Bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 50 km, có tổng diện tích khoảng 83,5ha, trong đó có 53,49ha được đưa vào sử dụng từ năm 1999. Với công suất lớn tới 4.000 tấn/ngày, khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn hiện là bãi rác lớn nhất Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Ba, trú tại thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn cho hay, sống gần bãi rác gần 20 năm, ai cũng đã quen với mùi hôi thối và ruồi. Ở thôn này, mỗi ngày dùng hết 5 vỉ bẫy ruồi là chuyện thường, còn khẩu trang thì 2-3 ngày phải thay một cái.
Theo quan sát của phóng viên, ngoài vài ba cửa hàng bán thịt, rau, hàng tạp hoá mở cửa thì đa phần các hộ dân đều đóng cửa im ỉm. Tại cửa hàng thịt của bà Dinh, quạt ve vẩy liên tục nhưng 3 vỉ bẫy ruồi bên cạnh đã kín đặc ruồi, thịt tươi bị ruồi bám đầy xung quanh. Bà Dinh cho biết, gần chục ngày trở lại đây, mùi hôi thối từ bãi rác rất khủng khiếp, đặc biệt lượng ruồi tăng gấp 4-5 lần khiến cuộc sống của bà con bị đảo lộn.
Cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Lý (xóm 18, thôn Đông Hạ) cho biết thêm, nhiều nhà phải đóng cửa suốt ngày để tránh ruồi, chè pha chưa uống, cơm chưa ăn đã bị ruồi “ăn trước”.
Tăng ca làm 24/24, tăng phun thuốc diệt ruồi
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Cty TNHH MTV Môi trường Đô thị (URENCO) cho biết, Cty đã đề nghị Trung tâm y tế dự phòng huyện cùng phối hợp, tăng cường khối lượng phun thuốc diệt ruồi để đảm bảo sức khoẻ, đời sống sinh hoạt cho người dân tại khu vực. Theo vị này, để xảy ra tình trạng mùi hôi kéo theo lượng ruồi lớn là do thời tiết thay đổi với những trận mưa lớn bất thường, khiến việc chôn lấp rác thải bị chậm, phát sinh đợt dịch. Được biết, hiện tại các công nhân đang làm việc 24/24 để xử lý toàn bộ rác thải, tránh để phát tán mùi hôi.
Về nhưng lo ngại của người dân việc ô nhiễm nguồn nước, lãnh đạo đơn vị xử lý rác thải cho rằng: “Đây là do người dân thấy các rãnh nước cạnh hồ chứa nước thải có cống, cửa xả nên không yên tâm. Thực tế, chúng tôi có làm rãnh, nếu nước bị thấm sẽ thu lại, bơm ngược về hồ xử lý. Không chảy nước thải ra ngoài và không ảnh hưởng đến nước ngầm”.
Trước những bức xúc của người dân, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo nhằm giải quyết một số vấn đề liên quan, giúp người dân sớm ổn định đời sống. Cụ thể, giao Sở Y tế, Sở Tài chính phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn nâng mức hỗ trợ thẻ Bảo hiểm y tế từ 80% lên 100%; triển khai khám chữa bệnh định kỳ cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng.
Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố tại văn bản số 5124 ngày 4/9/2016 về đánh giá mức độ ô nhiễm vùng ảnh hưởng môi trường; rà soát báo cáo thành phố điều chỉnh mức hỗ trợ ảnh hưởng môi trường cho nhân dân trong khu vực; cung cấp nước sạch; đảm bảo vệ sinh môi trường; phun thuốc diệt côn trùng; di dời các hộ dân trong vùng ảnh hưởng bán kính 500m...