Sân bay Tân Sơn Nhất giáp Tết: Kẹt cứng ngoài, nghẹt thở trong

Các tuyến đường cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên ùn tắc dịp tết. Ảnh: Ngô Bình
Các tuyến đường cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên ùn tắc dịp tết. Ảnh: Ngô Bình
TP - Cận Tết, các tuyến đường vào sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) luôn là điểm nóng về kẹt xe, trong khi bên trong nhà ga phục vụ gần 1.000 chuyến bay cũng ken cứng người, dẫn đến nguy cơ chậm giờ, trễ chuyến.

Cửa ngõ căng thẳng

Chiều 15/1, tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi nối từ trung tâm TPHCM đi sân bay Tân Sơn Nhất đông nghẹt, hàng nghìn phương tiện nối đuôi nhau nhích từng chút một. Đặc biệt, vào giờ cao điểm kẹt xe kéo dài từ cầu Công Lý, quận 3 đến tận cổng sân bay khiến ô tô, xe máy di chuyển hỗn loạn, nhiều người chạy xe máy băng qua làn ô tô, leo lên vỉa hè để tìm lối thoát.

“Cuối năm không gì ngán bằng kẹt xe, nhà tôi ở quận 12, đi làm phải qua cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất nên ngày nào cũng hai buổi sáng - chiều phải vật lộn với kẹt xe để về nhà. Đi làm mệt nhưng cũng không căng thẳng bằng kẹt xe”, anh Nguyễn Tiến Tân than thở.

Sân bay Tân Sơn Nhất giáp Tết: Kẹt cứng ngoài, nghẹt thở trong ảnh 1 Người dân ngồi vật vờ đợi đón Việt kiều về nước Ảnh: Ngô Bình

Ở hướng ngược lại, dòng xe từ các tuyến đường như Hoàng Văn Thụ, Cộng Hoà, Trường Sơn hướng vào sân bay hay đường Phan Thúc Duyện hướng từ sân bay đổ về liên tục tăng cao những ngày qua. Hàng nghìn phương tiện nối đuôi nhau chật kín kéo dài hàng kilomet, xe cộ nối đuôi nhau di chuyển nhiều hướng khiến giao thông hỗn loạn. Các phương tiện lưu thông qua đây chỉ một phần nhỏ chở khách vào sân bay Tân Sơn Nhất, phần lớn chỉ “mượn đường” để đi trung tâm TPHCM hoặc hướng ra đại lộ Phạm Văn Đồng để đi quận Thủ Đức, Gò Vấp…

Tương tự, các tuyến đường như Nguyễn Kiệm, Hồng Hà, Phổ Quang hướng từ vòng xoay Nguyễn Thái Sơn đi sân bay Tân Sơn Nhất cũng luôn trong tình trạng căng thẳng từ sáng đến chiều tối. “Bây giờ chưa vào cao điểm mà đã kẹt vậy rồi, vài ngày nữa thì chỉ có đi bộ chứ xe cộ vào đây là chôn chân hết. Kẹt xe không chỉ ảnh hưởng đến người đi đường mà việc kinh doanh của chúng tôi cũng trở nên khó khăn hơn. Còn nhớ năm ngoái, nhiều người đi taxi vào sân bay nhưng phải xuống xe kéo valy chạy bộ cả cây số vì kẹt xe, sợ trễ giờ bay”, chị Lê Thị Ngọc (ngụ đường Cộng Hoà, quận Tân Bình) nói.

Sảnh chờ nghẹt thở

Không chỉ ở các tuyến đường cửa ngõ, những ngày qua, khu vực bên trong nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất cũng bắt đầu căng thẳng khi lượng hành khách dồn về ngày càng đông. Đặc biệt, tại ga quốc tế, hành khách từ nước ngoài về quê đón Tết bắt đầu tăng kèm theo số lượng người dân đến đón Việt kiều đông khiến khu vực này luôn chật kín người từ tầng trệt lên tầng 1. Thời điểm các chuyến bay quốc tế đáp xuống Tân Sơn Nhất đông nhất tập trung vào khoảng thời gian rạng sáng. Đây cũng là thời điểm số lượng người đến đón thân nhân đông nhất.

Gần 6h sáng 15/1, có mặt tại sảnh chờ ga quốc tế, phóng viên ghi nhận hàng trăm người đứng chật kín hai bên lối ra để đón người thân. Có những nhóm 7-12 người gồm cả hai bên nội - ngoại, người lớn, trẻ em… chỉ để đón 1-2 người về khiến khu vực này luôn náo động bởi tiếng cười nói của người lớn kèm theo tiếng khóc của trẻ em. Hầu hết những gia đình có mặt ở sân bay để đón người thân đến từ các tỉnh như Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh miền Tây.

Ngồi vật vờ dưới nền sảnh chờ suốt nhiều tiếng nhưng vẫn chưa đón được người thân, chị Nga (quê Tây Ninh) tỏ ra hết sức mệt mỏi. Chị Nga cho biết, gia đình chị có 8 người đi đón hai vợ chồng em gái chị từ Mỹ về. Do số lượng người đi đông nên chị thuê ô tô 16 chỗ đi cho tiện. “Cả năm vợ chồng em gái mới về thăm nhà một lần nên gia đình ai cũng muốn đi đón thể hiện tình cảm. Dù sao cũng phải thuê một chuyến xe nên nhiều người đi cho vui”, chị nói.

Tình trạng một người về cả chục người đi đón kèm theo một số chuyến bay quốc tế bị trễ giờ khiến nhiều người phải nằm, ngồi vật vờ tại khu vực sảnh chờ. Nhiều gia đình mang theo đồ ăn ngồi bệt dưới nền nhà ga ăn uống. Số lượng người đi đón Việt kiều tăng kéo theo lưu lượng phương tiện ra vào sân bay cũng tăng đột biến khiến cả hai nhà ga quốc nội và quốc tế luôn đông nghẹt. Lực lượng an ninh hàng không phải căng thẳng điều tiết phương tiện để tránh ùn ứ khu vực sân bay.

Không chỉ ga quốc tế, tại ga quốc nội những ngày qua, lưu lượng hành khách cũng bắt đầu tăng cao. Theo lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự kiến sản lượng hành khách đợt cao điểm Tết từ ngày 10/1 tới 8/2 (tức ngày 16/12 đến 15/1 âm lịch) sẽ tăng mạnh. Tần suất tăng chuyến bay phục vụ cao điểm Tết của các hãng hàng không trong nước dự kiến tăng khoảng 5 - 7% so với cao điểm Tết Nguyên đán 2019. Tần suất bay trung bình đạt 840 - 850 lượt chuyến/ngày, cao điểm gần 1.000 chuyến/ngày; sản lượng hành khách là 130.000 người/ngày.

Dịp Tết 2020, dự kiến sân bay Tân Sơn Nhất sẽ phục vụ khoảng 130.000 hành khách/ngày cao điểm. Sân bay khuyến cáo hành khách đến trước thời điểm khởi hành 120 phút hoặc 180 phút đối với chuyến bay nội địa hoặc quốc tế. Hành khách không nên bịt mặt, đeo khẩu trang, kính đen và luôn mang theo hành lý, tài sản của mình; không để xa, ngoài tầm kiểm soát để tránh thất lạc. Để tránh quá tải, ùn tắc tại khu vực sảnh công cộng của nhà ga, hạn chế người nhà đưa đón và không đến quá sớm so với giờ khởi hành.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.