Sắc áo Đoàn trên vùng biên Ea Súp

Học sinh trường tiểu học Lê Hồng Phong uống nước sạch.
Học sinh trường tiểu học Lê Hồng Phong uống nước sạch.
TPO - Ở vùng sâu giáp biên đầy gian khó, cá nhân Bí thư cùng tập thể cán bộ Huyện đoàn Ea Súp vẫn tìm ra cách huy động được các nguồn lực xây dựng công trình nước sạch, trường học, hỗ trợ đoàn viên thanh niên học nghề, vay vốn phát triển kinh tế.

Nước sạch không chỉ cho em

Trong cơn đại hạn, nhiều người quay quắt khắp nơi tìm nước, tại huyện biên giới Ea Súp cách TP Buôn Ma Thuột trung tâm tỉnh Đắk Lắk hàng nghìn học sinh, người dân lại được dùng nguồn “nước sạch cho em” do Huyện đoàn triển khai, thực hiện. Chúng tôi đến trường tiểu học Lê Hồng Phong thuộc xã Cư Kbang, thấy rõ ý nghĩa của sáng kiến này.

Giờ nghỉ giải lao, hàng trăm học sinh các khối đến phòng cung cấp nước sạch để uống. Trước đây, toàn bộ nước uống, nước sinh hoạt của trường đều trông vào một cái giếng khoan bị nhiễm vôi, phèn của nhà cô hiệu trưởng. Không có kinh phí mua máy lọc nước, cô- thầy - trò đều “nhắm mắt” dùng.

Sắc áo Đoàn trên vùng biên Ea Súp ảnh 1

Hệ thống “nước sạch cho em”.

Cuối năm 2013, anh Lê Hồng Hạnh, Bí thư Huyện đoàn Ea Súp tình cờ chứng kiến cảnh học sinh vây quanh thùng phi chứa nước rửa xe để… uống, anh chia sẻ lên trang facebook cá nhân. Ngày hôm sau, anh nhận được sự ủng hộ kinh phí xây dựng nước sạch từ 3 nhà hảo tâm. Hoàn tất thủ tục pháp lý, đầu năm 2014 mô hình nước sạch chính thức khởi công với tổng kinh phí 135 triệu đồng. Gần 7 tháng tất bật thi công: Khoan giếng, gắn bồn chứa, lắp đặt hệ thống xử lý nước... công trình nước sạch chính thức đi vào hoạt động trong niềm vui mừng của nhà trường, học sinh và hơn 600 hộ gia đình đồng bào Mông, xã Cư Kbang.

Cô Hoàng Thị Chung hiệu trưởng trường tiểu học Lê Hồng Phong xúc động kể: Chúng tôi không bao giờ quên giây phút hạnh phúc khi chứng kiến những giọt nước sạch đầu tiên tuôn chảy. Sáng tinh mơ ngày đầu tháng 8/2014 toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên trường cùng học sinh và người dân đều hướng về hệ thống máy lọc đang khởi động cho ra dòng nước trong veo tinh khiết, giải tỏa khao khát có nước của cô – trò hơn chục năm qua.

Sắc áo Đoàn trên vùng biên Ea Súp ảnh 2

Người dân làng Mông xã Cư Kbang được dùng nước sạch.

Hiện công trình nước sạch được giao cho trường Lê Hồng Phong quản lý. Trung bình mỗi ngày mô hình cung ứng khoảng 50 bình nước miễn phí cho nhà trường gồm: 30 bình nước dùng để uống, 20 bình còn lại phục vụ cho việc sinh hoạt của học sinh, giáo viên. Cuối buổi học sinh có thể đựng nước vào chai lọ đem về nhà. Với người dân, nhà trường thu 2 nghìn đồng/bình 12 lít để chi phí trả tiền điện và mua hóa chất lọc nước.

Anh Đàm Văn Đinh (24 tuổi, người Mông ở thôn 13 xã Cư Kbang) cho biết: Trước đây, nhà anh toàn dùng nước giếng khoan để uống, nấu ăn khiến anh bị bệnh sỏi thận, phải mua nước bình về dùng với giá 10 nghìn/bình, mỗi ngày hết 3 bình, một tháng hết gần 1 triệu tiền nước. Nay nhờ có nước sạch giá rẻ của Huyện đoàn, nhà anh tiết kiệm được đáng kể.

Mỗi ngày nhân viên quản lý máy tiến hành súc màng nước lọc. Một tháng dùng chất khử trùng, muối hạt,.. khử nước từ 8-10 lần. Mô hình nước tiếp tục nhân rộng ra 12 điểm trường thuộc các xã vùng sâu, vùng xa của huyện như xã Ea Lê, Ja Lơi, Ja Lốp,… với tổng kinh phí gần 700 triệu đồng.

Sắc áo Đoàn trên vùng biên Ea Súp ảnh 3

Ngâm rơm chuẩn bị làm nấm.

Tiếp sức cho thanh niên lập nghiệp

Thấu hiểu khó khăn của thanh niên trong việc tiếp cận vốn vay lập nghiệp, 2 năm 2014- 2015 Huyện đoàn Ea Súp phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội giải ngân hơn 47 tỷ đồng cho thanh niên cần vay vốn. Ngoài ra, huyện đoàn còn tổ chức đưa thanh niên đi tham quan học hỏi mô hình làm ăn kinh tế hiệu quả ở các vùng miền khác.

Sau gần 1 tháng 20 ngày “ăn, ngủ với nấm” tại trường dạy nghề huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, anh Nguyễn Quốc Cường (29 tuổi, ở thôn 8 xã Ea Tờ Mốt) tự tin rời trường mang kiến thức vừa học về Ea Súp trồng thực nghiệm. Anh bảo ở quê, nguyên liệu làm nấm rơm không thiếu, cộng thêm khí hậu nóng ẩm rất hợp với cây nấm, chắc sẽ thành công.

Sắc áo Đoàn trên vùng biên Ea Súp ảnh 4

Học sinh quét dọn rừng Đại tướng.

Anh Nguyễn Chiến Thắng, phó Bí thư Huyện đoàn Ea Súp trăn trở: Rất nhiều thanh niên tâm huyết muốn lập nghiệp ngay trên quê hương nhưng ngặt nỗi không tiếp cận được vốn vay, họ phải rời quê đi làm ăn xa. Hy vọng ngày càng có nhiều nguồn vốn vay ưu đãi dành cho thanh niên.

Đầu năm 2016, Huyện đoàn tiếp nhận quản lý một vạt rừng nguyên sinh ở xã Ea Rok, đặt tên là “Khu rừng Đại tướng”. Rừng Đại tướng cách thị trấn Ea Súp khoảng 25km, diện tích ban đầu rộng 35 héc ta, nay chỉ còn 5 héc ta. Tháng 3/2016 huyện đoàn tổ chức phát quang dọn dẹp, phối hợp với cơ quan chức năng đo đạc, cắm mốc, vận động người dân trả lại phần đất lấn chiếm. Đầu mùa mưa tới Huyện đoàn sẽ tổ chức trồng cây xanh tái tạo cảnh quan, biến nơi này thành điểm sinh hoạt cho đoàn viên thanh niên, tuyên truyền thông điệp bảo vệ rừng trong cộng đồng.

Anh Y Nhuân Byă- Bí thư tỉnh đoàn Đắk Lắk cho biết: Dù huyện biên giới còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ đoàn Ea Súp rất năng nổ, tham gia hiệu quả các phong trào thanh niên tình nguyện, cống hiến tích cực cho cộng đồng, đạt được nhiều thành tích đáng kể, Tỉnh đoàn đã nhiều lần tuyên dương, ghi nhận.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.