Rầm rộ làm trang trại ‘điện mặt trời’ tại TT-Huế: Những hệ lụy khó lường

TPO - Công trình pin mặt trời tồn tại trên rú cát khô cằn ở TT-Huế - nơi từng xảy ra những vụ cháy rừng trồng khốc - gây nguy cơ tăng phát thải hiệu ứng nhà kính, nguy hiểm cháy nổ và có thể ảnh hưởng đời sống dân sinh cũng như các vùng sản xuất nông nghiệp xung quanh.

Vùng cát nội đồng có sự tồn tại của các khu rừng keo, tràm để cải tạo, phủ xanh đất cằn cạnh các khu trang trại thuộc 2 huyện Phong Điền, Quảng Điền (TT-Huế) lâu nay thường xảy ra các vụ cháy lớn vào mùa hè.

Đến bây giờ, nhiều người dân xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền) vẫn chưa quên vào một ngày tháng 7 cách đây vài năm, tại vùng rú cát xã này xảy ra hỏa hoạn nghiêm trọng, khiến hàng chục ha rừng trồng và thảm thực vật dưới tán rừng bị thiêu rụi.  Do trời nắng nóng và gió to, thảm thực vật dưới tán rừng lại dày đặc khiến đám cháy bùng phát vào khoảng 13h trưa và lan rộng tại hai ha rừng trồng của một trong những trang trại tổng hợp lớn ở vùng rú cát xã Quảng Lợi, sau đó đám cháy tiếp tục lan nhanh sang các khu rừng lân cận trong vùng.

Rầm rộ làm trang trại ‘điện mặt trời’ tại TT-Huế: Những hệ lụy khó lường ảnh 1

Công trình điện mặt trời mái nhà trong trang trại tại TT-Huế được yêu cầu phải bảo đảm an toàn phòng, chống cháy nổ.

Hàng trăm người dân huyện Quảng Điền đã được huy động đến dập lửa. Tỉnh cũng huy động gần 100 cán bộ, chiến sĩ lực lượng phòng cháy chữa cháy cùng với kiểm lâm, công an, quân sự và hai xe chữa cháy chuyên dụng tham gia khống chế vụ hỏa hoạn.

Đích thân lãnh đạo tỉnh TT-Huế cũng có mặt để chỉ đạo khoanh vùng, dập lửa, hạn chế thiệt hại do cháy lớn vùng rú cát Quảng Điền gây ra. Tuy nhiên, hậu quả của vụ cháy trong hai ngày khiến gần 25 ha rừng trồng tại vùng cát, vùng trang trại huyện Quảng Điền bị  thiêu rụi; ước tính thiệt hại hơn hai tỷ đồng.

Mới đây, một vụ cháy khác xảy ra tại vùng cát xã Phong Hiền (huyện Phong Điền) thuộc vùng Bàu Co, Hưng Long - Thượng Hòa, gây thiệt hại khoảng 20 ha rừng tái sinh sau khi khai thác của người dân trên địa bàn.

Rầm rộ làm trang trại ‘điện mặt trời’ tại TT-Huế: Những hệ lụy khó lường ảnh 2

Một vụ cháy rừng trồng tại xã Phong Hiền (huyện Phong Điền, TT-Huế). Địa bàn này cũng có trang trại "điện mặt trời" vừa hình thành..

Điều đáng nói, tại địa bàn 2 xã có xảy ra cháy rừng trồng nghiêm trọng trên rú cát kể trên thuộc các huyện Quảng Điền và Phong Điền đều có sự hiện diện của trang trại “điện mặt trời”. Những công trình điện mặt trời “ăn theo” trang trại này hiện đăng ký thủ tục ký hợp đồng mua bán điện; nhưng hoạt động sản xuất nông nghiệp, phương án bao tiêu, ký hợp đồng tiêu thụ nông sản (mục đích chính của nông trại) với các đối tác đều đang bỏ ngỏ.

Theo Công văn 7088 (ngày 22/9/2020) của Bộ Công thương về hướng dẫn thực hiện điện mái nhà, công trình xây dựng có lắp hệ thống điện mặt trời mái nhà phải bảo đảm theo quy định hiện hành về đầu tư, xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ, đất đai… Đây là điều kiện để ký hợp đồng đấu nối, mua bán điện mái nhà với doanh nghiệp kinh doanh điện lưới.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, có chủ trang trại lắp hệ thống điện mái nhà tại TT-Huế đã thừa nhận không thực hiện hồ sơ bảo đảm điều kiện an toàn phòng, chống cháy nổ trình cơ quan chuyên môn thẩm duyệt. Một chủ trang trại "điện mặt trời" tại huyện Quảng Điền cho rằng, điều kiện bảo đảm phòng, chống cháy nổ chỉ áp dụng với công trình trường học, cơ quan, công xưởng có áp mái pin năng lượng (?).

Trong khi, cơ quan phòng cháy, chữa cháy tỉnh TT-Huế cho biết, hệ thống điện mặt trời mái nhà khu vực trang trại cũng cần phải bảo đảm điều kiện an toàn phòng, chống cháy nổ.

Rầm rộ làm trang trại ‘điện mặt trời’ tại TT-Huế: Những hệ lụy khó lường ảnh 3

Doanh nghiệp kinh doanh điện lưới cần thẩm tra kỹ các tiêu chí, điều kiện bảo đảm an toàn cháy nổ đối với các công trình điện mặt trời mái nhà khu vực trang trại khi chấp nhận đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện với chủ trang trại.

Với thực trạng xây dựng hệ thống điện mái nhà tràn lan ở các khu vực quy hoạch trang trại tại TT-Huế - nơi rất khô nóng và thường trực hỏa hoạn vào mùa hè, người dân không khỏi lo lắng về nguy cơ mất an toàn cháy nổ. “Nơi đây thường xảy ra cháy vào mùa hè, cháy rất lớn, nay có thêm các khu đất dày đặc pin mặt trời, xung quanh là rừng keo tràm có lớp thực bì dày dễ dẫn cháy, nếu không quản lý tốt về an toàn cháy nổ, nguy cơ hỏa hoạn, sau đó lan rộng ra xung quanh, gây thiệt hại tài sản của người dân là rất cao”, một người dân Quảng Vinh (huyện Quảng Điền) lo lắng.

Mặc dù còn những bất cập, thậm chí chưa thỏa mãn điều kiện ký hợp đồng đầu nối, mua bán điện khu vực trang trại là vậy, tuy nhiên, đến nay, nhiều chủ trang trại vẫn xin đăng ký thực hiện thủ tục mua bán điện với doanh nghiệp kinh doanh điện lưới tại TT-Huế.

Trước đó, như tin đã đưa, sau Tây Nguyên, phong trào làm trang trại “điện mặt trời” có dấu hiệu tạo thành “cơn sốt” và lan nhanh tại TT-Huế, tiềm ẩn những nguy cơ sử dụng đất trái mục đích, biến tướng sản xuất nông nghiệp; gây sa mạc hóa, ô nhiễm môi trường, phá vỡ quy hoạch sản xuất năng lượng tái tạo đấu nối từ mặt đất.

“Cơn sốt” này hiện chưa được các cấp có thẩm quyền kiểm tra, chấn chỉnh.

Theo khoản 4, Điều 9 của Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Tổ chức cá nhân đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, phòng chống cháy nổ theo quy định hiện hành”.

MỚI - NÓNG