Rượu giun quế đắt hàng vì lời đồn 'xuân tửu'

Giun quế được phơi khô để ngâm rượu. Gần đây, giun quế được nhiều người mua về ngâm rượu uống (ảnh bé). Ảnh C. Tuân.
Giun quế được phơi khô để ngâm rượu. Gần đây, giun quế được nhiều người mua về ngâm rượu uống (ảnh bé). Ảnh C. Tuân.
Giá và nhu cầu mua rượu giun quế tăng đột biến sau khi xuất hiện lời đồn thổi loại rượu này có thể chữa yếu sinh lý, chống tai biến, ngừa ung thư. Trong khi các chuyên gia được hỏi khẳng định loại rượu này biến thành “thần dược” là từ sự… suy diễn, không khoa học.

Giun quế được “leo núi” trước khi ngâm rượu

Được nghe kể về loại giun quế có tác dụng thần kỳ vừa giúp tăng cường sinh lý cho đàn ông vừa chống tai biến mạch máu não, anh Phan Văn Thiên (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) quyết tìm về các trang trại có nuôi giun làm thức ăn cho lợn, gà để tìm mua.

Anh Thiên chia sẻ, trên mạng có rất nhiều tài liệu nói về tác dụng của giun quế, như rượu giun cực tốt cho đàn ông. Thế nên, cách đây hơn một tháng, anh đã dành cả ngày về một trang trại giun quế ở Sóc Sơn xem người dân nuôi rồi đặt mua 2 kg giun quế về ngâm rượu uống.

Thấy chúng tôi quan tâm, anh Thiên giới thiệu đến một cửa hàng chuyên bán rượu ngâm côn trùng trên đường Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội). Tại đây, nhân viên bán hàng tên Minh cho biết, hiện rượu giun quế ở cửa hàng đã hết nhưng nếu khách có nhu cầu thì chỉ cần đặt tiền trước khoảng 15 – 20 ngày sau “hàng” sẽ về tận nhà. Người này không quên quảng cáo: “Bên em có liên kết với một trang trại ở Sóc Sơn (Hà Nội) để lấy mối nên đảm bảo chất lượng. Cửa hàng em có đầy đủ các loại rượu được ngâm với giun quế. Với loại rượu có thời gian ngâm trên dưới 1 năm bằng rượu gạo giá 150.000 đồng/lít. Loại hảo hạng hơn ngâm trên 3 năm với rượu nếp cái hoa vàng, giá từ 240.000 – 300.000 đồng/lít”.

Dứt lời, nhân viên này đưa cho chúng tôi xem một bình rượu dùng để làm mẫu ở cửa hàng. Quan sát bên ngoài, rượu giun được đựng trong bình thủy tinh có thể tích khoảng 5 lít, bên trong đã chuyển sang màu đỏ. Số giun quế được ngâm có màu hồng nhạt, lắng xuống đáy.

Trả lời chúng tôi về sự khan hiếm của loại rượu này, nhân viên cửa hàng cho biết: “Hiện tại ở miền Bắc chỉ có 2 trang trại lớn chuyên nuôi và làm rượu giun quế ở huyện Sóc Sơn và Gia Lâm (TP Hà Nội). Ngoài việc cung cấp cho các cửa hàng tại Hà Nội, các trang trại đó còn bán đi các tỉnh khác với số lượng lớn nên không phải lúc nào cũng sẵn”.

Từ thông tin thu nhận được, PV liên hệ với trang trại sản xuất rượu giun quế ở Gia Lâm để tìm hiểu. Hỏi về quy trình chế biến rượu giun, chị Liên, đại diện trang trại cho biết: “Sau khi được đưa về từ các chuồng nuôi, giun sẽ được cho vào các chậu trơn để “leo núi”, nghĩa là chúng tự mình bò lên thành chậu, khi cố gắng trèo giun sẽ tiết  hết phân và dịch nhầy trong cơ thể ra ngoài và tự làm sạch. Sau một ngày, lại tiếp tục đưa giun vào một chậu khác và ngâm trong dung dịch làm sạch, sau đó đem ra sấy khô khoảng 3 tiếng để giun teo lại. Quy trình ngâm rượu giun thường mất khoảng 2 – 3 ngày”.

Theo chị Liên, thời gian cho giun quế vào bình ngâm thường phải hơn 1 năm mới sử dụng được. Nếu uống khi ngâm chưa đủ thời gian rượu sẽ tanh và nhớt gây buồn nôn. Với rượu đạt tiêu chuẩn khi nhìn vào sẽ thấy giun bị cứng lại và chìm dưới đáy. Vì thế, loại rượu này đắt hay rẻ phụ thuộc vào bình rượu đó được ngâm trong thời ngắn hay dài.

Trở thành “thần dược” từ sự… suy diễn

Theo tìm hiểu của PV, trong giun quế có chứa hàm lượng protein và nguyên tố vi lượng cao nhưng khá ít chất béo. Ngoài ra, giun quế có tới 8 loại axit amin cần thiết cho con người. Hàm lượng vitamin B1, B2 trong giun gấp 10 lần khô đậu tương, gấp trên 14 lần bột cá và các loại khoáng chất khác có lợi cho sức khỏe. Cũng từ đây nhiều người đồn đại, suy diễn biến nó trở thành một “thần dược” ngoài mong đợi.

Một thông tin đáng chú ý mà PV ghi nhận được từ giới “sành” về rượu ngâm côn trùng, hiện trên thị trường đã có rất nhiều loại rượu giun rởm. Nếu không tinh ý người mua sẽ chuốc phải sản phẩm bị các cơ sở trà trộn. Các sản phẩm đó hầu hết được ngâm bằng giun tạp và không được sơ chế đúng kỹ thuật khiến người mua rơi vào tình trạng mất tiền mua… bệnh.

Anh Trần Hoài Nam ở Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi nghe người ta bảo rượu giun cực tốt cho đàn ông, giúp tăng cường thể lực. Ngoài ra còn phòng được rất nhiều bệnh từ bệnh tai biến, mỡ máu cho đến ung thư. Chính vì thế, tôi đã bỏ mấy triệu đồng mua giun quế về ngâm một bình rượu 10 lít để dùng dần”.

“Tuy nhiên, dùng hơn tháng mà tôi vẫn chưa thấy có gì biến chuyển. Không chỉ vậy, khi uống cứ nghĩ đến giun là tôi buồn nôn, thậm chí bỏ cơm. Công hiệu chữa bệnh chưa thấy đâu mà tôi còn bị sút mất gần 3kg, vợ con lo lắng và khuyên tôi nên bỏ loại “thần dược” này”, anh Nam tâm sự.

Tương tự, anh Hoàng Văn Thái ở Đê La Thành (Đống Đa, Hà Nội) được đồng nghiệp ở cơ quan kháo nhau rằng rượu giun quế giống như một loại “thuốc tiên” với khả  năng “thập toàn đại bổ” nên anh tự mua, tự chế biến. Anh Thái cho biết: “Vì sợ mua phải rượu giả nên tôi đã mua 2kg giun quế còn sống để về tự ngâm. Loại giun này có giá khoảng 300.000 đồng/kg nhưng muốn mua loại “xịn” nên tôi phải đặt trước cả tháng. Khi mua về phải mất cả ngày ngồi sơ chế, làm sạch giun. Sau đó, đem chôn cả hũ ở sau vườn hơn 1 năm mới đào lên để dùng. Thế nhưng không hiểu sao mỗi khi uống vừa đưa lên đến mũi đã nghe mùi tanh khó chịu, buồn nôn nên tôi không dám uống nữa”.

Có thể mất mạng vì rượu giun pha tạp

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, Bác sỹ Nguyễn Văn Phùng, Giám đốc Trung tâm dưỡng lão Tuyết Thái (Hà Nội) cho biết: “Hiện nay chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào nói về công dụng và khả năng thực sự của rượu ngâm giun quế. Những đồn thổi về khả năng tăng cường sinh lực cho phái mạnh, phòng chống ung thư hay chữa được các bệnh nan y là thiếu căn cứ. Đặc biệt, nếu sử dụng rượu giun được ngâm lẫn với các côn trùng khác lại càng nguy hiểm, có thể dẫn đến mất mạng”.

Bác sỹ Phùng cũng đưa ra một con số đáng chú ý, có tới 2/3 trong số 1.720 loại rượu được coi là bổ ở Việt Nam chưa được khoa học chứng minh tác dụng, chỉ là dân gian truyền miệng. Trong khi đó, rất nhiều các cơ sở sản xuất rượu ngâm thủ công không có chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Tất cả những loài bò sát, côn trùng đều tiềm ẩn những yếu tố gây độc, người dùng không nên tùy tiện ngâm tẩm. Thực tế, đã có nhiều bài học đáng tiếc xảy ra khi uống rượu ngâm với động vật khiến không ít trường hợp đã bị đột tử. Uống rượu theo tin đồn đôi khi đồng nghĩa với việc rước “tử thần” vào nhà”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Thực sự rượu giun quế có tác dụng tăng cường sinh lý như lời đồn đại hay không? Câu hỏi này được một số chuyên gia tư vấn sức khỏe đời sống cho biết, con người ta uống bất cứ loại rượu gì cũng sẽ có cảm giác hưng phấn hơn. Độ cồn vừa phải sẽ khiến chỉ số tự tin cao hơn, giúp họ cải thiện chút ít “năng lực phòng the” dẫn đến ngộ nhận rượu ngâm động vật là thần dược. Thực tế rượu chỉ có tác dụng nhất thời, lạm dụng lâu ngày, kể cả rượu bổ, sẽ gây hại cho cơ thể.

Chủ trang trại giun quế “sốc” vì sốt hàng

Nhận định về nguyên nhân khiến nhiều người lùng mua rượu giun quế trong thời gian gần đây, bà Liên (trang trại sản xuất loại rượu giun quế ở Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi nuôi giun quế được hơn 10 năm nay nhưng cũng không dám khẳng định loại rượu này có khả năng chữa bệnh tai biến, ung thư... Trước đây, cả năm cơ sở của chúng tôi có khi cũng chỉ bán được khoảng 200 bình, có lúc chỉ bán cầm chừng. Nhưng từ khi có lời đồn thổi rượu giun quế như “thần dược” nên hàng bán rất chạy, có ngày bán được trên 50 bình”.

Theo Theo Gia đình & Xã hội
MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.