Rất nhiều địa phương “cả họ làm quan”

ĐB Trương Trọng Nghĩa
ĐB Trương Trọng Nghĩa
TPO - “Câu chuyện hoàng hôn nhiệm kỳ vẫn liên tục xảy ra. Cả họ làm quan vẫn xảy ra không chỉ ở một mà rất nhiều địa phương, phải chăng có vấn đề tham nhũng ở trong đấy?”, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nêu tại phiên thảo luận ngày 3/11.

Đề cập đến Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng, đây là biện pháp để có những đột phá trong việc xây dựng liêm chính trong đội ngũ cán bộ. 

Ông Nghĩa liên hệ đến việc xây dựng cái lồng để kiểm soát quyền lực. Theo ĐB, câu nói của Tổng Bí thư rất đúng, “cái lồng” cơ chế chính là những quy định pháp luật, khung pháp lý hiện có, cao nhất là Hiến pháp và những luật pháp khác, theo đúng nguyên tắc Nhà nước pháp quyền, không trừ một ai. Ai cũng phải ở trong cái lồng đó, hành lang pháp lý đó. 

“Khi cán bộ vi phạm pháp luật mà xử không nghiêm minh thì người lãnh đạo cấp trên hoặc do họ hàng, hoặc do có lợi ích đan xen, hoặc thậm chí do chính anh có tiêu cực. Nếu người đứng đầu ngay ngắn thì giải quyết được rất nhiều vấn đề về cán bộ liêm chính”, ông Nghĩa nói.

ĐB Trương Trọng Nghĩa liên hệ tới việc bổ nhiệm cán bộ cuối nhiệm kỳ của nguyên Tổng Thanh Tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, khi sắp nghỉ đã bổ nhiệm nhiều người, hoặc tình trạng bổ nhiệm người thân, người nhà… Tất cả những hiện tượng này bộ máy của chúng ta hoàn toàn có thể kiểm nghiệm được, từng trường hợp, từng hồ sơ… rồi giải trình từng trường hợp, từng hồ sơ, từ đó lọc ra. 

Có thể trong mấy chục trường hợp đó có những trường hợp hoàn toàn hợp lý khách quan, có trường hợp do nể nang, tình cảm hoặc có trường hợp do có sai phạm, có tiêu cực, hoàn toàn không xứng đáng, không đúng tiêu chuẩn mà vẫn bổ nhiệm.

Hiện bộ máy của chúng ta có cơ chế, có đủ quy định, có đủ năng lực để hoàn toàn có thể kiểm soát được việc bổ nhiệm này. Trường hợp nào hợp lý thì giữ lại, trường hợp nào có vấn đề thì phải chấn chỉnh, phải huỷ bỏ quyết định bổ nhiệm.

"Nếu dư luận nêu lên như thế mà không làm gì cả thì không hoàn thành trách nhiệm của mình với nhân dân, với cử tri”, ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, câu chuyện hoàng hôn nhiệm kỳ vẫn liên tục xảy ra. Cả họ làm quan vẫn xảy ra không chỉ ở một địa phương mà rất nhiều địa phương, phải chăng có vấn đề tham nhũng ở trong đấy? Chúng ta nên làm gì để giải quyết triệt để? Nếu nói rộng hơn thì đó chính là phạm trù suy thoái đạo đức trong một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức. Căn bệnh đó, vấn nạn đó giải thích tất cả vấn đề còn lại.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai ) thì đề cập đến vấn đề trách nhiệm để xảy ra thất thoát, lãng phí, đặc biệt là vấn đề trách nhiệm với tương lai… 

“Có cử tri nhắc nhở chúng tôi, với nhiệm kỳ 5 năm các vị phải có trách nhiệm trong tương lai lâu dài, đừng đặt tương lai con cháu chúng ta lên lưng hổ, để rồi đâm lao phải chạy theo lao.

Thông điệp của Chính phủ nhiệm kỳ này là hướng tới một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, đặt ra những hy vọng tốt đẹp nhưng đòi hỏi chúng ta phải có chính kiến với những người trong cuộc”, ông Quốc nói.

MỚI - NÓNG