Chiều 6/4, Cảng vụ hàng không miền Trung, Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Đà Nẵng, Sở Y tế thành phố đã làm việc với đại diện các hãng hàng không có chuyến bay từ vùng dịch bệnh Zika, đồng thời thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch, sau khi Việt Nam phát hiện 2 ca nhiễm virus Zika đầu tiên.
Ông Phạm Trúc Lâm, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Đà Nẵng, cho biết Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nên nguy cơ lây truyền bệnh Zika từ loài muỗi vằn Aedes Aegypti rất cao. "Tại nhà ga quốc tế Đà Nẵng, chúng tôi đã điều tra và phát hiện có loại muỗi vằn truyền bệnh Zika", ông Lâm khẳng định.
Ngay sau khi phát hiện muỗi vằn, lực lượng chức năng sân bay đã phun thuốc diệt ngay. Tuy nhiên, mới phun được ở khu vực ga quốc ngoại, còn ga quốc nội thì phải chờ phối hợp. "Nếu chúng ta phối hợp không tốt thì sẽ không thể diệt được muỗi vằn. Muỗi có thể bay từ khu vực quốc nội sang quốc ngoại, và ngược lại dẫn đến khó kiểm soát khi có dịch bệnh", ông Lâm nói.
Theo ông Lâm, việc phun thuốc phải tiến hành lúc muỗi ra nhiều, nhưng thời điểm phun thuốc hiệu quả nhất lại đúng lúc sân bay tấp nập hành khách. "Chúng ta phải chấp nhận phun lúc nửa đêm, dù không đúng chu kỳ hoạt động của muỗi", ông Lâm nói.
Ông Dương Đức Hồng, Phó giám đốc Trung tâm điều hành sân bay quốc tế Đà Nẵng, cho biết sẽ cho phun thuốc diệt muỗi ở toàn bộ nhà ga và khu vực làm việc của nhân viên sân bay, đồng thời bẫy chuột, gián để triệt mầm bệnh.
Kịch bản ứng phó trường hợp phát hiện hành khách nhiễm dịch bệnh Zika tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng cũng được họp bàn. Theo ông Lâm, hiện tại đã có 61 quốc gia phát hiện bệnh dịch này, ngoài Việt Nam thì các quốc gia xung quanh như Lào, Trung Quốc đều có người nhiễm virus Zika.
Sân bay quốc tế Đà Nẵng đã tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh nhưng việc sàng lọc rất khó bởi triệu chứng của bệnh mơ hồ, người nhiễm bệnh cũng chỉ có biểu hiện sốt nhẹ, phát ban, đau mỏi cơ; trong khi thành phố không có chuyến bay trực tiếp nào từ vùng dịch về nhưng hành khách có thể đi qua nhiều sân bay trước khi nhập cảnh vào Đà Nẵng. Máy đo thân nhiệt mới được lắp đặt kiểm soát khách quốc tế, chưa được lắp đặt ở ga quốc nội.
Sân bay quốc tế Đà Nẵng đã phát hiện loại muỗi vằn truyền bệnh dịch Zika. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ông Lâm đề nghị công an cửa khẩu kiểm tra hộ chiếu của khách quốc tế đến Đà Nẵng nhằm xác định có phải họ về từ vùng dịch hay không. Tuy nhiên, công an cho biết mỗi chuyến bay quốc tế có 200-300 hành khách xuống cùng lúc, nếu dở từng cuốn hộ chiếu để kiểm tra nơi đến sẽ xảy ra ùn tắc và chắc chắn du khách không đồng ý. Do đó, cần có một quy trình phù hợp, làm đồng loạt tại tất cả sân bay trên cả nước.
Vấn đề phát sinh tại Sân bay Đà Nẵng là từ khi khởi công xây dựng nhà ga quốc tế mới, phòng cách ly từng được sử dụng trong đợt phòng chống dịch bệnh Ebola đã đập bỏ, xe cứu thương cũng chỉ có một chiếc nên nếu xảy ra dịch bệnh sẽ rất khó xử lý. Đại diện cảng hàng không đề nghị nên sử dụng xe cứu thương này làm phòng cách ly tại sân bay khi phát hiện hành khách mắc bệnh, sau đó chờ xe cấp cứu 115 đến đưa vào khu cách ly của Đà Nẵng.
Phương án thứ hai được đề cập là trường hợp máy bay đến Đà Nẵng, phi hành đoàn phát hiện có bệnh nhân thì cần đưa ngay về khu cách ly để kiểm tra. Nếu vào đến khu kiểm tra thân nhiệt mới phát hiện cũng đưa về khu cách ly là diện tích trống ngay cạnh khu vực đo thân nhiệt. Lúc này, trung tâm kiểm dịch y tế sẽ đặt biển cảnh báo khu vực hạn chế để phối hợp với hải quan, công an cửa khẩu làm thủ tục nhập cảnh cho hành khách và có thể đưa đến khu cách ly của thành phố.
"Nhưng cũng chỉ được 1-2 hành khách. Còn nếu hàng chục hành khách bị phát hiện bệnh cùng lúc thì rất khó xử lý. Nếu hành khách nhiễm bệnh dịch từ trên máy bay, xe cấp cứu của sân bay sẽ tiếp cận đưa ngay ra khu vực đo thân nhiệt, cách ly", ông Lâm nói.
Virus Zika lây truyền qua muỗi Aedes Aegypti, đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Người bệnh có biểu hiện sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi, đau đầu. Thời gian ủ bệnh chưa xác định rõ và được cho là trong 12 ngày. 80% trường hợp virus Zika không có biểu hiện bệnh hoặc có biểu hiện bệnh nhẹ, không rõ ràng. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có văcxin phòng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, từ tháng 1/2007 đến ngày 23/3/2016, đã có 61 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc có sự lây truyền virus Zika, trong đó 6 quốc gia trong vùng Đông Nam Á. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã công bố 2 trường hợp nhiễm bệnh do virus Zika, một người ở Khánh Hòa và một người ở TP HCM. Bộ Y tế đánh giá bệnh có thể lây truyền rất mạnh và nhanh chóng do giao lưu quốc tế và nội địa về du lịch, thương mại... Côn trùng trung gian là muỗi vằn truyền bệnh đang lưu hành phổ biến ở các địa phương.