TPO - Nhiệt độ tại các huyện miền núi Nghệ An xuống 2 độ C, rét đậm rét hại. Người dân làm đủ cách để ứng phó, từ chăm lo cho con trẻ, người già đến sưởi ấm cho "đầu cơ nghiệp".
Người dân bản Khánh Thành, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) quây quần bên bếp lửa sưởi ấm. Ghi nhận tại thời điểm ngày 31/12/2020 đến 3/1/2021, nhiệt độ ở Nậm Cắn khoảng 1-2 độ C.
Người đàn ông bản Khánh Thành cùng con nhỏ đến sưởi ấm bếp lửa ở trong bản.
Dọc quốc lộ 7 từ thị trấn Mường Xén vượt đèo lên Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, hai bên đường, người dân bản địa đều nhóm lửa sưởi ấm.
Theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, khi nhiệt độ dưới 10 độ C, cấp mầm non, tiểu học, nhà trường thông báo cho học sinh được nghỉ học.
Tại xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), ghi nhận nhiệt độ ngày 2/1/2021 là 7 độ C. Cứ cách khoảng 4 ngôi nhà, người dân lại đốt một bếp lửa cùng sưởi ấm. Theo người dân, khoảng 3 đến 5 gia đình cùng đốt một bếp lửa để sưởi ấm chung sẽ tiết kiệm được củi và nói chuyện với nhau vui vẻ hơn.
Người đàn ông tại bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) chẻ củi dự trữ ứng phó ngày rét đậm, rét hại.
Trước mỗi gia đình đều chứa từng đống củi lớn.
Người dân lùa trâu bò thả rông từ trong rừng về để chăm sóc ngày rét đậm. Đợt rét tháng 1/2016, trâu bò tại huyện biên giới Kỳ Sơn chết như "ngả rạ" khiến cuộc sống người dân lâm vào túng quẫn, khó khăn. Rút kinh nghiệm, người dân sẽ không để trâu bò trong rừng mà lùa về nhà tránh rét.
Chuồng trại gia súc được bao bọc bởi từng tấm bạt lớn, tránh giá lùa, sương giá.
Quấn chăn giữ ấm cho bò là cách chống rét hữu hiệu của người dân vùng cao.
Vào buổi tối khi nhiệt độ xuống thấp, băng giá xuất hiện thì người dân đốt lửa sưởi ấm cho bò.
Để có thức ăn cho gia súc, người dân vào rừng chặt chuối rồi gùi về nhà thái mỏng.
Thương lái vùng xuôi vận chuyển chăn, nệm lên vùng cao bán ngày rét.