: Phớt lờ ý bộ, lời dân
TP - Từ sân golf 204 ha, nó đã hóa thành khu đô thị, chiếm 1.200 ha đất bờ xôi ruộng mật. Chỉ huy “dàn nhạc” này là một vài vị lãnh đạo cấp tỉnh, cố ý làm trái nghị quyết  HĐND tỉnh, bất chấp cảnh báo của các bộ ngành và ngược chỉ đạo của Thủ tướng.

Trong tay chúng tôi là tập hồ sơ với hàng trăm văn bản. Theo đó, người nông dân bị thu hồi đất cho dự án sân golf Long Thành (cách nay hơn 10 năm) và dự án Khu đô thị, sân golf, thể thao, du lịch sinh thái Long Thành (hiện nay), nếu không xem xét kỹ thì rất dễ lạc vào ma trận.

Khởi thủy, dự án đầu tư xây dựng Câu lạc bộ (CLB) golf Long Thành là dự án đầu tư nước ngoài, được cấp phép lần đầu tháng 10/1998. Theo quyết định của Thủ tướng (tháng 3/1999), Cty CP May - Xây dựng Huy Hoàng (Cty Huy Hoàng) được thuê 204 ha đất tại xã Phước Tân để cùng đối tác nước ngoài thực hiện dự án.

Ít lâu sau, phần vốn nước ngoài được bán hết cho nhà đầu tư trong nước, dự án này biến thành dự án đầu tư trong nước. Tiếp đó, qua một hợp đồng chuyển đổi, tên chủ sử dụng đất từ Cty Huy Hoàng biến thành Cty CP Đầu tư & Kinh doanh golf Long Thành (Cty Golf Long Thành). Cty Golf Long Thành đề xuất và được UBND huyện, tỉnh chấp thuận đầu tư mở rộng CLB Golf Long Thành; từ tháng 6/2005 có thêm 140 ha, thành 344 ha cả thảy.

Năm 1997, dự án CLB Golf Long Thành được đổi thành CLB Golf Long Thành và Khu nhà ở biệt thự kết hợp du lịch sinh thái; đồng thời UBND tỉnh Đồng Nai duyệt quy hoạch 1/2000, diện tích hơn 328 ha, trong đó hơn 90 ha dành cho xây biệt thự.

Đến tháng 3/2008, Chủ đầu tư lại được chuyển đổi 330.199 m2 từ đất cơ sở thể dục thể thao sang đất ở lâu dài. Dự án lại được đổi tên, thành Khu liên hợp thể thao và nhà ở tại Long Thành, rồi Khu đô thị, sân golf, thể thao, du lịch sinh thái Long Thành, và dự án chiếm tới 1.200 ha đất.

Để giúp chủ đầu tư tăng diện tích gấp sáu lần ban đầu, UBND tỉnh tiếp tục cho thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, khiến đời sống người dân không ngừng bị xáo trộn... Theo bà con, sự xáo trộn đó, nếu minh bạch và đúng chủ trương của Trung ương thì bà con ủng hộ; nhưng thực tế diễn ra thì không phải như vậy.

Bất chấp

Trong quá trình thay đổi biến hóa như trên, Chủ đầu tư (Cty Golf Long Thành) luôn trả lời dân bằng điệp khúc “đề nghị thông cảm, Huyện và Tỉnh quyết thế”. Dân thắc mắc lên Huyện, Tỉnh thì được giải đáp: Đây là cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước, chuyển đổi cơ cấu kinh tế (!?).

Đa số người dân cho rằng, việc đầu tư, mở rộng diện tích dự án này trật chính sách bởi đất bờ xôi ruộng mật, làm nông nghiệp hai vụ/năm thế này, Chính phủ không cho phép chuyển đổi làm khu đô thị, sân golf; sân golf  mà sao lắm biệt thự. Hơn thế nữa 320 ngôi xây trong giai đoạn một (trên 328 ha đất) đã bán hết với giá 400 USD/m2 theo quy chế nào (?); Đất nền giai đoạn hai, đến nay đã bán một phần ba, sao không công khai danh tính người mua (?).

Thắc mắc của dân không mới, các bộ ngành liên quan cũng đã trả lời (bằng văn bản gửi UBND tỉnh và dân) từ lâu. Bộ TN&MT lưu ý, dự án chưa có trong danh mục công trình sử dụng đất được CP phê duyệt và chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Bộ KH&ĐT thì cho rằng, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp diện tích lớn thế này ảnh hưởng lớn, nhiều mặt, cần cân nhắc kỹ hiệu quả và các vấn đề liên quan. Bộ NN&PTNT thì kết luận đất lúa hai vụ thế này không nên chuyển đổi. Bộ Xây dựng lưu ý, phải giải quyết vấn đề tổng thể, cả trước mắt lẫn lâu dài, hài hòa lợi ích địa phương và doanh nghiệp, địa phương và vùng miền...                     

Ngày 25/6/2009, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về đề nghị của UBND tỉnh Đồng Nai đối với dự án này. Theo Phó Thủ tướng, việc xem xét quyết định thỏa thuận địa điểm cho  doanh nghiệp thực hiện dự án này chỉ thực hiện sau khi quy hoạch sử dụng đất lúa đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 được Thủ tướng phê duyệt.

Ngày 16/7/2009, HĐND tỉnh Đồng Nai ra nghị quyết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của tỉnh Đồng Nai 2009 - 2010; nêu rõ: “Riêng các dự án sân golf ghi trong quy hoạch, cần rà soát và chỉ giới thiệu địa điểm cho chủ đầu tư thực hiện sau khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch sử dụng đất lúa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và sau khi ban hành Quy hoạch hệ thống sân golf Việt Nam đến năm 2020 và tiêu chí sân golf”.

Nhưng cũng ngày đó, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định thu hồi đất để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện đầu tư xây dựng Khu Đô thị, sân golf, thể thao, du lịch sinh thái Long Thành.

Và nữa, cuối tháng 10/2009, có đến 27 chủ sử dụng đất với diện tích bị thu hồi gần 12 ha vẫn được thông báo phải kê khai đất đai, tài sản giải tỏa để phục vụ dự án. Dân còn đang yêu cầu tỉnh trả lời nhưng Cty Golf Long Thành đã cho xe rầm rộ đổ đất tràn vào ruộng cây trồng đang xanh tốt.

Người mua được đất dự án này đang rao bán tiếp trên mạng, khá sôi nổi. Nhiều đại gia đã sở hữu tại đây biệt thự khuôn viên 500 - 700 m2, với giá đến 240.000 USD. So với giá đền bù cho dân 40.000 - 280.000 đồng/m2, thì với giá giao dịch thực tế 800 - 900 USD/m2, thì người mua được đất ở đây đạt lợi nhuận nằm mơ cũng khó thấy.

Điều này phải chăng là lời lý giải cho câu hỏi:  Vì sao các cấp chính quyền, và chủ dự án phải vội vã triển khai rầm rộ dự án khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt như vậy?

VP Chính phủ vừa có công văn thông báo ý kiến Thủ tướng, giao Bộ KH&ĐT hoàn thiện dự thảo Quyết định về quy hoạch sân golf VN đến năm 2020, trình Thủ tướng phê duyệt.

Thủ tướng yêu cầu không sử dụng đất lúa hai vụ làm sân golf. Trường hợp phải sử dụng đất lúa làm sân golf thì chỉ sử dụng đất lúa một vụ năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao, diện tích không quá năm phần trăm tổng diện tích quy hoạch một sân golf; không sử dụng đất thuộc quy hoạch KCN, KĐT, đất rừng (đặc biệt rừng phòng hộ và đặc dụng) làm sân golf.

Thủ tướng yêu cầu diện tích đất dành xây nhà ở thấp tầng cho thuê trong tổng diện tích đất sân golf chủ đầu tư được giao hoặc cho thuê không quá 10 phần trăm; mật độ xây dựng gộp của sân golf không quá năm phần trăm của dự án sân golf...

MỚI - NÓNG