Săn cá nửa đêm

Săn cá nửa đêm
TP - “Mưa to lắm, đóng cửa cabin lại” ! Có tiếng la loạn xạ của các ngư dân trên máy Icom. Trời nổi sấm đùng đoàng soi sáng mặt biển, xé tan màn đêm. Đó là một chuyến đi biển hãi hùng của tôi, nhưng là chuyến “đi biển bình thường” với ngư dân.

Cá - nước vùng biên

Gặp giông

Trời vừa sập tối, chiếc tàu cá QNg 48957 TS của ông Võ Xuân Cẩm ở xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) chở 12 ngư dân tiến ra khỏi cửa biển Mỹ Á. Ra biển trong buổi hoàng hôn, cảm giác choáng ngợp vì mọi cái đều trở nên nhỏ bé giữa không gian bao la.

22 giờ, khi tàu đánh vừa xong một phiên lưới thì trời bắt đầu nổi giông. Trên bầu trời, ánh trăng non bị che khuất dần bởi những chòm mây vần vũ, không gian trở nên mờ đục. “Mưa to lắm, đóng cửa cabin lại !” - qua máy Icom, ngư dân ở các tàu cá nằm ngoài khơi la to. Mưa từ ngoài khơi lan vào bờ. Giông trên biển thường đến rất nhanh. Cách đây vài ngày, chiếc tàu cá mang số QNg 95355 TS của ngư dân Võ Văn Quang ở huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi đã bị một cơn giông quật chìm ngoài khơi. Chiếc tàu này có công suất và thân tàu to gấp đôi tàu ông Cẩm. Một ngư dân cho biết: “Nếu theo tàu ra khơi độ tháng 5, biển êm láng như mặt gương, tháng 9 trở đi, đêm nào biển cũng nổi giông”. Đã quen với cảnh thời tiết bất thường nên các ngư dân chui vào cabin nằm ngủ, chỉ có thuyền viên trẻ nhất tàu là Võ Xuân Vương và thuyền trưởng là thức.

Rồi cơn giông cũng qua, các thuyền viên bắt đầu lục đục ra đánh lưới. Đối với nghề lưới rút, thành bại trong một chuyến đi khơi đều do thuyền trưởng quyết định. 11 ngư dân trên thuyền chỉ việc kéo lưới, còn việc chạy hướng nào, thu thập tin tức luồng cá, đánh lưới theo phương án 1 hay phương án 2 đều do một tay thuyền trưởng quyết định. Chính vì vậy, 15 năm cầm lái con tàu, nét đăm chiêu đã ăn sâu trên khuôn mặt thuyền trưởng Cẩm. Một chuyến thua lỗ, gia đình của 12 ngư dân trên tàu đều bị ảnh hưởng.

36 chiếc đèn trên thuyền được bật lên, soi sáng một vùng nước. “Chim chết vì ná, cá chết vì nước” – ông Cẩm phân tích chiêu thức đánh bắt của ngư dân hành nghề lưới rút cô đọng trong một câu trơn tuột. Muốn có cá, ngư dân phải tìm vùng nước chảy và bật đèn mai phục. Cá tụ đông thì bủa lưới bao vây.

Theo chân các ngư dân thì mới hiểu, một trong những yêu cầu bắt buộc đối với thuyền trưởng – đó là phải “quan hệ công chúng tốt”. Trong bờ, thuyền trưởng phải luôn biết chơi, sống có qua có lại với các thuyền trưởng khác. Khi ra khơi, nhóm thuyền trưởng này liên tục alô thông báo nội bộ về tình hình đánh bắt trên biển. Bên cạnh đó, các tàu còn thông báo về tọa độ họ cá hành nghề giã cào đang oanh tạc trên biển.

Ra khơi, chiếc máy Icom suốt đêm rè rè chỉ để các ngư dân tán gẫu. Những cú alô bằng điện thoại riêng giữa các thuyền trưởng mới chính là “thông tin luồng cá khơi”. Suốt cả đêm, ông Cẩm liên tục bấm điện thoại và alô, thầm thì to nhỏ với những từ ngữ của nghề biển: “Ngoài gò hay trong gò, tới 53 hay 55, có mấy tàu giã cào đi chưa…?”.

Nếu trên bờ, những chiếc xe ô tô chở khách thường chạy ngược xuôi để bắt khách thì trên biển cũng diễn ra cảnh hoàn toàn tương tự. Trong một đêm, chiếc tàu ông Cẩm và nhiều tàu khác phải liên tục thay đổi vị trí đánh bắt. Tất cả đều chung cảnh ngộ - đó là chạy loạn trên mặt biển để tìm luồng cá trước khi trời
hửng sáng.

Phiên lưới lúc nửa đêm
Phiên lưới lúc nửa đêm.

Tìm sao

1h sáng, cái lạnh của biển bắt đầu thấm vào người. Ông Quang hì hục vào bếp và nhoáng cái đã bắc nồi cơm nghi ngút khói ra sàn tàu đang lắc lư và ầm ầm tiếng máy. Ăn cơm nửa đêm trên biển - đi với ngư dân mới có được giây phút này.

Màn hình máy quét cá vẫn không hiện lên tín hiệu luồng cá. Đối với ngư dân, khi màn hình chuyển màu đỏ sẫm thì họ thể hiện niềm vui bằng cách reo to: “Được rồi, anh em gắn sao vô cho thành lá cờ luôn”. Vậy mà gần một đêm ròng trên biển, các ngư dân không có cơ hội để thốt lên hai từ gắn sao. Họ phải tìm cá như tìm sao lạc giữa
biển khơi.

Thuyền trưởng Cẩm trèo lên nóc ca bin và bắt đầu điện thoại liên hệ nhiều nơi. Vương – chàng ngư dân câm ngồi kề bên. Bị câm từ lúc nhỏ. Bù lại, trên tàu, Vương là ngư dân có sức vóc bền bỉ và hầu như làm được tất cả mọi việc, kể cả sửa máy. “Bắt đầu đánh lưới, anh em mình dậy đi” – thấy tín hiệu đàn cá dồn lại, thuyền trưởng gọi to át tiếng máy và sóng biển rì rầm. Tất cả các ngư dân bật dậy, khoác chiếc túi nilon vào người thay cho áo mưa và bắt đầu lặng lẽ với công việc. Vòng…Bủa ! Thuyền trưởng vừa phát lệnh, giàn lưới được quăng xuống nước. Con thuyền gầm lên, chạy một vòng tròn để lưới bao vây chiếc lồng đèn vào chính giữa. Các ngư dân nhanh chóng rút dây, khép dần đáy lưới.

“Bây giờ anh em chuyển sang phương án 2 thôi” – thuyền trưởng Cẩm nói anh em thu dọn lưới để bung loại lưới trũ ra xài. Loại lưới này giống như một tấm vải màn - mắt lưới nhỏ, kéo rất nặng tay nhưng bắt được
cá cơm.

Giống như những chiếc xe khách trên bộ, làm biển cũng cạnh tranh quyết liệt. Theo các ngư dân, hiện nay, những đoàn tàu cá hành nghề giã cào bay cắt ngang, dọc ngoài khơi. Tàu này chạy tốc độ cao, cộng với lưới mắt nhỏ, khép kín nên vơ vét sạch cá, mực. Cá chim là loại lách lưới rất nhanh nhưng cũng không lọt khỏi giã cào bay hủy diệt. Những năm trước đây, ra khơi, khi thấy ánh đèn, mực kéo đến quẩn thành bầy xung quanh thuyền. Có khi vừa bưng bát cơm lên, nghe thuyền trưởng hô: “Bủa cá”, tất cả ngư dân đều quăng bát lao ra mũi tàu hì hục làm, xong việc lại vào bê bát cơm thấm mùi nước mặn. Còn bây giờ ngư dân khóc vì những nghề hủy diệt. Cả đêm họ phải lùng cá như kiếm từng ông khách đưa lên xe.

Tác giả (trái) và ngư dân trở về đất liền Ảnh: L.V.C
Tác giả (trái) và ngư dân trở về đất liền Ảnh: L.V.C.

Mãi đến 4h sáng, thuyền trưởng Võ Xuân Cẩm giật mạnh tay tôi, nói át tiếng sóng biển: “May quá, giờ mới có nhiều cá nè”. Vậy là vào giờ chót, con thuyền này mới kiếm được ít cá để quay về bến.

“Hơ, hơ…!, Vương, chàng ngư dân câm hối hả kéo lưới và thể hiện sự phấn khích bằng tiếng kêu không thành lời. Còn các ngư dân hò dô một cách vui vẻ khi kéo lưới. “Kiếm được bao nhiêu tiền trong giác lưới này ?” – nghe hỏi, thuyền trưởng Cẩm phấn khởi: “Cá cơm quế, chắc được 1 tạ, kiếm được 2 triệu đồng. Có tiền chia cho anh em”.

Kéo giác lưới cuối cùng, bình minh cũng vừa ló rạng nơi chân trời. Con thuyền lao nhanh vào bến. Đứng trên mũi tàu, lão ngư dân Võ Duy Quang (59 tuổi) chợt cất giọng hát: “Thuyền anh ra khơi khi chân mây ửng hồng. Thuyền anh ra khơi đâu có ngại chi sóng gió ơ hò”. Tôi không khỏi xúc động khi nghe bài hát này vang lên giữa biển khơi. Hát bài Tình ta biển bạc đồng xanh là cách thể hiện tình yêu của lão ngư dân này đối với biển cả. Dù biển bạc đãi lão và các ngư dân suốt một đêm trường.

Một đêm đánh bắt được khoảng 3 triệu đồng, trừ chi phí 1,5 triệu đồng, còn lại 12 ngư dân chia phần theo tỷ lệ, mỗi người chỉ kiếm 100 ngàn đồng. Bình quân, thu nhập của một ngư dân đi bạn (làm thuê cho chủ tàu) chỉ từ 20 đến 40 triệu đồng/năm, trong khi họ luôn phải đối mặt sóng gió biển khơi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.