Không có chỗ đổ, hàng trăm tấn rác thải được phủ bạt trên đường phố thị xã Sơn Tây. Ảnh: Trường Phong.
Đâu cũng thấy rác
Ngày 15/10, dọc con đường từ xã Cổ Đông về thị xã Sơn Tây, hai bên đường cứ khoảng 10 - 20m lại có một điểm tập kết rác. Hàng chục bao tải, túi nilon đen vứt vương vãi bên lề đường, ruồi nhặng bu kín. Ngoài rác thải sinh hoạt bình thường, còn có cả xác động vật chết đang phân hủy. Thấy phóng viên chụp ảnh, một phụ nữ lắc đầu: “Ô nhiễm quá anh ạ! Rác mỗi ngày một nhiều lên”. Tại cầu Ái Mỗ, những người đàn ông làm nghề xe ôm phải bịt mũi đứng chờ khách vì mùi rác nồng nặc. Hai bên cầu được bố trí hai bãi tập kết hàng trăm tấn rác. Được phủ bạt màu xanh, rắc vôi bột lên trên nhưng nước rác rỉ ra đường bốc mùi hôi thối nồng nặc cả khu phố. Một người dân nhà cạnh bãi rác tạm thời này chia sẻ, đã hơn một tháng, nhiều cơ quan báo đài đến quay phim, chụp ảnh nhưng chẳng thay đổi gì. Theo chỉ dẫn của người dân, phóng viên tìm đến khu vực ngã ba phố Chùa Thông giao với Quốc lộ 32 và đường La Thành. Là cửa ngõ dẫn vào thị xã, đẹp như một công viên nhưng một bãi tập kết rác khá lớn, dài vài chục mét ngay cạnh biển tuyên truyền. Rác thải được che bạt, ruồi nhặng bâu nhiều, nước rác chảy ra đường phố. Người đi đường qua khu vực này phải bịt mũi.
Ghi nhận của phóng viên, dọc tuyến phố La Thành có khá nhiều điểm tập kết rác, có điểm tràn ra lòng đường. Thậm chí, nhiều địa điểm trên dải phân cách cũng thành nơi để rác. Dọc con đường 414 dẫn về bãi rác Xuân Sơn (xã Xuân Sơn), cứ khoảng 50 – 100 mét lại có một bãi rác tập kết hai bên đường, chủ yếu tập trung ở khu vực vỉa hè các cơ quan, đơn vị. Rác được phủ kín bằng bạt, có chất màu trắng rắc bên trên. Số rác mỗi điểm lên đến hàng chục tấn. Ngay cả con đường liên xã vào bãi rác Xuân Sơn, ngay gần nhà máy rác, nhiều khu vực cũng tồn tại rác thải nhiều ngày, bốc mùi hôi thối, khó chịu. Quanh nhà máy xử lý rác thải, hàng chục người dân tập kết thành 2 – 3 nhóm ngồi bên đường. Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Quang Sơn, Bí thư Thị ủy Sơn Tây cho biết, trên địa bàn thị xã tồn đọng khoảng hơn 2.500 tấn rác thải, nguyên nhân chủ yếu do người dân khu vực xung quanh bãi rác Xuân Sơn chặn không cho xe chở rác vào nhà máy. “Chúng tôi tập kết rác thải tại một số khu vực, phủ bạt và phun thuốc để tránh gây ô nhiễm”, ông Sơn nói.
Khó xử lý
Trước đó, ngày 13/10, tại Hội nghị lần thứ 10 BCH Đảng bộ thành phố khóa XVI, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Bí thư và Chủ tịch thị xã Sơn Tây phải khẩn trương tuyên truyền vận động cho người dân không chặn rác thải vào nhà máy, nếu không được thì cần lên phương án cưỡng chế. “Dứt khoát không để các hộ này làm ảnh hưởng đến việc thu gom, xử lý rác của Ba Vì, Sơn Tây được”, ông Chung nói. Ông Chung yêu cầu sớm lên phương án xử lý, yêu cầu công an thị xã Sơn Tây có phương án đảm bảo an ninh trật tự. “Những đối tượng chây ì thì công an lập hồ sơ, thậm chí phải xử lý hình sự chứ không để gây cản trở, ùn tắc rác”, ông Chung yêu cầu. Trao đổi về hướng xử lý, ông Nguyễn Quang Sơn, Bí thư Thị ủy Sơn Tây cho biết, đang chờ cuộc họp của Thường trực Thành ủy cho ý kiến để lên phương án giải quyết.
Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Văn Vân, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn cho biết, có hơn 100 hộ dân cả của xã Xuân Sơn (Sơn Tây) và xã Tản Lĩnh (Bà Vì) phản đối, không cho xe rác vào nhà máy vì chênh lệch chính sách, chế độ giải phóng mặt bằng. “Người dân cho rằng, hỗ trợ giải phóng mặt bằng bên Ba Vì được nhiều hơn của Xuân Sơn (Sơn Tây)”, ông Vân nói. Ngoài ra, một số hộ dân xã Tản Lĩnh cũng chặn xe rác để đòi tiền giải phóng mặt bằng số đất mà họ chưa
được nhận.
Lãnh đạo xã Xuân Sơn cho biết, vụ việc chặn xe chở rác vào nhà máy đã diễn ra từ tháng 4/2017, nhưng do tuyên truyền, vận động đã giải quyết được một thời gian. Riêng việc rác ùn ứ diễn ra khoảng gần một tháng nay. “Rác ùn vì không biết chở đi đâu. Trước còn chuyển lên bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) được, nhưng nay thấy bảo vì Xuân Sơn (Sơn Tây) với Ba Vì không bảo được người dân, nên rác để lại đó, không cho mang lên Nam Sơn”, một vị cán bộ xã Xuân Sơn nói. Vị này cũng chia sẻ, rất hiểu nỗi khổ của bà con vì bãi rác còn làm thủ công, chỉ có đốt và chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, nước trầm trọng.
Về giải pháp trong thời gian tới, Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Vân cho biết, sẽ tiếp tục vận động bà con tuân theo quy định của pháp luật, có văn bản kiến nghị lên cấp trên. “Bà con bảo vì chính sách mới phải lên đây chứ cũng không thích gì. Bà con không biểu tình, không chửi bới, đập phá gì. Chỉ không cho xe rác vào thôi. Bà con cũng khổ, anh em chính quyền cũng vất vả. Họp tối họp ngày, tuyên truyền mãi mà chưa giải quyết được”, ông Vân nói.