Rạng Đông và niềm tin

TP - Có người nói Rạng Đông như một phép thử. Không phải thử xem sức đề kháng của những người dân trước nguy cơ ô nhiễm thủy ngân mà là phép thử của niềm tin.

Đầu năm nay, trong một hội nghị của ngành tài nguyên môi trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Tôi nói điều này để thấy chúng ta còn nhiều vấn đề khiến người dân lo lắng”. Thủ tướng chỉ ngay ra 14 điều, trong đó có “ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước”. Câu nói nổi tiếng của Thủ tướng cũng được nhiều người nhắc đến: Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế.

Hẳn nhiên, chỉ có sự ấu trĩ mới khiến con người bất chấp tất cả để có lợi nhuận. Những việc kiểu này, báo chí Trung Quốc miêu tả nhiều quan chức dối trá đến ngờ nghệch. Ví dụ để giấu việc 300 trẻ em nhiễm chì từ một nhà máy tại quận Hengdong (Hồ Nam), quan chức địa phương đã phát ngôn: Do trẻ em cắn bút chì. Các quan chức ở Thạch Thủy Sơn (tỉnh Ninh Hạ) thậm chí còn nghĩ ra cách để làm đẹp số liệu.

Theo đó, cách đây 2 năm, các cán bộ môi trường nơi này đã chỉ đạo công nhân vệ sinh xịt nước xung quanh tòa nhà đặt các máy đo chất lượng không khí bằng đại bác chống sương khói. Không may bị vạch trần do trời đột ngột trở lạnh khiến tòa nhà bị phủ một lớp tuyết. Có nơi, quan chức địa phương còn dùng vải trùm lên máy đo ô nhiễm, phun nước dập bụi; móc ngoặc với doanh nghiệp để làm đẹp các chỉ số môi trường…

Dù chưa chứng minh được sự không trung thực trong phát ngôn của quan chức liên quan sự cố cháy nhà xưởng Cty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (gọi tắt là Rạng Đông), nhưng sự khập khiễng số liệu giữa các ban ngành và chậm trễ họp “khẩn cấp” của UBND TP Hà Nội, khiến người dân hoang mang. Liệu chính quyền có đo được độ “hoang mang”? Từ trụ sở UBND TP đến trung tâm đám cháy và những hộ dân bị ảnh hưởng, nếu chạy bằng xe buýt nhanh cũng chỉ hơn 30 phút. Sự hoang mang đó liên tiếp được bồi bằng cung cách phát-thu văn bản cảnh báo; các cấp đo số liệu công bố các mức khác nhau. Ngay cả nhiều đoàn quan trắc môi trường xuống Rạng Đông cũng khiến dân hoài nghi và không biết tin ai. Chưa hết, không hiểu Bộ Tài nguyên & Môi trường bị ai tác động cũng liên tục sửa bản thông báo chỉ số quan trắc trên trang điện tử.

Có người nói Rạng Đông như một phép thử. Không phải thử xem sức đề kháng của những người dân trước nguy cơ ô nhiễm thủy ngân (mà trước đó Rạng Đông nói dối chỉ sử dụng viên Amalgam sản xuất bóng đèn). Đó là phép thử của niềm tin. Như Rạng Đông lấp liếm không xong, đã phải thú nhận sử dụng thủy ngân dạng lỏng. Còn chính quyền ngoài họp báo quá muộn, có bưng bít sự thật? Đại diện phát ngôn lúc nào cũng “lo cho sức khỏe dân”, nhưng hủy họp báo phút chót và UBND TP họp chỉ nói về phát triển Đông Anh. Đông Anh chỉ có điểm chung với Rạng Đông là dư địa về đất có thể làm bất động sản. Thế nhưng, khi nhà báo “lái” câu hỏi sang Rạng Đông, quan chức lại “bẻ ghi” sang Đông Anh. Thật là “cong mềm mại” (cũng là phát ngôn của lãnh đạo một sở ở Hà Nội mấy năm trước khi nói về đường Trường Chinh cong ra sao).

Kể cũng lạ, với nhiều sự vụ trước đó, lãnh đạo Hà Nội có mặt tại hiện trường nhanh, nhưng cháy Rạng Đông đến họp cũng phải sau hơn 1 tuần. Khi chính quyền, cơ quan chức năng còn lúng túng, người dân mạnh ai nấy tìm đường đảm bảo an toàn. Trong sự  loạn (thậm chí bỏ cả gia sản) đó, Rạng Đông cần mẫn đi từng nhà tặng sản phẩm của mình như rắc thêm muối vào vết thương.

Phải thừa nhận rằng Rạng Đông đang nhuốm màu hoàng hôn, với những vết cháy nham nhở, xám xịt và đen tối. Chắc hẳn, nhiều người dân đang trông chờ một sớm bình minh không xa, sẽ được vươn vai hít thở tại Công viên Rạng Đông trong lành và bình yên.

MỚI - NÓNG