Sacombank muốn đổi mã, chuyển sàn: Khó được chấp nhận?!

Sacombank muốn đổi mã, chuyển sàn: Khó được chấp nhận?!
TP - Những ngày qua, thị trường xôn xao về việc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB ) công bố lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc đổi mã chứng khoán và chuyển sàn giao dịch. Đây là quyết định kỳ lạ nhất từ trước đến nay trên sàn chứng khoán Việt Nam và theo nguồn tin của Tiền Phong, điều này về cả mặt pháp lý lẫn ý chí thị trường đều khó xảy ra!
Sacombank muốn đổi mã, chuyển sàn: Khó được chấp nhận?! ảnh 1

Sacombank muốn đổi tên mã chứng khoán, chuyển sàn niêm yết - điều này sẽ khó xảy ra.

Quyết định lạ lùng

Chiều ngày 10/10, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) gây bất ngờ cho thị trường chứng khoán khi công bố lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc:  (1) đổi mã chứng khoán từ STB thành SCM và (2) hủy niêm yết trên HoSE để chuyển sang sàn HNX. Thời gian lấy ý kiến sẽ từ ngày 23/10 đến 22/11 với ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông lấy ý kiến là ngày 18/10. Tiếp theo ngân hàng sẽ: Hủy đăng ký mã chứng khoán STB tại TTLK;  Hủy đăng ký, niêm yết mã STB trên Hose.

Trả lời một tờ báo về việc này, ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết việc thay mã chứng khoán là bước khởi đầu cho quá trình thay đổi thương hiệu và bộ nhận diện của Sacombank trong thời gian tới. Về mã chứng khoán STB một phần là do mang ý nghĩa “sao thái bạch” là một sao xấu theo phong thuỷ. (Còn dân tình lại bình luận mã SCM là Sa- Công- Minh)

Tuy nhiên, giới đầu tư khẳng định thực chất việc thay đổi này khả năng ông Minh muốn nhà băng có một bộ mặt mới, thoát hoàn toàn khỏi cái bóng thời ông Đặng Văn Thành và Trầm Bê. Cũng có ẩn ý, sau bước lùi này có thể sẽ là một “chiến lược” dài hơi ông Minh  “toan tính”. Nhưng tựu chung đều đồng tình đây quả thực là quyết định kỳ lạ nhất từ trước đến nay trên sàn chứng khoán Việt.

Nếu việc chuyển sàn diễn ra, cổ phiếu STB sẽ không còn đủ điều kiện nằm trong danh mục của quỹ FTSE ETF (hiện đang chiếm khoảng 3,08% trong danh mục), do đó việc các quỹ này thoái vốn tại Sacombank là điều sẽ xảy ra. Chính vì thế, liên tiếp các câu dấu hỏi đặt ra và muốn “mổ xẻ” nguyên nhân thực sự phía sau quyết định thay đổi này của tân chủ tịch Dương Công Minh.

Phần lớn ý kiến cho rằng đây là một quyết định vội vã và sẽ ảnh hưởng xấu đến giá cổ phiếu Sacombank, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cổ đông. Minh chứng rõ nhất là diễn biến giảm giá mạnh xuống mức sàn của STB trong phiên ngày 11/10, một ngày sau khi thông tin được công bố. Khối ngoại bán ròng 8,1 tỷ đồng, lớn nhất trong vòng gần 1 tháng qua.

Sẽ thẳng tay loại khỏi giỏ VN30

Bình luận về sự việc này, công ty chứng khoán HSC khẳng định: nếu hủy niêm yết trên Hose, Sacombank (STB – bán ra) sẽ bị loại khỏi giỏ chỉ số FTSE Vietnam và VN30. “Việc hủy niêm yết trên Hose và chuyển sang niêm yết trên HNX được coi là một bước lùi về tính minh bạch và tính thanh khoản. Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài lớn lựa chọn hoặc ưa chuộng cổ phiếu niêm yết trên Hose hơn, HSC cho biết.

Theo HSC, hiện nay FTSE Vietnam nắm khoảng 14 triệu cổ phiếu STB trong danh mục (đóng góp 2,94% NAV tại thời điểm ngày 6/10/2017). Nếu STB hủy niêm yết trên Hose thì cổ phiếu này sẽ bị loại khỏi giỏ chỉ số FTSE trong lần review tới vào tháng 12. Đồng thời khi STB bị loại khỏi giỏ chỉ số VN30, các quỹ chỉ số dựa trên VN30 có thể cũng sẽ bán ra cổ phiếu STB.

“Rõ ràng việc thay đổi mã chứng khoán trong trường hợp của Sacombank không hề đơn giản và việc áp dụng quy định của TTLK cho trường hợp này cũng sẽ phức tạp. Chúng tôi đoán rằng có thể Sacombank chỉ muốn thay đổi mã chứng khoán còn việc phải hủy niêm yết trên Hose là việc phát sinh ngoài ý muốn. Và do Hose và HNX có khả năng sẽ sáp nhập trong một vài năm tới nên Sacombank tạm thời chấp nhận các tác động tiêu cực lên giá cổ phiếu”, HSC nhận định.

Một giả định khác được công ty chứng khoán này phán đoán nữa là trong khi NĐT thiểu số lo sợ giá cổ phiếu sẽ biến động bất lợi trước áp lực bán của các quỹ ngoại, thì tân Chủ tịch của Sacombank sẽ coi đây là cơ hội để nâng tỷ lệ sở hữu và ảnh hưởng của mình tại Ngân hàng.

Trước đó, theo công bố từ Sacombank, ông Dương Công Minh đã đăng ký mua 18 triệu cổ phiếu Sacombank trong thời gian từ 28/9 đến 27/9/2017. Dự kiến sau giao dịch, ông Minh sẽ nâng sở hữu từ 41,4 triệu lên 59,4 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ sở hữu từ 2,19% lên 3,15% vốn điều lệ Ngân hàng (3,29% vốn cổ phần có quyền biểu quyết Sacombank). Hiện ông Minh và các cổ đông có liên quan hiện đang sở hữu xấp xỉ 20% vốn cổ phần của Sacombank và cá nhân ông sẽ tăng lên thời gian tới.

Tìm hiểu của riêng Tiền Phong cho thấy, “cửa” hẹp để  “ông chủ mới” của Sacombank hiện thực việc này đó là dù muốn hay không ông Minh cũng sẽ phải lấy ý kiến cổ đông và thông qua quyết định của Hội đồng Quản trị. Trong khi đó, hiện Ngân hàng Nhà nước đã cử 3 đại diện vào Sacombank với phần vốn nắm giữ từ số cổ phần của ông Trầm Bê chuyển giao sang là 54,4% và rất nhiều khả năng, câu nói không sẽ đến từ khối cổ đông nặng ký này. Cửa đầu đã đóng, thử hỏi những cánh cửa phía sau liệu có mở được không?!

Theo phân tích, thị trường chưa từng có tiền lệ đổi mã chứng khoán nếu không hình thành pháp nhân mới. Theo quy định của Trung tâm lưu ký Việt Nam (VSD), mã chứng khoán đã được VSD cấp sẽ không được thay đổi trừ trường hợp Tổ chức phát hành hủy đăng ký chứng khoán. Cùng đó, các doanh nghiệp chuyển sàn từ trước đến nay, nếu không phải trường hợp “rớt hạng” từ HOSE/HNX xuống UpCom thì đều chọn chuyển từ HNX sang HOSE để nâng cao thương hiệu doanh nghiệp và có nhiều cơ hội để các tổ chức uy tín lựa chọn đầu tư. Sacombank làm ngược lại.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.