Sài Gòn trong tạp văn

Sài Gòn trong tạp văn
“Tạp văn Sài Gòn - Sài Gòn trong tạp văn”, buổi toạ đàm do nhóm Văn học Sài Gòn phối hợp với Nhà xuất bản Hội Nhà văn (Chi nhánh phía Nam) vừa tổ chức, thu hút đông đảo các thế hệ nhà văn,  nhà nghiên cứu tại TPHCM tham dự.   

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đánh giá, ghi nhận thể loại tạp văn có lợi thế để phát triển và cũng là nơi lưu giữ ký ức lịch sử về mảnh đất Sài Gòn hơn 300 năm.

Nhà văn Trần Nhã Thụy, Giám đốc chi nhánh miền Nam NXB Hội Nhà văn, chủ tọa, gợi mở về thể loại tạp văn tại Sài Gòn. Tạp văn thì nơi nào cũng có, nhưng để hình thành một vệt tạp văn có khối lượng lớn, đa dạng  về một vùng đất thì đến nay mới chỉ có hai nơi là Hà Nội và Sài Gòn. Tuy nhiên mảnh đất Sài Gòn có nét đặc thù hơn, Sài Gòn trong tạp văn có sự đa chiều, có nhiều góc nhìn và nhiều cung bậc khác nhau. “Người ta đến với Sài Gòn và muốn viết một cái gì đó, có thể là một chút khoảnh khắc nào đó của kỷ niệm, có thể là một sự trải nghiệm mới mẻ của sự đa văn hoá mà chỉ Sài Gòn mới có. Vì thế mà Sài Gòn trở thành vùng đất để các cây bút tạp văn khai thác rất mạnh”, Trần Nhã Thụy nói. Đồng tình với Trần Nhã Thuỵ, nhà văn lão thành Hoài Vũ khẳng định mảnh đất Sài Gòn, cách sống cởi mở của Sài Gòn hợp với thể loại tạp văn, bút ký. Điều này được minh chứng là cách đây cả vài chục năm tới nay rất nhiều nhà văn, từ những nhà văn lão thành cho tới nhiều cây viết trẻ đều lựa chọn thể loại tạp văn để phóng bút. 

Nhà văn Phan Hoàng, Chủ nhiệm nhóm Văn học Sài Gòn cho rằng thể loại tạp văn khá phù hợp với những người bắt đầu cầm bút. Phan Hoàng minh chứng từ bản thân, khi mới là một sinh viên anh cũng thử sức mình với thể loại này. Phan Hoàng ghi nhận ký ức về lịch sử Sài Gòn thường được thể hiện qua tạp văn mà nhiều tư liệu, nhiều hình ảnh quý lại được hiện lên trong những trang tạp văn. “Nếu sau này tìm kiếm tư liệu về ký ức của Sài Gòn, các nhà nghiên cứu có thể thêm được nguồn tư liệu từ thể loại tạp văn, tùy bút, bút ký của các cây viết nhiều thời kỳ”, Phan Hoàng nói.

Tại buổi toạ đàm, các đại biểu nêu ý kiến viết tạp văn phù hợp với những người mới cầm bút, nhưng để viết hay, cảm xúc thì tạp văn cũng là một thách thức. Nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy cho rằng với thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, tính hư cấu cao hơn, việc tưởng tượng ra câu chuyện dễ dàng hơn nhiều. Còn với tạp văn, khi viết người viết phải có hiểu biết sâu sắc, có cảm xúc về vùng đất và phải có sự đồng cảm của độc giả mới có được sức hấp dẫn, lay động  được người đọc. Viết tạp văn có thể là sự khởi đầu, nhưng để viết có dấu ấn và bản sắc riêng đòi hỏi người cầm bút có vốn sống, có một góc nhìn riêng. Nhà văn trẻ Tiểu Quyên, người có nhiều tạp văn về Sài Gòn được bạn đọc yêu thích chia sẻ kinh nghiệm: “Viết văn cần có sự trải nghiệm, nhưng với tạp văn, sự trải nghiệm cần hơn nữa. Dù tôi đã có 15 năm gắn bó và yêu mảnh đất Sài Gòn nhưng tôi vẫn cảm thấy thiếu một chút gì đó. Có lẽ tôi vẫn cần thêm sự trải nghiệm để thể hiện tình yêu với mảnh đất này qua các trang viết”.   

Nhà văn Phan Hoàng khẳng định: “Cuộc tọa đàm này được xem như một cuộc gợi mở để tạo cảm hứng sâu hơn nữa về Sài Gòn. Mảnh đấy Sài Gòn là đề tài luôn thu hút và mời gọi tất cả các cây bút viết về tình yêu với mảnh đất này. Dù đến từ mảnh đất nào thì Sài Gòn vẫn luôn là một quê hương với họ, tạo cảm xúc cho họ cầm bút”.   

Theo nhà văn Trần Nhã Thụy: “Sài Gòn trong tạp văn là những ký ức, những kỷ niệm đẹp về mảnh đất không thuộc sở hữu của riêng ai. Sài Gòn là tình yêu không chỉ với những người sinh ra tại Sài Gòn mà còn là tình yêu của những ai đang tha hương lập nghiệp ở xứ này”. 

MỚI - NÓNG