Ngộ độc thực phẩm có thể do thực phẩm có sẵn độc tố như nấm, cá nóc, con so biển… cũng có thể do thức ăn bị nhiễm vi khuẩn, nấm men, vi rút. Một số trường hợp nhiễm chất hoá học.
Biểu hiện của ngộ độc thực phẩm thường xảy ra sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc (sau vài phút, vài giờ, thậm chí có thể sau một ngày), người bệnh đột ngột có những triệu chứng: buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, đi ngoài nhiều lần (phân nước, có thể lẫn máu), có thể không sốt hoặc sốt cao trên 38 độ.
Khi bị ngộ độc thực phẩm nguyên tắc đầu tiên là phải thải hết chất độc ra ngoài có thể gây nôn bằng cách móc họng hoặc lấy bàn chải đánh răng lùa nhẹ vào cuống họng để gây nôn, kích thích nôn. Nếu tiêu chảy phải để người ngộ độc thải hết ra ngoài không uống thuốc cầm tiêu chảy, uống thật nhiều nước để tránh mất nước.
Sau khi gây nôn, nếu thấy nôn ra được hầu hết thức ăn thì để người bệnh nằm nghỉ, nhưng phải theo dõi sát và nếu có bất cứ triệu chứng gì khác lạ, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Nếu bệnh nhân tiêu chảy nhiều thì có thể cho uống dung dịch oresol (pha nước với gói orezol theo đúng chỉ dẫn trên bao bì) hoặc nếu không có sẵn gói orezol thì có thể pha 1 thìa cà phê muối trong 1 lít nước rồi cho người bệnh uống để chống mất nước cho cơ thể.
Các BS khuyến cáo tuyệt đối không sử dụng các thuốc uống giảm đau, cầm tiêu chảy vì như thế sẽ khiến bệnh nặng lên do chất độc không thải hết ra ngoài mà tích tụ lại trong dạ dày, ruột gây nhiễm độc nặng toàn thân có thể nguy hiểm tính mạng.
Những sai lầm mà bạn nên tránh để không bị ngộ độc thực phẩm:
Không rửa tay hay rửa tay không đúng cách
Dù việc này có vẻ như khá phổ biến, quen thuộc nhưng nhiều người vẫn không rửa tay đủ và đúng mà vẫn vô tư chế biến thức ăn. Hãy nhớ rằng, chỉ cần 20 giây rửa tay với xà phòng và nước là bạn đã có được đôi bàn tay thực sự sạch sẽ.
Không thay miếng rửa chén bát
Theo EatRight, miếng rửa bát là vật dụng bẩn nhất trong nhà bếp. Đó là nơi sản sinh vi khuẩn, có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho sức khỏe. Làm vệ sinh miếng rửa bát ít nhất mỗi ngày 1 lần, thay mới hoàn toàn sau khoảng 1 đến 2 tuần sử dụng.
Thử xem thức ăn còn dùng được hay không
Khi thử thức ăn để xem còn dùng được hay không, bạn có biết chuyện gì sẽ xảy ra không? Bạn đã nuốt nó và chỉ cần tiêu hóa một lượng nhỏ thức ăn bị nhiễm khuẩn cũng đủ để làm cơ thể bạn ốm rồi. Ngoài ra, vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm không thể nếm, nhìn thấy hay ngửi được.
Rửa thịt gia cầm
Không cần thiết phải rửa thịt gia cầm. Thực tế, nước bắn tung tóe là cách lây lan vi khuẩn có hại trong bồn rửa chén và những bề mặt xung quanh. Cuối cùng thì cách này vẫn có hại hơn là lợi. Bạn chỉ cần rửa rau và bỏ qua thao tác rửa thịt.
Không ý thức về nhiệt độ nguy hiểm của thực phẩm
Theo Sở Nông nghiệp Mỹ mô tả, nhiệt độ nguy hiểm của thực phẩm là trong khoảng 4,4 độ C cho đến 160 độ C. Trong khoản nhiệt độ này, vi khuẩn có thể tăng gấp đôi trong vòng 20 phút. Để bảo vệ thức ăn khỏi nhiệt độ nguy hiểm, bạn tránh rã đông thực phẩm ở nhiệt độ phòng, thay vào đó nên dùng ngăn mát tủ lạnh hoặc ngâm trong nước lạnh. Tránh để thực phẩm ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ và không quá 1 giờ nếu nhiệt độ trên 32 độ C.
Sử dụng lại giỏ đã đựng thịt sống
Theo Consumer Reports, tái sử dụng giỏ đã đựng thịt là một cách làm vi khuẩn lây lan bởi nước thịt đã dính đầy giỏ. Để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nên thường xuyên rửa giỏ này dưới nước nóng. Nếu có thể, cho thịt vào bọc riêng, gói trong túi nhựa rồi mới cho vào giỏ.
Cho thịt sống ở trên những thức ăn khác tủ lạnh
Vi khuẩn từ nước thịt sống có thể nhanh chóng lây lan đến những thực phẩm khác cùng các bề mặt trong tủ lạnh.