Sách đạo văn được đánh giá xuất sắc

Cuốn sách bị nhiều tác giả tố cáo đạo văn
Cuốn sách bị nhiều tác giả tố cáo đạo văn
TP - Từ Vĩnh Phúc, anh bạn đồng nghiệp thông tin qua điện thoại di động: “Ở quê tớ, vừa ồn lên một vụ “đạo” văn rất to mà lạ lắm”. Dù đang dưỡng thương, đi ra khỏi nhà là phải cần sự trợ lực của ba - toong, song tôi vẫn hăm hở: “OK, ngày mai tôi sẽ có mặt ở nhà ông”.

> Vụ đạo văn ở tỉnh Đắk Nông: Sự ngụy biện của ông chủ tịch hội

Cuốn sách bị nhiều tác giả tố cáo đạo văn
Cuốn sách bị nhiều tác giả tố cáo đạo văn.
 

Anh bạn tôi ngắt lời: “Hãy ngồi im ở nhà đợi đấy”! Kết quả của mệnh lệnh “đợi đấy” là một túi hồ sơ nặng ước chừng 5 ký, bao gồm hai cuốn sách dày cộp: Văn hóa Dân gian Vĩnh Phúc (VHVGVP) - nghi can đạo văn từ cuốn: Văn hóa Dân gian vùng đất Tổ (VHDGVĐT). Công việc còn lại của tôi là đọc, đối sánh, thống kê.

Và sau một tuần miệt mài làm công việc tẻ nhạt của một con mọt sách, tôi xin kính chuyển tới bạn đọc những thông tin hoàn toàn không vui vẻ tí nào: cuốn VHDGVĐT của Ngô Quang Nam và Xuân Thiêm chủ biên, do Sở VH - TT Vĩnh Phú xuất bản năm 1986, dày 328 trang, còn cuốn VHDGVP của Bùi Đăng Sinh đang bị nghi đạo văn do Sở VH - TT Vĩnh Phúc xuất bản năm 2007, dày tới 748 trang.

Giữa hai cuốn sách này có tới 258 trang in cơ bản giống nhau, và gần gần giống nhau. Tính đến đơn vị dòng thì có đến 154,4 trang. Làm một phép tính đơn giản lấy 154,4 chia cho 258 ta sẽ có một tỷ lệ sao chép rất bất thường và bất ngờ: Xấp xỉ 60%!

Chương mở đầu Thiên nhiên và con người Vĩnh Phúc trong cuốn VHDGVP tương ứng với chương Đại cương về thiên nhiên con người Vĩnh Phúc trong cuốn VHDGVĐT có 22 trang in thì có đến 10 trang giống nhau cả trang - giống đến từng cái dấu chấm dấu phẩy. Ở chương Lễ hội dân gian gồm 17 trang in thì có tới 11 trang gần giống nhau cả trang. Tương tự như thế, chương Âm nhạc có 17 trang in thì có đến 12 trang giống nhau nguyên cả trang.

Người viết bài này đã từng đọc trên sách báo những lời giới thiệu rất tốt lành và thiện cảm về Bùi Đăng Sinh. Ông sinh ngày 13/3/1940 tại quê Lụa Hà Tây (cũ) và trưởng thành tại đất Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Ông là hội viên hội VH – NT Vĩnh Phúc.

Ba cuốn sách bị sao chép
Ba cuốn sách bị sao chép.
 

Từng được tặng thưởng Huy chương vì sự nghiệp giáo dục; Kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn hóa; giải thưởng Văn học và con người mới Việt Nam 1963; giải thưởng VH - NT Hùng Vương 1995. giải thưởng VH - NT Vĩnh Phúc 2000, 2006; đã xuất bản 6 tập sách bao gồm nhiều thể loại… và mới vài tuần trước đây vào cữ rằm tháng 7 âm lịch – lễ Vu Lan vừa rồi, tôi vừa được nghe giới thiệu ông và thơ ông trong chương trình Câu lạc bộ Thơ của VTV1 nữa!

Ông - một con người đáng kính với những danh hiệu cá nhân và giải thưởng văn chương đáng nể, đáng cho lớp đàn em hậu thế noi theo như một tấm gương sáng như thế - thế mà tại sao lại sa vào sự “lầm lỗi văn chương” đáng kinh ngạc ở cuốn sách “VHDGVP” này? Quả là khó tin vậy!

Bài viết này lẽ ra đã dừng lại ở đây, thì bất ngờ, người viết lại nhận được một túi “quà” thứ hai gửi đến từ Vĩnh Phúc. Túi quà gồm cuốn sách Lễ hội Vĩnh Phúc của nhà thơ Lê Kim Thuyên, cuốn Văn hóa ẩm thực Vĩnh Phúc của Nguyễn Xuân Lân và một bức thư viết tay của Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn.

Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn cũng có thư tố cáo
Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn cũng có thư tố cáo.

Ngay trang đầu cuốn sách Lễ hội Vĩnh Phúc, nhà thơ Lê Kim Thuyên đã có lời phụ chú viết tay: “Tôi biết ở Vĩnh Phúc có người “đạo” sách này của tôi (cả nội dung và ảnh tư liệu)…”.

Tra cứu lại mới hay: Mục Lễ hội dân gian trong cuốn Lễ hội Vĩnh Phúc của Lê Kim Thuyên in từ trang 6 đến trang 17, đã được ông Bùi Đăng Sinh in lại trong cuốn VHDGVP từ trang 416 đến 426. Cuốn Văn hóa ẩm thực Vĩnh Phúc của Nguyễn Xuân Lân các trang in từ số 11 đến số 40 đã được ông Bùi Đăng Sinh đưa vào cuốn VHDGVP ở các trang in từ số 510 đến 540.

Còn thư của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn thì viết: “Ông Bùi Đăng Sinh này đã “đạo” ba bài báo của tôi viết về ẩm thực của người Cao Lan rồi đem in ở tập sau Văn nghệ Dân tộc và Miền núi, sao chép 100% cả dấu chấm, phẩy…”.

Kèm theo thư và sách ở túi “quà” thứ 2 là một bản liệt kê chi tiết danh sách các tác giả và số lượng trang in bị “đạo văn”.

Chương I - Đại cương về thiên nhiên và con người Vĩnh Phúc - tác giả Nguyễn Xuân Lân 17 trang. Chương II - Đất tổ Hùng Vương, một vùng văn hóa dân gian đặc sắc – Tác giả Xuân Thiêm : 8 trang. Chương III - Tục ngữ và thơ ca dân gian - Tác giả Nguyễn Khắc Xương, Dương Huy Thiện 105 trang.

Chương IV - Truyện kể dân gian - tác giả Nguyễn Khắc Xương 53 trang. Chương V - Ca nhạc dân gian - tác giả Nhạc sỹ Phạm Khương 20 trang. Chương VI - Mỹ thuật dân gian - tác giả Ngô Quang Nam - Tạ Huy Đức: 44 trang.

Chương VII - Trò diễn hội làng - tác giả Nguyễn Khắc Xương 52 trang. Chương VIII - Lễ thức trong sinh hoạt xã hội và gia đình - tác giả Lê Trung Vũ, Nguyễn Lộc 68 trang. Chương IX - Tổng Luận - tác giả Xuân Thiêm 32 trang.

Tổng cộng số lượng sao chép lại là 312 trang (thậm chí sách VHDGVĐT mắc lỗi mo - rát, ví dụ mâm cỗ bồng, in nhầm thành mâm cỗ đồng, Bùi Đăng Sinh vẫn in nguyên xi vào cuốn VHDGVP của mình.

Lật lại lời giới thiệu đầu sách VHDGVP, tôi hết sức kinh ngạc khi đọc những dòng chữ sau đây: “VHDGVP là đề tài khoa học được tổ chức nghiên cứu trong 3 năm (2002 – 2004) do Sở Văn Hóa - Thông tin chủ trì, nhà nghiên cứu dân gian Bùi Đăng Sinh thực hiện được hội đồng Khoa học – Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá xuất sắc” (!?) 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG