Rà soát giáo sư, cần thanh tra độc lập

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ GD&ĐT. Ảnh: Văn Kiên.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ GD&ĐT. Ảnh: Văn Kiên.
TP - Sáng 28/3, tại cuộc làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, trong khi Bộ GD&ĐT khẳng định, việc rà soát các chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) bảo đảm khách quan, không đáp ứng đủ điều kiện thì sẽ không công nhận, bất kể người đó là ai. Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng, cần thành lập một nhóm thanh tra thực sự độc lập để rà soát lại, nếu không sau này xã hội sẽ lại tiếp tục bức xúc về phong hàm GS, PGS.

“Là uy tín của đất nước”

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã nêu năm vấn đề Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ GD&ĐT giải trình, báo cáo thêm, trong đó có vấn đề dư luận rất quan tâm là việc công nhận chức danh GS, PGS. “Trong 1.226 ứng viên, bộ đã công bố có 94 ứng viên do có đơn thư, Hội đồng chưa xem xét công nhận. Việc chưa xem xét này không phải trách nhiệm của Thủ tướng, không phải tại Thủ tướng mà tôi không được phong hàm. Đó là do Hội đồng phong hàm GS quốc gia, Bộ GD&ĐT bám vào tiêu chí, nguyên tắc thực hiện chứ Thủ tướng không đi vào chi tiết, không thuộc trách nhiệm của Thủ tướng. Cho nên đừng đổ ngược lên cho Thủ tướng, phải công khai minh bạch việc này”, Bộ trưởng Dũng nói.

Giải trình vấn đề này, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay đã có giải trình với Thủ tướng và công luận. Qua rà soát cho thấy, về cơ bản, các ứng viên đáp ứng tiêu chuẩn đạt chức danh GS. PGS, với những tiêu chuẩn đã được xây dựng khoảng 20 năm. Tuy nhiên, cũng có những ứng viên chưa đáp ứng được tiêu chuẩn và qua các Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước cũng sàng lọc chưa chuẩn. Cũng theo ông Nhạ, theo quy định, nếu xét xong thấy có vấn đề thì cần rà soát lại. Bước đầu, sau rà soát có 94 ứng viên có đơn thư cần phải giải quyết đúng theo quy định. “Chúng tôi đã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra và theo kế hoạch 31/3 tới sẽ kết thúc. Hội đồng này thậm chí trao đổi, làm việc với từng ứng viên, để tâm phục khẩu phục. Cuối tháng sẽ có kết quả do ban thanh tra cung cấp. Ứng viên nào đáp ứng đầy đủ điều kiện thì công nhận, không đáp ứng đủ điều kiện thì không công nhận, dù bất kể là ai”, ông Nhạ khẳng định.

Rà soát giáo sư, cần thanh tra độc lập ảnh 1 Trong 1.226 ứng viên GS, PGS có 94 ứng viên đang phải rà soát lại do có đơn thư. Ảnh minh họa: Vnexpress.

Tuy nhiên, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lưu ý rằng: “Đây không phải là câu chuyện ta giải trình với ta. Vấn đề là quốc tế và công luận. Đây là sự tin cậy, là uy tín của một đất nước”. Theo ông Thiên, các tiêu chuẩn đào tạo, kể cả tiêu chuẩn phong hàm GS. PGS vốn là thực chất nhưng khi đáp ứng một nhu cầu, vừa là thật nhưng tính hư ảo trong đó cao, sẽ dễ bị “hình thức hóa”. “Cần đánh giá tiêu chuẩn học hàm, học vị phải gắn với thực tế”, ông Thiên phân tích.

Thanh tra độc lập, tạo thay đổi căn bản

Cho rằng, vụ việc xảy ra “chẳng qua là giọt nước tràn ly, là sự việc kéo dài nhiều năm, nhiều tháng”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương bày tỏ sự không hài lòng khi cơ quan quản lý chưa nhìn ra vấn đề để đổi mới. “Tôi tưởng rằng nhân vụ này làm lại. Phải thay đổi căn bản. Đây là cơ hội để chúng ta thay đổi căn bản. Có thể chúng ta phải thành lập một nhóm thanh tra thực sự độc lập rà soát lại tất cả, nhưng vừa qua lại chưa làm như thế. Nếu không làm tôi nghĩ xã hội tiếp tục bức xúc”, ông Cung nói.

Ông Cung cũng chia sẻ thẳng thắn rằng, bạn bè, đồng nghiệp của mình có rất nhiều người là GS, PGS. Nhưng có người thực sự là “ăn chẳng nên đọi, nói chẳng nên lời”. “Ngay cơ quan tôi có người làm PGS về, yêu cầu tôi phải phong làm nghiên cứu viên cao cấp. Tôi nói tôi không làm như vậy. Tôi phải đánh giá con người theo kết quả công việc anh làm được gì chứ không phải dựa vào danh. Tôi nói tôi còn ngồi đây thì tôi không bao giờ đồng ý. Tôi ngồi đây, tôi biết anh làm được gì, anh phải làm được gì cho tôi. Tôi không trả lương theo bằng cấp, danh hiệu mà anh phải làm được những việc gì”, ông Cung nói.

Theo ông Cung, đánh giá con người theo kết quả, chứ không phải đánh giá con người theo danh, theo phận. Từ đó, ông Cung cho rằng phải thay đổi. “Mấy đời bộ trưởng GD&ĐT – chúng ta chưa thay đổi, chúng ta vẫn tiếp cận theo dáng dấp bao cấp hành chính, chứ chưa thấy có bóng dáng kinh tế thị trường”, ông Cung nói.

Rà soát giáo sư, cần thanh tra độc lập ảnh 2   “Đây không phải là câu chuyện ta giải trình với ta. Vấn đề là quốc tế và công luận. Đây là sự tin cậy, là uy tín của một đất nước”. 

            Ông Trần Đình Thiên,

                Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho biết, thực hiện luật Đầu tư năm 2014, Bộ đã rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tổng số là 241 điều kiện kinh doanh. Năm 2017, Bộ đã chủ động cắt giảm 29 điều kiện, đơn giản hóa 22 điều kiện. Dự kiến năm 2018 sẽ cắt giảm, đơn giản hóa 91 điều kiện kinh doanh, chiếm 42,9%. Như vậy, cùng với kết quả năm 2017, số điều kiện kinh doanh mà Bộ đã và dự kiến cắt giảm hoặc đơn giản hóa là 120/241, chiếm 49,8%.

MỚI - NÓNG