> Edward Snowden rút đơn xin tị nạn ở Nga
> Snowden xin tị nạn, ông Putin cân nhắc
Hình ảnh Edward Snowden trên bản tin chiếu tại sân bay ở Mátxcơva hôm 26/6. Ảnh: Getty Images. |
Trước đó, cựu nhân viên tình báo Mỹ lên án chính quyền Barack Obama tìm cách gây áp lực lên nhiều nước trong số 21 quốc gia ông xin tị nạn, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục tiết lộ về hoạt động do thám của Mỹ.
Điện Kremlin cho biết Snowden rút đơn xin tị nạn ở Nga, sau khi Tổng thống Vladimir Putin nói rằng người tiết lộ bí mật có thể ở lại nước này với điều kiện “phải thôi làm hại đối tác Mỹ của chúng tôi”.
Ông Putin đồng thời bày tỏ lo ngại Snowden sẽ tiếp tục công bố thông tin mật “vì anh ta nghĩ mình là nhà hoạt động nhân quyền”. Nhà lãnh đạo Nga cũng khẳng định nước này chưa bao giờ giao nộp bất kỳ ai và cũng sẽ không có ý định làm điều đó.
WikiLeaks hôm qua tiết lộ ông Snowden đã chuẩn bị đơn xin tị nạn chính trị ở 21 nước, trong đó có Trung Quốc, Áo, Bolivia, Cuba, Phần Lan, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Nicaragua, Na Uy, Ba Lan, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Venezuela. Trước đó, ông này nộp đơn xin tị nạn ở Ecuador và Iceland. Những lá đơn được đưa cho một quan chức Nga tại sân bay để người này chuyển tới các đại sứ quán tương ứng ở Mátxcơva.
Ngày 2/7, Nga và Ấn Độ bác bỏ đề nghị xin được tị nạn của ông Snowden. Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radoslaw Sikorsk cho biết đã nhận được lá đơn, nhưng khẳng định Ba Lan sẽ không cho ông Snowden tị nạn.
Chính quyền Na Uy cũng xác nhận đã nhận được đơn, nhưng tỏ ý không muốn cho cựu nhân viên tình báo Mỹ tị nạn. Tổng thống Ecuador Rafael Correa nói rằng đất nước ông không thể xem xét đơn xin tị nạn trừ khi Snowden đang ở trên lãnh thổ Ecuador.
Bị Mỹ buộc tội gián điệp, ông Snowden, được cho là đang ở tại khu vực quá cảnh thuộc sân bay ở Mátxcơva, hôm qua thông qua WikiLeaks chỉ trích chính quyền Obama thực hiện chiến dịch ngăn cản việc xin tị nạn chính trị của mình, khiến ông rơi vào tình trạng vô thừa nhận, không quốc tịch.
Tuy nhiên, “tôi vẫn tự do và có thể công bố thêm những thông tin vì lợi ích của mọi người. Cuộc sống của tôi bị bó buộc bao nhiêu ngày nữa không quan trọng, vì tôi vẫn cống hiến cho cuộc chiến vì công lý trong thế giới bất bình đẳng này”, ông Snowden tuyên bố.
Sau khi ông Snowden trốn khỏi Mỹ đến Hong Kong hồi tháng 5, Tổng thống Nga Putin nói rằng, các biện pháp giám sát mà nhân viên này tiết lộ có thể chấp nhận trong cuộc chiến chống khủng bố, nếu được thực hiện đúng pháp luật.
Tại cuộc họp báo vừa diễn ra ở Tanzania, Tổng thống Obama nhắc lại rằng, Mỹ đang làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật để thúc giục Nga trục xuất Snowden.
Trúc Quỳnh
Tổng hợp