Phó mặc cho HLV trưởng
Không khó để nhận ra điều này, qua thực tế những năm vừa qua cũng như ngay trong phát biểu của lãnh đạo ngành thể thao thời gian gần đây. Trước thềm Asiad 2018, HLV trưởng Đặng Anh Tuấn cho biết, Ánh Viên từng bị trầm cảm vì áp lực thành tích. Cô phải nhờ bác sĩ điều trị suốt 3 tháng.
Tuy nhiên, điều đáng kinh ngạc là đối với vấn đề này của Ánh Viên, những người có trách nhiệm ở Tổng cục TDTT như Phó Tổng cục trưởng kiêm Trưởng đoàn TTVN tại Asiad 2018 Trần Đức Phấn, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 2, Phó đoàn Nguyễn Trọng Hổ đều… không biết gì. Cần nhắc lại rằng đối với trường hợp các VĐV được đầu tư trọng điểm, đặc biệt với Ánh Viên, hằng tuần, Tổng cục TDTT đều nhận được báo cáo từ BHL.
Theo tìm hiểu, báo cáo của BHL đội tuyển bơi lội Việt Nam về việc tập luyện của Ánh Viên suốt thời gian vừa qua đều tốt. Chỉ tới khi thành tích của Ánh Viên đi xuống ở Asiad 2018, người ta mới nhận ra là… không hề tốt một chút nào. Thêm vào đấy, dấu hiệu sa sút của Ánh Viên đã diễn ra trong một thời gian dài, nhưng bị ngành thể thao bỏ qua.
Thậm chí ngay tại Asiad 2018, Phó đoàn Nguyễn Trọng Hổ khẳng định thầy trò HLV Đặng Anh Tuấn-Ánh Viên “đang tốt” để bảo vệ cho việc thành tích của cô đi xuống. Ông Hổ cùng một lúc “câu trước đá câu sau” khi khẳng định Ánh Viên, là VĐV “50 năm mới có”, nhưng lại nói Asiad không phải sân chơi của Ánh Viên cô phải bơi nhiều tại SEA Games cho đủ số huy chương (!?).
Người ta cũng buộc phải đặt một câu hỏi khác là khi HLV Đặng Anh Tuấn nói Ánh Viên bị trầm cảm phải điều trị suốt 3 tháng, vì sao cả ông Trưởng đoàn và ông Phó đoàn không có động thái tìm hiểu. Đây chắc chắn không phải phản ứng của những người có trách nhiệm, đặc biệt với một VĐV tầm cỡ của Việt Nam.
Đối phó dư luận
Dù cho biết sẽ xem xét, đánh giá lại hiệu quả đầu tư, tập huấn của Ánh Viên ở nước ngoài, tất cả những gì Tổng cục TDTT làm là “chờ báo cáo”, như phát biểu của Phó Tổng cục trưởng Trần Đức Phấn, được báo chí trích dẫn hôm qua. Cũng ông Phấn tại Asiad 2018 đã đề cập khả năng thuê chuyên gia ngoại cho Ánh Viên, thay vì tiếp tục duy trì phương thức tập huấn một thầy-một trò nhiều năm.
Đã có những câu hỏi như, nếu Ánh Viên vẫn tập luyện dưới sự hướng dẫn của HLV Đặng Anh Tuấn, Tổng cục TDTT có cần tốn hàng tỷ đồng ngân sách mỗi năm để thầy trò cô sang Mỹ?
Sau Asiad 2018, Ánh Viên và HLV Đặng Anh Tuấn lại cấp tập sang Mỹ để tiếp tục tập huấn. Như vậy ít có khả năng sẽ có thay đổi trong cách Tổng cục TDTT và môn bơi lội đầu tư cho cô. Những phát biểu của lãnh đạo Tổng cục TDTT rõ ràng chỉ mang tính đối phó dư luận trong bối cảnh thành tích chuyên môn của Ánh Viên không có sự đột biến.
Báo Tuổi Trẻ hôm 9/9 dẫn lời một lãnh đạo Tổng cục TDTT nói, Tổng cục TDTT đã nhận thấy cần thay đổi ở vị trí HLV của Ánh Viên, điều chỉnh quá trình tập huấn của cô. Bản thân HLV Đặng Anh Tuấn cũng xin giao cho người khác. Tuy nhiên, từ đó tới nay, do ông Tuấn không viết đơn nên Tổng cục TDTT vẫn đợi.
Xâu chuỗi toàn bộ những câu chuyện trên, liệu có thể cho rằng những gì Tổng cục TDTT làm suốt thời gian nhiều năm qua là đợi, còn lại phó mặc toàn bộ cho HLV trưởng, không có sự đôn đốc, kiểm soát hay không?
Sau SEA Games 29, Ánh Viên từng vinh dự được cùng các VĐV đạt thành tích xuất sắc gặp mặt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, được Thủ tướng động viên, khen ngợi. Cô từng được ví như “viên ngọc quý” của thể thao Việt Nam. Ai có thể không xót xa khi nhìn cách ngành thể thao chăm sóc cho một VĐV trẻ đầy tiềm năng như cô?
Tổng cục TDTT tới đây không thể không cho biết rõ những điều chỉnh cụ thể đối với quá trình tập huấn của Ánh Viên, thay vì những phát biểu chung chung chỉ để đối phó dư luận. Trách nhiệm đối với sự thành, bại của kình ngư Quân đội không chỉ quy lên một mình HLV Đặng Anh Tuấn.