Hội chợ Thương mại kỹ thuật số toàn cầu (GDTE) lần thứ hai được tổ chức cuối tháng 11 ở Trung Quốc không chỉ ấn tượng với 32 văn kiện hợp tác tổng trị giá 21,9 tỷ USD được ký kết mà còn với các màn trình diễn ấn tượng của robot pha trà, robot chó, máy bay và xe buýt không người lái…
Robot pha trà đủ công đoạn, từ lấy nước nóng tráng ấm đến rót trà ra cốc mời khác. Video: Linh Nhi. |
Trong 5 ngày hội chợ, ngoài hơn 100 sự kiện như diễn đàn, hội thảo chuyên đề, trên 100 sản phẩm, dịch vụ tiên tiến nhất cũng được giới thiệu với đông đảo người tham dự và khách tham quan.
Robot chó thực hiện đủ tư thế đặc trưng của loài vật trung thành với người. Video: Linh Nhi. |
Nhiều người dừng chân lâu trước Gian hàng ASEAN và bày tỏ mong được thưởng thức, mua sắm nhiều sản phẩm Việt Nam, đặc biệt là nông sản như cà phê, trà, sữa, hạt điều, thanh long, sầu riêng, măng cụt… qua các sàn thương mại điện tử.
Gian hàng ASEAN thể hiện nhiều thành tựu thương mại, đầu tư và trưng bày một số mặt hàng nông sản, thu hút nhiều khách tham quan. Ảnh: Linh Nhi. |
Mời chim đến nhà
Sau khi dự GDTE 2023, chúng tôi đến thăm một trong tám tổng hành dinh của Tuya Smart, nhà cung cấp dịch vụ Internet vạn vật (IoT) toàn cầu, ở Hàng Châu. Ông Dương Nghị (tên tiếng Anh là Alex Yang), người đồng sáng lập, giám đốc vận hành của Tuya Smart, giới thiệu nhiều sản phẩm, dịch vụ, công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực bán dẫn, sản xuất thông minh, tiết kiệm điện, thành phố thông minh…
“Thị trường IoT ở Việt Nam rất tiềm năng, người Việt rất nhanh nhạy nắm bắt sản phẩm, thiết bị thông minh nên Tuya chắc chắn sẽ tăng cường hiện diện, không chỉ tập trung ở mảng smarthome (nhà thông minh), đồ điện tử như hiện nay”, ông chủ trẻ của Tuya Smart cho biết.
Xe buýt tự lái được trưng bày tại GDTE 2023. Ảnh: Linh Nhi. |
Dù được nghe về nhiều thiết bị, giải pháp IoT hữu ích với các nhà máy, thành phố, khu dân cư, tòa nhà…, chúng tôi vẫn cảm thấy đặc biệt thú vị với một sản phẩm nho nhỏ dễ thương của Tuya. Đó là một loại bird feeder (chỗ để thức ăn thu hút chim đến) sử dụng điện toán đám mây, trí thông minh nhân tạo, được trang bị camera, tấm pin năng lượng mặt trời.
“Bird feeder của chúng tôi dựa trên thư viện thuật toán phân tích thông minh nên có thể xác định hơn 10.000 loài chim… Người dùng có thể ngắm chim và biết được nhiều thông tin chính xác, cập nhật về chúng như tên gọi, tập tính… Nhưng quan trọng là giúp người dùng tương tác với thiên nhiên, với thế giới bên ngoài, nhất là khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều nước, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội”, ông Dương nói.
Ông Dương Nghị (Alex Yang), người đồng sáng lập, giám đốc vận hành của Tuya Smart, giới thiệu sản phẩm bird feeder đã đem lại 8 triệu USD doanh thu. Ảnh: Linh Nhi. |
Người đồng sáng lập Tuya Smart cho biết, trong một thời gian ngắn, bird feeder thông minh đã mang lại doanh thu 8 triệu USD cho công ty. “Sản phẩm bán chạy nhất khi dịch bệnh hoành hành, và hiện vẫn hút khách”, ông nói.
GDTE 2023 với chủ đề “Thương mại kỹ thuật số kết nối toàn cầu” (diễn ra từ ngày 23-27/11 ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang) chứng kiến lễ ký 32 văn kiện trị giá 21,9 tỷ USD, sự tham gia của 68 tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp và hơn 800 công ty đến từ 63 quốc gia và vùng lãnh thổ, Ban tổ chức hội chợ thông báo. Các con số tương ứng của GDTE lần thứ nhất là hơn 5 tỷ USD, 7 tổ chức quốc tế, 53 quốc gia và vùng lãnh thổ.