Sài Gòn chạy lụt

Sài Gòn chạy lụt
TP - Cứ triều cường lên là ngập, người dân Sài Gòn tìm đủ mọi cách chống ngập. Đặc biệt, trước thông tin triều cường đạt đỉnh vào ngày 5/12 và tiếp tục dâng cao những ngày sau đó, người dân hè nhau chuẩn bị chống lụt “như chống giặc”.

> TPHCM: Triều cường tiếp tục dâng
> Triều cường đầu tháng 12 vượt 1,6m

Ngày 4/12, nhiều hộ dân ở đường Phú Định (phường 16, quận 8) vẫn chưa dọn dẹp xong hậu quả của đợt triều cường tối 3 và sáng 4/12 lại chuẩn bị “đón” đợt triều cường tiếp theo vào buổi tối cùng ngày.

Bà Lê Thị Ngọc Hương, số nhà 51, đường Phú Định nói: “Tình trạng ngập lụt ngày càng căng thẳng, năm sau nước ngập sâu hơn năm trước. Cuộc sống đảo lộn, buôn bán ế ẩm. Tối qua, triều cường lên dữ quá nên vợ chồng tôi phải trực cả đêm để bơm nước chứ không ướt hết đồ đạc, hàng hóa”.

Đủ cách chống triều cường

Thu dọn phòng để chạy lũ
Thu dọn phòng để chạy lũ.

“Nghe đài báo mấy ngày tới triều cường còn lên cao nữa nên ông xã phải kiểm tra lại hai cái máy bơm, mấy cái ổ cắm điện chứ không nước lên, đang bơm giữa chừng mà hỏng thì chết mất”, bà Hương nói thêm.

Cách nhà bà Hương không xa là nhà của cô Mai cũng luôn trong tình trạng ngập nước mỗi khi triều cường. Nhà cô không có máy bơm nên mỗi khi triều cường lên, gia đình phải dùng bao cát để chắn nước. “Nước vào nhà thì tôi phải dùng thau để tạt nước ra, sống kiểu này khổ lắm”, cô than.

 Vật lộn giữa dòng nước
Vật lộn giữa dòng nước.

Hầu hết các hẻm ở đường Phú Định này đều có một con “đê” cao gần cả mét chắn ngang trước hẻm. Do đường hẻm thấp hơn mặt đường chính nên để tránh nước tràn vào nhà, người ta phải xây cái “đê” này để chắn nước. “Có hẻm còn dùng cả máy bơm nữa, vậy mà nước vẫn tràn vào.

Còn đối với mấy công ty sản xuất nằm tại đây như công ty bánh Lubica, công ty Nhựa Sài Gòn, không những dùng bao cát để chắn nước mà còn phải dùng 3- 4 cái máy bơm công suất lớn để bơm nước...” một người dân ở đây cho hay.

Ở đoạn đường Đặng Nguyên Cẩn (quận 6), anh Vũ, chủ một tiệm sửa xe cho biết: “Khu vực này cứ triều cường lên hoặc mưa xuống là nước ngập lênh láng, sinh hoạt bị đảo lộn, buôn bán ế ẩm… Riêng quán sửa xe của tôi, có khi nước tràn vào tận trong, ướt hết đồ đạc, khách chả có ai người đến sửa xe trong khi đó còn phải đóng tiền thuê mặt bằng nữa chứ”.

Anh Vũ nói thêm: “Cứ khi nào nghe báo triều cường là tôi cho mấy cậu học trò ra nạo vét cống rãnh để thoát nước, đồng thời dọn dẹp và đưa các dụng cụ, máy móc lên cao chứ không nước vào là hỏng hêt”.

Tại đường Hòa Bình, Khuông Việt (quận 11), nhiều người dân đã có những phương án ứng phó với đợt triều cường sắp tới. Tại quán nhậu Lan Anh (đoạn trước mặt công viên Văn hóa Đầm Sen), ông chủ quán bảo: “Tôi phải thuê thợ nâng nền nhà lên cao gần nửa mét chứ không cứ triều cường lên, rồi mưa xuống là ngập quán, không buôn bán gì được hết”.

Cửa hàng đồ thể dục thể thao Tấn Tài và cơ sở sản xuất bánh Thiên Phát chuẩn bị hàng chục bao cát, đặt một bên góc quán để đề phòng, ngăn nước khi có triều cường với mưa lớn. Chị Lan, nhân viên ở tiệm bánh Thiên Phát cho biết: “Nước ở đây không ngập thì thôi chứ ngập thì cao lắm, nhiều lúc vào đến tận nhà hơn 10cm, nên quán phải trữ sẵn bao cát để đắp “đê” ngăn nước” vào nhà.

Chưa xác định được nguyên nhân

Ông Nguyễn Minh Giám, phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết: Các tỉnh Nam bộ, triều cường sẽ hoạt động mạnh từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau, điều này là đúng quy luật. Nếu triều cường dâng cao, kết hợp với sự tổ hợp các hình thế thời tiết khác như gió Đông Bắc hoạt động mạnh, mưa lớn trên diện rộng… sẽ dẫn đến triều cường đạt đỉnh, gây ngập úng trên diện rộng. Bên cạnh đó, cũng có thể một phần là do nước biển dâng cao trong những năm gần đây.

“Tuy nhiên, việc triều cường dâng cao, diễn biến bất thường và liên tục “cán” mốc lịch sử trong những năm gần đây, trung tâm vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể là gì, nhưng chắc chắn phải là tổ hợp từ nhiều nguyên nhân”, ông Giám nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG