Ronald Haeberle và cuộc tranh cãi về bức ảnh Mỹ Lai

Bức ảnh “Hai đứa trẻ Mỹ Lai” 43 năm trước của R.Haeberle
Bức ảnh “Hai đứa trẻ Mỹ Lai” 43 năm trước của R.Haeberle
TP - Bức ảnh hai em bé nằm ôm nhau che chắn cho nhau trước họng súng kẻ thù được Ronald Haeberle chụp năm 1968 trong vụ thảm sát Mỹ Lai- Sơn Mỹ- Quảng Ngãi.

Bức ảnh này được tạp chí Life đăng tải, được treo tại Bảo tàng chứng tích Sơn Mỹ và nhanh chóng trở nên nổi tiếng.

Bức ảnh “Hai đứa trẻ Mỹ Lai” (ảnh lớn); Loạt ảnh về cuộc thảm sát Mỹ Lai của Ronald Haeberle 43 năm trước
Bức ảnh “Hai đứa trẻ Mỹ Lai” (ảnh lớn); Loạt ảnh về cuộc thảm sát Mỹ Lai của Ronald Haeberle 43 năm trước.

Tuy nhiên, từ năm 2007 đến nay, dấy lên cuộc tranh luận: Ai là nhân vật chính? Hai em bé ấy còn sống hay đã chết? Anh Trần Văn Đức một Việt kiều Đức đã tìm gặp nhiếp ảnh gia R.Haeberle và cùng trở lại Sơn Mỹ để chứng minh: Nhân vật trong ảnh là anh Đức và em gái, chứ không phải Trương Bốn- Trương Năm (như chú thích từng có dưới bức ảnh tại Bảo tàng chứng tích Sơn Mỹ) nào hết. Tuy nhiên, việc thừa nhận từ phía Quảng Ngãi để trả lại tên cho bức ảnh chưa hẳn dễ dàng.

Gần nửa thế kỷ, tại Sơn Mỹ (Quảng Ngãi), cựu phóng viên chiến trường Ronald Haeberle thuộc đại đội Charlie, tác giả của những bức ảnh nổi tiếng trong sự kiện thảm sát Mỹ Lai cùng với “cậu bé Mỹ Lai” Trần Văn Đức, nhân chứng sống sót trong vụ thảm sát và đồng thời là nhân vật trong bức ảnh gây nhiều tranh cãi đã có cuộc hội ngộ cảm động và cùng nhau “đi lại” quãng đường của sự kiện Mỹ Lai.

Ronald Haeberle chụp lại anh em Đức- Hà tại chính địa điểm của “hai đứa trẻ Mỹ Lai” ngày trước. ảnh: Trương Duy Nhất
Ronald Haeberle chụp lại anh em Đức- Hà tại chính địa điểm của “hai đứa trẻ Mỹ Lai” ngày trước. Ảnh: Trương Duy Nhất .

Trở về sau 43 năm

Thật ra, trước đó một tháng, họ đã gặp nhau tại Mỹ. “Cậu bé Mỹ Lai” Trần Văn Đức đã chủ động từ Cộng hòa liên bang Đức bay sang Mỹ tìm Ronald Haeberle. Tại Mỹ, Đức đã được tận tay sờ và ôm chiếc máy ảnh Nikon cũ kỹ mà Ronald Haeberle dùng để chụp những bức ảnh Mỹ Lai 43 năm trước, trong đó có ảnh mẹ Đức, ảnh hai anh em Đức đang nằm ôm che chở nhau trên bờ ruộng. Cuộc hội ngộ này có được là kết quả của nhiều năm trời cố công sục sạo kiếm tìm để bắt nối thông tin từ Đức.

Trong bức thư đề ngày 25-9-2011 gửi về cho tôi, Đức viết: “Chiếc máy ảnh hiệu Nikon-F mà 43 năm trước Ron dùng để chụp 19 bức ảnh đẫm máu Mỹ Lai vẫn còn đây, từ sợi dây đeo đến cả cái nắp đậy ống kính vẫn còn nguyên vẹn.

Cuộn phim màu cuối cùng Ron dùng cho máy này là cuộn phim ông chụp Ngày ấy Mỹ Lai. 19 tấm phim gốc và chiếc máy ảnh Nikon của Ronald Haeberle đã khiến tôi không cầm được nước mắt, di vật gần gũi mẹ Đức nhất trong giây phút lâm chung...

Còn chiếc máy ảnh Leica và những bức hình trắng đen gốc thì Ron đã giao lại cho quân đội, sau khi trở lại từ chiến trường Việt Nam. Đức chỉ còn cơ hội tâm sự với Ron qua 38 kiểu ảnh mang theo sưu tầm được qua 2 cuộc điều tra lịch sử “William Peers và CID”.

“Đức à, gặp lại cuối tháng 10 ở Mỹ Lai nhé. Đức biết rất nhiều sự thật về ngày 16-3-1968, chúng ta có trách nhiệm phải đưa nó ra công luận” - Ron ôm tôi thật chặt và nói vậy trong lúc chia tay. Vòng tay ghì ông vào lòng như sợ tuột mất một điều gì thiêng liêng lắm. Người đàn ông nước Mỹ này đã kỳ công cất giữ những kỷ vật đáng quí nhất của cuộc đời tôi”.

Ronald Haeberle bất ngờ trước sự chủ động kiếm tìm từ Đức, và càng ngạc nhiên hơn khi biết được người đàn ông Việt Nam bay từ Đức sang Mỹ gặp mình lại là cậu bé nhân vật chính trong một bức ảnh nổi tiếng gây nhiều tranh cãi của ông trong sự kiện thảm sát Mỹ Lai 43 năm trước. Vì thế, sự háo hức của cả Ronald Haeberle và Trần Văn Đức đã thành cuộc hẹn cho chuyến trở về Mỹ Lai lần này.

Đúng hẹn, Ronald Haeberle bay từ Mỹ đến TP Hồ Chí Minh ngày 22-10 cùng một người bạn Robert Hoard. Cũng ngày đó cậu bé Mỹ Lai Trần Văn Đức cùng đứa con trai 18 tuổi (Trần Văn Viễn) bay về từ Đức. Sáng 23, họ chạy xe từ Sài Gòn ra. Còn tôi từ Đà Nẵng chạy vào. Đêm đầu tiên ở Quảng Ngãi khó ngủ. Đức cũng vậy, anh thức tâm sự cùng tôi đến gần 1 giờ sáng.

Hình như Ronald Haeberle cũng không ngon giấc, không hẳn vì chệch múi giờ, mà có lẽ vì cảm giác háo hức, hồi hộp lẫn... lo âu cho cuộc trở về Sơn Mỹ sáng mai.

Ronald Haeberle và Trần Văn Đức
Ronald Haeberle và Trần Văn Đức. Ảnh: Trương Duy Nhất.

Cuộc đối thoại và chuyến thực địa tìm kiếm sự thật

Tôi biết, sứ mệnh của Ronald Haeberle trong cuộc trở về này là làm rõ sự thật đang tranh cãi suốt nhiều năm qua về bức ảnh nổi tiếng treo trong gian chính giữa của Bảo tàng chứng tích Sơn Mỹ. Bức ảnh nằm trong xê ri ảnh màu ông chụp cảnh hai đứa trẻ nằm ôm nhau tránh đạn trên bờ ruộng.

Cuộc tranh cãi ai là nhân vật trong bức ảnh này kéo dài nhiều năm liền, thậm chí còn tạo ra quá nhiều căng thẳng giữa chính quyền địa phương với “cậu bé” nhân chứng Việt kiều Trần Văn Đức.

Quần thảo suốt một ngày trên những thửa ruộng và bờ cỏ, thỉnh thoảng họ lại ồ lên khi phát hiện ra điều gì đó trùng với những bản vẽ ký ức và ôm ghì lấy nhau. Khi thắp hương tại khu mộ nạn nhân, Ronald Haeberle đã quì rạp xuống rồi ôm ghì Đức vào lòng, mồ hôi và nước mắt của họ thẫm ướt hai vai áo.

Câu chuyện “cậu bé” nạn nhân sống lại đòi đính chính bức ảnh trên xảy ra từ năm 2007. Khi đó, trong một chuyến về thăm quê vào viếng bảo tàng, thấy ghi chú thích bức ảnh là “Hai anh em Trương Bốn- Trương Năm che chở nhau trước họng súng quân thù, nhưng sau đó hai em đã bị bắn chết”, Đức đã lên tiếng đòi cải chính rằng hai “đứa bé” trong ảnh không phải Trương Bốn - Trương Năm, họ chưa chết, đó chính là hai anh em Đức - Hà.

Tuy nhiên, Bảo tàng Sơn Mỹ và chính quyền địa phương không chịu, họ cho rằng hai nạn nhân đó là Trương Bốn- Trương Năm và cả hai đã chết ! Tranh cãi được chừng 3 năm, cuối năm 2010, với nhiều chứng cứ từ “người chết sống lại” Trần Văn Đức, được sự chỉ đạo và thống nhất từ Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi, Bảo tàng Sơn Mỹ đã bỏ tên Trương Bốn - Trương Năm, nhưng lại vẫn ghi câu “cả hai đều bị lính Mỹ bắn chết”. Như thế có nghĩa rằng họ vẫn khẳng định hai đứa trẻ trong ảnh đã chết và tất nhiên không thể là anh em Đức- Hà.

Tại cuộc đối chất sáng 24-10 tại phòng khách khu chứng tích Sơn Mỹ, Bảo tàng Sơn Mỹ và Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi giải thích: Họ ghi chú thích bức ảnh như vậy là dựa theo bài viết và chú thích trên tạp chí Life trước đây. Trang tạp chí Life nhàu cũ được lôi ra làm chứng. Tuy nhiên, Ronald Haeberle đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi khẳng định: Bức ảnh trong bài là của ông, nhưng lời chú thích cho bức ảnh thì không phải của ông (có lẽ đó là sự ghi theo... suy diễn của tòa soạn Life - TDN).

Càng bất ngờ hơn khi cán bộ Bảo tàng cố “dồn thế bí” khi cứ ép ông khẳng định xem hai đứa trẻ đó còn sống hay đã chết. Ông bảo tất nhiên lúc ông chụp thì hai cháu bé còn sống, nhưng sau đó có bị bắn chết hay vẫn còn sống thì ông không biết được.

Vậy nhưng cả hai nữ nhân viên Bảo tàng Sơn Mỹ đều dịch là “hai đứa trẻ đã chết”! Phải đến khi một nữ phóng viên Vietnamnet phát hiện lên tiếng: không phải ông ấy bảo chết rồi mà ông ấy nói rằng không biết hai đứa trẻ còn sống hay chết, thì mọi người mới cười ồ nhận ra hai cô cán bộ bảo tàng đã dịch sai?!

Có vẻ không bằng lòng với cuộc đối chất này, ngày 25-10, Ronald Haeberle, hai bố con Trần Văn Đức, chị Trần Thị Mỹ, Trần Thị Hà (chị gái và em gái Đức) cùng tôi và một nhóm phóng viên đã về thực địa để xem Ronald Haeberle và anh em Đức - Hà “đi lại” quãng đường 43 năm trước.

Trần Văn Đức lôi trong va li ra những bản vẽ và bức ảnh khổ lớn. Ronald Haeberle cũng dòm hướng và lôi từ trong ba lô ra những bản vẽ ông chuẩn bị trước theo ký ức. Quần thảo suốt một ngày trên những thửa ruộng và bờ cỏ, thỉnh thoảng họ lại ồ lên khi phát hiện ra điều gì đó trùng với những bản vẽ ký ức và ôm ghì lấy nhau. Khi thắp hương tại khu mộ nạn nhân, Ronald Haeberle đã quì rạp xuống rồi ôm ghì Đức vào lòng, mồ hôi và nước mắt của họ thẫm ướt hai vai áo.

Không hiểu vì sao ít báo quan tâm đến cuộc thực nghiệm “đi lại” này của Ronald Haeberle và anh em Đức- Hà ? Cả Bảo tàng Sơn Mỹ, ngành văn hóa và chính quyền địa phương cũng có vẻ ít mặn mà, không đoái hoài xem cuộc “thực nghiệm” ra sao ?

Vì thế, cho đến nay, tất cả các báo có đưa tin về sự kiện này đều vẫn dừng ở “sự tranh cãi”. Trong khi đó, ngay tối 25-10 tại khách sạn Petro Sông Trà, trong cuộc trả lời phỏng vấn dành cho tôi và phóng viên Vietnamnet, Ronald Haeberle đã khẳng định: Ông tin Đức chính là người trong bức ảnh ! Ronald Haeberle giải thích: Căn cứ theo lời kể của Đức rằng khi đó nhìn thấy trên đầu có một chiếc trực thăng hàm cá mập bay qua.

Ngay thời điểm đó Ronald Haeberle cũng bay đến từ một chiếc trực thăng khác và chính ông cũng thấy một chiếc trực thăng hàm cá mập như Đức mô tả. Đó là chìa khóa quan trọng để tôi cho rằng cậu bé tôi chụp trong bức ảnh chính là Đức. Qua cuộc trở lại này, đối chứng lại khoảng cách và các tình tiết khác tại thực địa, theo lô gích và trình tự thời gian, tôi càng tin Đức chính là người trong ảnh.

TDN, 29-10-2011

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.