Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết, ngày 1/6 họ tiếp nhận thông tin của người dân phản ánh về một đối tượng đang rao bán nhiều cá thể chim săn mồi trên Facebook. ENV lập tức chuyển thông tin tới Chi cục kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn.
Ngay sau đó, Chi cục kiểm lâm kiểm tra và phát hiện 20 cá thể chim săn mồi tại nhà riêng của đối tượng. Số cá thể này bị tịch thu, chuyển tới Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội (Sóc Sơn, Hà Nội).
Đại diện ENV cho biết, hiện nay, các hoạt động nuôi và huấn luyện chim săn mồi đã được du nhập và khá phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn các loài chim săn mồi đều là những loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm được bảo vệ ở mức độ cao theo quy định của pháp luật và chỉ được nuôi nhốt nếu có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Cùng với việc bị tịch thu tang vật, mọi hành vi rao bán hay nuôi nhốt trái phép chim săn mồi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 400 triệu đồng hoặc xử lý hình sự lên đến 15 năm tù giam đối với cá nhân.
ENV khuyến khích người dân tiếp tục chung tay góp sức bảo vệ động vật hoang dã bằng cách thông báo các trường hợp vi phạm đến đường dây nóng miễn phí 1800-1522.
Trước đó, tháng 5/2020, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP. Đà Nẵng đã phát hiện và tịch thu 12 cá thể chim săn mồi tại nhà của một đối tượng sau khi đối tượng này rao bán trên Facebook đồng thời xử phạt vi phạm hành chính số tiền 11,25 triệu đồng.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV chia sẻ: “Buôn bán động vật hoang dã, dù là trên Internet cũng đã không còn an toàn. ENV hi vọng những bài học đắt giá về hậu quả của hành vi buôn bán động vật hoang dã sẽ góp phần cảnh tỉnh các đối tượng đã đang và hi vọng sẽ làm giàu từ hoạt động trái phép”.
Theo các chuyên gia đánh giá, khoảng 70% dịch bệnh nguy hiểm cho con người có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Dịch Covid-19 chính là lời cảnh báo cho thấy loài người phải hành động ngay lập tức, chấm dứt các hành vi vi phạm về động vật hoang dã trái phép, không để các loài virus nguy hiểm khác ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng của con người và những thiệt hại không đáng có tới nền kinh tế.
Mới đây, các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã đã đề nghị Chính phủ ban hành các quy định bắt buộc với tất cả các nền tảng thương mại điện tử, phương tiện truyền thông xã hội và báo chí trực tuyến để xóa bỏ mọi giao dịch, quảng cáo bán động vật hoang dã bất hợp pháp.