Cụ thể, với trường hợp của hai em Phan Hải Đăng và Thái Trung Kiên, cùng là học sinh lớp 12 trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú, TPHCM dù có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển của trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, song vẫn bị đánh rớt do liên quan đến hộ khẩu trong quá trình khai đăng ký xét tuyển, trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã họp và quyết định làm hồ sơ gửi ra Bộ G&ĐT đề nghị xem xét tiếp nhận.
Hai em Phan Hải Đăng (trái) và Thái Trung Kiên, cùng là học sinh lớp 12 trường THPT Thành Nhân được trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch quyết định làm hồ sơ gửi ra Bộ GD&ĐT đề nghị xem xét tiếp nhận
Riêng trường hợp của em Phan Thị Kim Đào, học sinh trường THPT Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận dù có hộ khẩu TPHCM song trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch từ chối tiếp nhận.
Giải thích về quyết định này, PGS- TS Ngô Minh Xuân cho biết, hai em Phan Hải Đăng và Thái Trung Kiên lúc đầu khai thông tin đúng nhưng sau đó chỉnh sửa thông tin theo hướng dẫn của giáo viên nên mới xảy ra sự cố. Bên cạnh đó, các em này đều có quá trình học tập ở TPHCM trong khi đó, trường hợp em Kim Đào dù có hộ khẩu TPHCM song cả 3 năm học phổ thông đều học ở Bình Thuận. Chỉ tính riêng điểm ưu tiên của em (0.75) đã cao hơn điểm chênh lệch trúng tuyển giữa 2 diện có hộ khẩu và không có hộ khẩu TPHCM.
Cũng theo ông Xuân, trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực y tế phục vụ TPHCM và có hỗ trợ học phí, do đó phải chọn đúng đối tượng để đào tạo.
Trước đó, báo Tiền Phong có bài về trường hợp “Hai thí sinh bị “trượt oan” đại học làm đơn cứu xét” vào trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch do liên quan đến hộ khẩu. Ngay sau đó, thêm nhiều trường hợp khác tương tự cũng đã liên hệ với Tiền Phong nhờ phản ánh. Kết quả, trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã họp và đưa ra quyết định, sau đó gửi Bộ GD&ĐT xem xét.