Lãng phí mua sắm trang thiết bị y tế - Bài cuối:

Sai phạm nhiều, xử lý chẳng bao nhiêu

Bệnh viện Đa khoa được đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng đã có nhiều thiết bị phải “đắp chiếu”.
Bệnh viện Đa khoa được đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng đã có nhiều thiết bị phải “đắp chiếu”.
TP - Được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng bệnh viện, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đắk Nông đã thanh toán cho nhà thầu, chi tiêu vô tội vạ dẫn đến nhiều thiết bị hỏng hóc phải “đắp chiếu”, gây lãng phí lớn tài sản nhà nước. Tại Bệnh viện Đa khoa Gia Lai cũng chi sai, trái quy định lên tới hàng chục tỷ đồng...

Đầu tư hàng trăm tỷ đồng, đụng đâu hỏng đó

Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông (BV ĐN)  được UBND tỉnh phê duyệt từ tháng 10/2004, quy mô đầu tư 500 giường bệnh, đã khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 8/2010 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất việc thanh quyết toán.

Tháng 12/2011, Kiểm toán Nhà nước khu vực VIII có báo cáo cho biết đã cắt giảm giá trị các gói thầu được hơn 3,57 tỷ đồng và kiến nghị xử lý tài chính toàn bộ số tiền này bằng cách thu hồi nộp ngân sách và giảm trừ thanh toán.

Tổng mức đầu tư BV ĐN sau 2 lần điều chỉnh, được tỉnh trình liên Bộ Tài chính- Kế hoạch & Đầu tư vào tháng 7/2013, là trên 243,6 tỷ đồng. Từ đầu năm 2014, Thanh tra tỉnh Đắk Nông bắt đầu vào cuộc thanh tra dự án. Chỉ riêng mảng thiết bị và trang thiết bị y tế (TTBYT), Thanh tra phát hiện nhiều sai phạm. 

Hệ thống khí y tế đã thanh toán hết cho nhà thầu gần 8,2 tỷ đồng không giữ lại 5% chờ được duyệt quyết toán. Sử dụng một thời gian bộ phận Oxygene Generator cô đặc ô xy từ khí trời đã hỏng phải sửa mất hơn 92 triệu đồng. 

Tới tháng 10/2013  thì hỏng luôn không dùng được. Hệ thống điều hòa không khí trung tâm đã thanh toán hết hơn 7,6 tỷ đồng cũng liên tục báo hỏng. Mảng thiết bị văn phòng gồm máy móc và phần mềm quản lý bệnh viện đã thanh toán trên 4,8 tỷ đồng, cũng hỏng.

Ngoài ra, máy phát điện dự phòng và 5 thang máy giá trúng thầu hơn 6,9 tỷ đồng, cũng được chủ đầu tư thanh toán hết cho nhà thầu. Khi Đoàn thanh tra đến làm việc, phát hiện có tới 4/5 chiếc thang máy không còn hoạt động và bệnh viện từng lập dự toán xin gần 529 triệu đồng chỉ để sửa chữa thang máy hỏng.

Cũng về TTBYT, Bệnh viện Đa khoa Đắk Nông mua sắm 1.309 thiết bị, trong đó có 10 thiết bị trị giá trên 5 tỷ đồng đang bỏ kho; 30 thiết bị trị giá 3,1 tỷ đồng Sở Y tế điều chuyển cho đơn vị khác, 27 thiết bị trên 158 triệu đồng kém chất lượng không sử dụng được, 13 thiết bị hơn 316 triệu đồng để... thất lạc và bị kẻ trộm lấy mất.

Giữa tháng 1/2015, bản Kết luận thanh tra số 09 được công bố, cho thấy chủ đầu tư là Bệnh viện Đa khoa tỉnh - mà đứng đầu là bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc bệnh viện đã “có những sai phạm với tính chất khá nghiêm trọng”. 

Tuy nhiên, ông Cường đã về hưu, cáo ốm, nên Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì thành lập Hội đồng giám định tình trạng sức khỏe của ông Cường, để “xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy về quan điểm xử lý cán bộ”. Cấp dưới của ông Cường, nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán Nguyễn Đình Nga với các sai phạm liên đới trong thanh toán vốn đầu tư khó thu hồi, cũng đã “hạ cánh” an toàn.

Thu hồi hơn 11 tỷ đồng tự chi

Vụ tiêu cực trong đấu thầu thuốc gây thiệt hại về tài chính hơn 8,5 tỷ đồng (theo kết luận điều tra) xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Gia Lai khiến 9 cán bộ của Sở này bị khởi tố, truy tố, xét xử nhiều lượt sơ thẩm, phúc thẩm kéo dài từ năm 2011 tới nay vẫn chưa có bản án cuối cùng. Chính vì vậy, từ năm 2014, lãnh đạo tỉnh Gia Lai chỉ đạo tổ chức nhiều đợt thanh kiểm tra, rà soát hoạt động tài chính của Sở Y tế và các bệnh viện trực thuộc, qua đó tiếp tục phát hiện nhiều vi phạm, kịp thời chấn chỉnh, xử lý.  

Tháng 12/2014, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Gia Lai có bản báo cáo bổ sung số 170 về kết quả kiểm tra việc mua sắm, quản lý, sử dụng TTBYT tại 3 bệnh viện An Khê, Ayunpa và tỉnh Gia Lai (BVGL). Theo đó, riêng tại BV GL, từ 2005 đến 2013, lãnh đạo BV mua sắm, tiếp nhận nhiều trang thiết bị trị giá tổng cộng gần 111 tỷ đồng, trong đó có tới hơn 11,9 tỷ đồng trang thiết bị đã hư hỏng, gây lãng phí tiền của ngân sách nhà nước. Năm 2013, khi chưa có tiền trả cho nhà cung cấp, BV GL vẫn tự ý mua sắm trang thiết bị 19 lượt, tổng trị giá trên 1,4 tỷ đồng, vi phạm Thông tư 68 của Bộ Tài chính và Luật Ngân sách Nhà nước.

Tháng 3/2015, UBND tỉnh Gia Lai ra quyết định thành lập đoàn thanh tra, để thanh tra việc sử dụng các nguồn kinh phí của BV GL giai đoạn 2012-2014, thời hạn thanh tra trong 15 ngày. Sau khi Thanh tra tỉnh nộp Báo cáo số 47, thấy còn nhiều điều chưa được làm rõ, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo tiến hành thanh tra bổ sung. 

Thực hiện nhiệm vụ này, ngày 15/5/2015, bà Lý Kim Thoa-Chánh Thanh tra tỉnh Gia Lai ký văn bản số 130 báo cáo kết quả thanh tra bổ sung. Theo đó, lãnh đạo BV GL đã để xảy ra nhiều sai phạm trong công tác quản lý tài chính và chi thu.

Trong năm 2013, BV GL có dấu hiệu lách luật khi chia nhỏ các gói thầu dưới 100 triệu đồng/lần mua sắm để khỏi đấu thầu với tổng số tiền là 3,688 tỷ đồng, đồng thời duyệt chi mua TTBYT trên 1,4 tỷ đồng, chuyển sang năm 2014 thanh toán. 

Có những trường hợp trong một ngày, BV GL mua  thiết bị giá trị trên 100 triệu đồng, đều không đấu thầu mà chi nhiều lần. Việc mua sắm, sửa chữa tài sản, trang thiết bị cũng hết sức tùy tiện. Lãnh đạo BV GL tự ký các hợp đồng lao động vượt mức chỉ tiêu biên chế, rồi tự chi các khoản phụ cấp trái quy định tới hơn 11 tỷ đồng, chỉ sửa chữa các hạng mục bệnh viện trong 3 năm vượt mức dự toán thu chi tới 5,53 tỷ đồng.

Chánh Thanh tra tỉnh kết luận: BV GL đã chi sai tổng cộng hơn 11,1 tỷ đồng trong nhiều hạng mục, phải thu hồi số tiền này lại cho ngân sách, đề nghị “kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc và chấn chỉnh kịp thời các hành vi sai phạm”. UBND tỉnh Gia Lai đã nhất trí với các kiến nghị do Chánh Thanh tra tỉnh đề xuất.  

Từ đầu năm 2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã  yêu cầu tăng cường công khai, minh bạch trong công tác quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế. Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế đăng tải công khai trên trang tin cổng thông tin đấu thầu quốc gia kết quả đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Đồng thời phải công khai việc cấp phép nhập khẩu trang thiết bị y tế, danh sách các đơn vị vi phạm trong kinh doanh và sử dụng trang thiết bị y tế, kết quả thanh kiểm tra, giám sát, xử lý các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. 

MỚI - NÓNG