Ông Nguyễn Hồng Danh, 60 tuổi, trưởng thôn Trung Lương (xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, Quảng Nam), bằng những việc làm cụ thể trong chức phận của mình, một trưởng thôn, đã cùng với giới chức địa phương giảm thiểu những vụ việc đụng chạm ở làng quê, thôn xóm, góp phần gìn giữ sự yên bình dưới những lũy tre làng. Có những việc mà rất có thể thiếu vai trò dàn xếp, xử lý của ông Danh đã trở nên nghiêm trọng tới mức cần đến bàn tay can thiệp của tòa án.
Và dường như xã hội đang rất cần những người như ông Danh trong một số cộng đồng dân cư. Khắp nơi xuất hiện những vụ đánh chết người theo kiểu tự xử: cả làng đánh chết kẻ trộm chó. Rồi đó đây là những vụ hành xử bất cần pháp luật: giải quyết mâu thuẫn trong kinh doanh, làm ăn bằng cách thuê giang hồ “xử đẹp” đồng nghiệp thay vì dùng tới các biện pháp pháp lý, mướn xã hội đen “xử lý nợ xấu” thay vì kiện ra tòa, cầm dao kiếm xông vào bệnh viện rượt bác sỹ chạy có cờ, coi như chỗ không người…
Có người lý giải những hiện tượng nói trên bằng các lý do có thể liệt kê ra đây, rằng do “đạo đức xã hội xuống cấp”, hay do “niềm tin của một số người dân giảm sút”.
Nhưng nên xem nguyên nhân của mọi nguyên nhân là sự kém hiệu lực, hiệu quả của bộ máy công quyền và sâu xa hơn là thiếu đi cơ chế đầy đủ để bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả ở một số nơi. Khi lòng tin của người dân giảm sút, việc “tự xử” cũng là tất yếu.
Tuy nhiên, không phải ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng xuất hiện những người như ông Danh và tình trạng người dân sẵn sàng tự giải quyết bằng những biện pháp phi trật tự, phi luật pháp rất dễ dẫn đến tình trạng vô chính phủ. Chúng ta mong có thêm nhiều ông Danh trưởng thôn, nhưng một hệ thống công quyền chuẩn mực, hiệu lực, hiệu quả mới là điều người dân mong muốn hơn cả.