Người bị hen phế quản nên tránh những điều nguy hiểm này khi trời lạnh

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Hen phế quản là căn bệnh nguy hiểm, gây chết người nhiều thứ 2 chỉ sau bệnh ung thư.  Cơn hen ác tính tiềm ẩn rất nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tim phải, suy hô hấp và nặng nhất là tử vong.

Theo  các bác sỹ, nguyên nhân gây bệnh hen phế quản có thể là do di truyền hoặc các yếu tố tự phát. Trong đó bao gồm các tình trạng nhiễm khuẩn, dị ứng thức ăn, dị ứng thời tiết, dị ứng hoa, nấm mốc, khói bụi… Nếu trẻ sinh ra trong gia đình từng có người bị hen phế quản thì nguy cơ mắc bệnh sẽ là 20 – 30%, còn nếu cả cha và mẹ đều bị thì nguy cơ con bị hen phế quản là 60%.

Giới tính cũng là một yếu tố tác động đến nguy cơ bị bệnh hen phế quản. Trước tuổi dậy thì bệnh gặp nhiều ở các bé trai. Còn từ tuổi trưởng thành trở lên thì nguy cơ mắc bệnh ở nữ giới sẽ nhiều hơn nam, nhất là từ tuổi trung niên.

Những cơn hen phế quản thường xuất hiện một cách đột ngột. Trước đó bệnh nhân sẽ có các biểu hiện như hắt hơi, sổ mũi, ho khan… Bệnh nhân hen phế quản thường bị tái phát nhiều nhất vào ban đêm. Ban đầu là khó thở, tức ngực hít vào dễ nhưng thở ra khó, nhiều người phải ngồi há miệng thở dốc. Khi cơn hen dứt, bệnh nhân bắt đầu ho nhiều, có đờm trắng.

Những cơn hen ác tính sẽ kéo dài hàng giờ đồng hồ, có khi là cả ngày khiến bệnh nhân thở rít, thở chậm, phải thở bằng miệng. Việc điều trị bằng thuốc uống hay thuốc xịt thông thường sẽ không mang lại hiệu quả gì. Cơn hen ác tính tiềm ẩn rất nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tim phải, suy hô hấp và nặng nhất là tử vong.

Người bị hen phế quản nên tránh những điều nguy hiểm này khi trời lạnh

Giữ ấm cơ thể, tránh tiếp xúc với khói bụi ô nhiễm

Không khí lạnh chính là tác nhân dễ khiến bạn mắc đợt cấp của hen suyễn, vì vậy hãy hạn chế ra ngoài khi thời tiết lạnh. Nếu bắt buộc phải đi ra ngoài, cần phải có biện pháp đối phó với bụi ô nhiễm như mang khẩu trang để tránh hít phải khói, bụi và các mùi khó chịu. Cần mặc đủ ấm, đội mũ, quàng khăn khi ra ngoài. Về nhà cần rửa sạch mặt, chân tay và súc miệng. Dùng máy làm ẩm không khí để cho không khí phòng không bị khô.

Tránh những loại thức ăn dễ gây dị ứng

Người bệnh nên theo dõi và ghi chép vào ghi chú để báo cáo lại cho bác sĩ điều trị xem mình thường dị ứng với loại thực phẩm nào, khi ăn thức ăn nào thì hay bị lên cơn hen để phòng ngừa và cách ly. Những thức ăn dễ gây dị ứng bao gồm: tôm, cua, nhộng tằm…

Tiêm phòng vắc-xin cúm và viêm phổi

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo rằng hầu hết mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm phòng vắc-xin cúm hàng năm để giúp bảo vệ chống lại virut cúm. Trên một cơ địa đang mắc hen suyễn, nếu bị cúm, có thể làm khởi phát đợt cấp hen suyễn và làm cho các triệu chứng hen suyễn nặng hơn. Ngoài ra, tham khảo ý kiến bác sĩ về việc chích ngừa viêm phổi để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn vì viêm phổi do phế cầu là một ví dụ về một biến chứng liên quan đến cúm nặng có thể gây tử vong.

Tập thể dục trong nhà

Có thể tập trong nhà, tốt nhất là duy trì đi bộ 30 phút/ngày trong nhà kín và ấm. Không nên ra ngoài đường trong thời tiết lạnh, những môn phù hợp để tập trong nhà như dưỡng sinh, khí công, yoga, thái cực quyền. Tập thể dục giúp nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng cơ thể trong những ngày trời lạnh và giúp chức năng hô hấp làm việc tốt.

Ăn uống đủ chất và tránh mất nước

Chọn các món ăn theo chế độ dinh dưỡng đã được bác sĩ hướng dẫn, tránh các thực phẩm gây dị ứng và làm khởi phát cơn hen. Bù đủ nước hàng ngày, uống 6-8 ly nước ấm hàng ngày, người lớn tuổi cần uống nhiều lần trong ngày. Không uống cà phê hay rượu vì dễ làm mất nước cơ thể. Đủ nước để luôn làm ẩm đường thở và long đờm dễ hơn.

Theo dõi sát các triệu chứng hen suyễn

Nếu có các triệu chứng cảnh báo nguy cơ khó thở, cần tự xử trí ngay trong giai đoạn sớm theo hướng dẫn của bác sĩ đã tư vấn trước đó. Ví dụ: sử dụng bơm xịt giãn phế quản với liều lượng hướng dẫn. Tự nhận biết các triệu chứng nặng để gọi ngay bác sĩ và nhập viện khi cần.

MỚI - NÓNG