Rào cản ngoại ngữ làm khó sinh viên Việt

khá nhiều sinh viên khi xin việc làm đều không đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng sử dụng tiếng anh.
khá nhiều sinh viên khi xin việc làm đều không đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng sử dụng tiếng anh.
TPO - “Học tiếng anh từ bậc tiểu học, THCS, THPT, vào CĐ - ĐH vẫn tiếp tục học và còn học thêm. Nhưng khá nhiều sinh viên khi xin việc làm đều không đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng sử dụng tiếng anh”…

Đó là những ý kiến của đại biểu Nguyễn Trâm Anh (Trường ĐH Vinh) trong tham luận của mình tại đại hội sinh viên lần thứ X.

Trâm Anh cho rằng, ngoại ngữ có vai trò quan trọng trong việc hội nhập, đón đầu cách mạng 4.0 nhưng thực trạng về năng lực ngoại ngữ của sinh viên hiện nay lại đang quá thấp, chưa dáp ứng được yêu cầu.

Rào cản ngoại ngữ làm khó sinh viên Việt ảnh 1  “Thành thật mà nói, khả năng giao tiếp bằng Anh đang là một rào cản lớn của giới sinh viên Việt Nam hiện nay. Chúng ta học tiếng anh từ bậc tiểu học, THCS, THPT, vào đại học vẫn tiếp tục học và còn học thêm ở các trung tâm Anh ngữ quốc tế, thế nhưng khá nhiều sinh viên khi xin việc làm đều không đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng sử dụng tiếng anh mà các doanh nghiệp, cơ quan đặt ra”, Trâm Anh nói.  Ảnh: Như Ý.

Theo Trâm Anh, hiện chỉ có 48,3% sinh viên tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu tiếng Anh, còn 51,7% còn lại không đạt yêu cầu. Hiện chương trình học quá nặng về ngữ pháp và văn phạm, trong khi việc luyện phản xạ và giao tiếp lại không được chú trọng.

Sinh viên Việt Nam nắm chắc ngữ pháp tiếng anh, nhưng lại không thể biến chúng thành công cụ để giao tiếp được bởi học không đi đôi với hành.

“Sinh viên thiếu tự tin và không vượt qua được sức ỳ của bản thân. Đây chính là “hòn đá tảng” trong nhận thức của mỗi sinh viên. Chúng ta ngại nói vì sợ sai, sợ bị chê cười, dần dần trở nên khép mình trong các giờ học Tiếng anh”, Trâm Anh nhấn mạnh.

Theo cô, cạnh đó còn nhiều bạn sinh viên còn chưa thật sự nhận thức được tầm quan trọng của tiếng Anh. Một số khác lại có tư tưởng đứng núi này trông núi nọ, cảm thấy bản thân yếu môn tiếng Anh nên chuyển sang học ngôn ngữ khác cho là dễ hơn nhưng không biết rằng không ngôn ngữ nào dễ học khi mà bản thân không chăm chỉ và không có phương pháp học phù hợp.

Thực tế, sinh viên chỉ sử dụng tiếng anh trong giờ học bắt buộc, còn hầu như bị bỏ quên trong các hoạt động khác. Mà đối với việc học ngoại ngữ thì chỉ cần một thời gian không sử dụng là có thể bị “rơi vào quên lãng”. 

Giải pháp để sinh viên tự tin bước qua rào cản tiếng Anh, theo Trâm Anh cần:

Bản thân mỗi sinh viên, các bạn phải tự ý thức được tầm quan trọng của ngoại ngữ, có ý thức tự nâng cao năng lực của bản thân; xây dựng động cơ, phương pháp học tập thích hợp.

Nhà trường cần nghiên cứu xem việc dạy và học ngoại ngữ là môn học chính, tăng số lượng tín chỉ; nhất là tổ chức nhiều cuộc hội thảo, giao lưu giữa sinh viên trong, ngoài trường và với sinh viên quốc tế nếu có điều kiện.

Giảng viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo cho sinh viên động lực học tập. Dạy và học với mục đích phục vụ cho công việc thực tế chứ không phải chỉ để thi cử và điểm số.

“Đoàn Hội các cấp nên tổ chức và thúc đẩy các CLB về Tiếng Anh trên các lĩnh vực: Tiếng Anh không chuyên, giao tiếp, chuyên ngành,… khuyến khích tổ chức các hoạt động thiết thực, mang lại hiệu quả cho sinh viên, tạo điều kiện để sinh viên rèn luyện khả năng nghe nói, giúp cho công việc sau này”, Trâm Anh đề xuất tại đại hội.

MỚI - NÓNG