Tăng cao, đắt hàng
Ngày 12/2, tại nhiều chợ dân sinh ở TPHCM như Bến Thành (Q.1), Hòa Hưng (Q.10), Vườn Chuối, Bàn Cờ (Q.3)… khoảng 70% tiểu thương ở chợ đã kinh doanh trở lại. Dù chợ đã khá phong phú các mặt hàng rau xanh, trái cây nhưng vẫn neo giá cao.
Cụ thể, dưa leo có giá khá cao 30.000-35.000 đồng/kg, cà chua Đà Lạt 40.000 đồng/kg, xà lách 55.000-60.000 đồng kg, rau muống, tần ô: 20.000 đồng/mớ, su hào 10.000 - 15.000 đồng/củ dù đang vào chính vụ; cam sành 50.000 đồng/kg, bưởi da xanh 90.000 đồng/kg...
Thủy sản tươi sống ở chợ hầu như rất ít, ngoài một số loại cá quen thuộc như điêu hồng, trắm có giá từ 80.000 - 140.000 đồng/kg, tăng khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg so với trước tết, tôm ở chợ giá 220.000 đồng nhưng đều không tươi ngon, còn lại gần như vắng bóng cua, mực...
Bà Thanh (tiểu thương chợ Nguyễn Văn Trỗi, Q.3) cho hay: “Rau tăng giá cả tuần nay rồi, chỉ có khổ qua là giá có giảm chút, còn lại tăng cao lắm. Dưa leo tăng 100% mà còn không có hàng để lấy”. Theo nhiều tiểu thương, do nhà vườn đã thu hoạch hết rau củ bán trước tết nên giờ vẫn chưa có hàng, thương lái chỉ gom được số lượng rất ít nên tiểu thương phải lấy giá cao, do đó bán lẻ cũng phải cao hơn. Mặc dù giá cao nhưng đến giữa trưa là chợ vãn, các quầy gần như không còn hàng để bán.
Tại khu nhà lồng thủy sản tươi sống ở chợ đầu mối Bình Điền (Q.8), nhiều chủ sạp vẫn còn đóng quầy nghỉ tết. Ông Định (tiểu thương chợ) nói: “Tết, nhà nào cũng có thịt heo, thịt gà nên sau tết, thủy sản luôn đắt hàng, sốt giá. Tuy nhiên thời gian này, tiểu thương tổ chức đi chùa dài ngày nên phải sau Rằm tháng Giêng, chợ mới sôi động trở lại. Chỉ có tiểu thương kinh doanh mặt hàng cá lóc, tôm, cua thường buôn bán sớm hơn để phục vụ ngày vía Thần tài. Tuy nhiên do vừa mới tết, giá các mặt hàng cũng sẽ tăng cao, dự kiến dịp này tăng từ 20-25%”.
Mùng 8 tết, dân công sở Sài Gòn đi 5-7 chỗ mới tìm được quán ăn trưa do nhiều hàng quán ở TPHCM còn trong tình trạng “nghỉ tết”. Anh Thịnh (chủ quán ăn Hảo Hảo ở Q.1) chia sẻ: “Thuê nhân viên thời điểm này không chỉ phải trả công cao, mà không có người để thuê. Vì vậy chúng tôi quyết định nghỉ hết mùng 10 mới hoạt động lại. Dù có hao hụt doanh thu nhưng so với việc thuê mướn nhân công giá cao thì cũng vậy”.
Siêu thị cũng thiếu hàng
Khác với sự tấp nập ở chợ, các hệ thống siêu thị lớn ở TPHCM lại khá đìu hiu. Chị Phượng (35 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) nói: “Siêu thị dù giá bình ổn còn thiếu nhiều mặt hàng rau xanh, trái cây đa phần là bưởi, táo, lê… Trong khi đó, các mặt hàng thủy sản tươi sống gần như vắng bóng”. Nhân viên một siêu thị (Q.1) giải thích: “Siêu thị cũng đã dự trữ hàng trong và sau tết. Tuy nhiên do sức mua trước tết quá lớn nên ngày 30 tết, nhiều sản phẩm “cháy hàng”. Bên cạnh đó, một số nhà cung cấp thông báo giữa tháng Giêng mới có hàng, nên tạm thời siêu thị có thiếu hụt”.
Theo đánh giá của Sở Công thương TPHCM, Tết Kỷ Hợi 2019, hàng hóa được cung ứng dồi dào, phong phú, giá cả tương đối ổn định, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá; Nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá góp phần nâng sức mua, giúp gia tăng mãi lực. Bên cạnh sự chuẩn bị đầy đủ về nguồn cung, đa dạng, phong phú về sản phẩm và ổn định về giá cả, hàng hóa năm nay cũng được các DN tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng sản phẩm sạch, an toàn được người tiêu dùng quan tâm và đánh giá cao.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết: “Tết năm nay, người tiêu dùng có xu hướng thay đổi dần tập quán mua sắm, tiêu dùng thay cho “ăn tết” bằng “vui tết”, “chơi tết”, chuyển từ kênh mua sắm truyền thống sang kênh mua sắm hiện đại, mua sắm online trên mạng và giảm bớt thói quen mua dự trữ hàng hóa. Do có sự chuẩn bị từ rất sớm công tác dự báo tình hình thị trường, tổ chức sản xuất, dự trữ hàng hóa, đảm bảo cân đối cung - cầu và ổn định giá cả hàng hóa, việc kiểm tra sát sao giúp cho thị trường tết năm nay diễn ra theo như dự báo và đúng kế hoạch chuẩn bị của thành phố”.
Hàng về chợ đầu mối chỉ mới 70%, giá cả ổn định
Ông Nguyễn Nhu, Phó giám đốc công ty CP Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết: “Hiện lượng rau về chợ đạt khoảng 2.700 tấn/ngày đêm, giảm 1.000 tấn so với bình thường, không xảy ra hiện tượng tăng giá, sốt giá. Tuy nhiên, do rau các tỉnh chưa về nhiều nên khi rau nhập là đã được các mối đặt hết trong thời gian ngắn. Dự kiến khoảng 15 âm lịch này, hàng mới ổn định trở lại”.