1. Luis Figo ngồi đó lặng câm, trên khán đài. Người đội trưởng huyền thoại năm xưa của đội tuyển Bồ Đào Nha đã chờ đợi, nhưng không bao giờ có cơ hội đứng bật dậy, phanh rộng hai tà áo vest, và để lộ màu đỏ bã trầu của chiếc áo đấu mà anh mặc bên trong.
Cristiano Ronaldo rút cục cũng đã kiếm được một quả penalty. Song, điểm đến cuối cùng của cú sút lại vẫn không phải là mành lưới.
Âm thanh khô khốc của quả bóng dội ra từ cột dọc là một lời khẳng định cay đắng: Bồ Đào Nha không có cách gì đánh bại Áo, và CR7 cũng không có cách gì ghi nổi một bàn thắng, trong một trận đấu giàu ý nghĩa như thế này.
Ronaldo không có cách gì ghi nổi một bàn thắng, trong một trận đấu giàu ý nghĩa như thế này.
2. Từ cú sút hụt bóng ở trận ra quân gặp Iceland đến quả phạt đền hỏng ăn kia, CR7 vẫn được chờ đợi như một hồi kèn xung trận thúc giục tinh thần đồng đội, để xứng đáng với tấm băng đội trưởng trên tay. Nhưng, cũng từ bao giải đấu lớn rồi (World Cup 2010, EURO 2012, World Cup 2014), ngôi sao của Real Madrid vẫn luôn trở nên tầm thường, khi trở về phụng sự ĐTQG.
Đã có lúc anh đổ lỗi cho các đồng đội rằng họ “không ngang tầm” với đẳng cấp của mình. Vừa tuần trước thì anh đổ tại đối thủ “chỉ phòng ngự, phòng ngự và phòng ngự”. Còn anh, anh vẫn là một thứ “siêu nhân”, vẫn là “Cầu thủ hay nhất thế giới 20 năm qua” (?!).
Nhưng thực tế, tự thân CR7 đã làm được những gì?
Đừng nói nhiều đến bàn thắng, hay đến quả penalty dội cột nữa! Maradona, Platini, Zico, Roberto Baggio, Van Basten…đều đã từng đá hỏng những quả 11m sinh tử, nhưng điều đó không làm những tượng đài ấy bớt uy nghi.
Song, không có ai, trong nghịch cảnh, lại không lăn xả vào trận chiến, với mục đích cuối cùng là thành công cho cả tập thể. Thậm chí, chính Messi – kẻ kình địch đương thời của CR7 – cũng sẵn sàng làm nền cho đồng đội.
Cristiano Ronaldo thì khác. Một hình ảnh quen thuộc, mang tính biểu trưng cho việc cả ĐT Bồ Đào Nha phục vụ cho anh: Quaresma dẫn bóng thần tốc ở biên phải. Song, đến gần khu vực phòng ngự của ĐT Áo, anh sẽ phải chậm lại, chờ đợi CR7 từ sát biên trái di chuyển vào vòng cấm, rồi mới chuyền bóng. Trong chừng ấy thời gian, các hậu vệ đã kịp vào vị trí.
Và còn tất cả các quả phạt trực tiếp. Và còn cơ hội vàng từ chấm phạt đền. Chỉ một người được hưởng tất cả mọi đặc quyền, cũng là người chưa bao giờ thật sự cố gắng xây dựng chiến thắng bằng cách chấp nhận hy sinh.
3. Luis Figo chưa bao giờ thi đấu ích kỷ như thế, dù dưới bất cứ màu áo nào. Đó là lý do mà băng đội trưởng thuộc về anh chứ không phải Rui Costa – nhạc trưởng đích thực của thế hệ ấy.
Kỷ lục đã bị phá, nhưng Figo vẫn là Figo. Kỷ lục đã được phá, nhưng CR7 lại vẫn phải tiếc nuối, khi không thể làm lễ kỷ niệm này rạng rỡ hơn. Chẳng có Sergio Ramos nào, cũng chẳng có Luka Modric nào, như ở Real Madrid, giúp anh làm mọi chuyện trở nên dễ dàng. Song, đó là điều không thể thay đổi.
Và nếu muốn làm được một điều gì đó khác biệt, ở kỳ EURO (có lẽ là) cuối cùng của sự nghiệp này, CR7 cũng phải thay đổi. Ghi bàn không phải cách duy nhất để trở nên vĩ đại trong bóng đá, cũng như kỷ lục không phải là cái cớ để chất thêm gánh nặng lên cả đồng đội lẫn bản thân.