Sáng 21/12, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng tổ chức sự kiện ra mắt tập sách ảnh bản tiếng Anh “Âm vang của Đá – Những kiệt tác của Bảo tàng Điêu khắc Chăm” (Vibrancy in Stone – Masterpieces of the Da Nang Museum of Cham Sculpture).
Dự án về cuốn sách ảnh này được kéo dài trong 2 năm (từ năm 2015 đến năm 2017) do Tiến sĩ Peter Sharrock (Phụ trách Chương trình nghiên cứu nghệ thuật Đông Nam Á của ĐH SOAS Luân Đôn) hợp tác với Bảo tàng Điêu khắc Chăm thực hiện.
100 năm kể từ khi Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được khai trương với cuốn sách ảnh đầu tiên do Henri Parmentier thực hiện (năm 1919), Bảo tàng đã có nhiều thay đổi về hiện vật, về công tác nghiên cứu, diễn giải hiện vật...
Trong cuốn sách ảnh lần này, 100 tác phẩm điêu khắc Chăm tiêu biểu nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng được giới thiệu với hình ảnh trau chuốt và nội dung chi tiết, cụ thể được thực hiện bởi những nhà nghiên cứu chuyên về văn hóa Champa.
Theo ông Nguyễn Trọng Thao, Phó GĐ Sở VH&TT Đà Nẵng, Âm vang của Đá là cuốn sách ảnh có giá trị chuyên môn cao với có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu đầu ngành của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
“Cuốn sách này sẽ giúp du khách và bạn bè trên khắp thế giới thưởng thức đầy đủ và sâu sắc về giá trị của bộ sưu tập nghệ thuật mà Bảo tàng Chăm đang lưu giữ”, ông Thao nhấn mạnh.
Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, cho biết: “Dự án đã cung cấp cho Bảo tàng 1 bộ ảnh chuyên nghiệp để sử dụng lâu dài trong các ấn phẩm quảng bá, trước hết là sử dụng cho ấn phẩm dịch tiếng Việt cuốn sách ảnh trong thời gian tới”.
Nền văn hóa Champa phát triển thịnh vượng dọc dài vùng bờ biển miền Trung và Nam Trung Bộ Việt Nam ngày nay từ thế kỉ 5 đến thế kỉ 15. Nền văn hóa này được thể hiện qua hệ thống đền tháp tráng lệ, các tác phẩm điêu khắc, múa và âm nhạc. Nhiều di tích của nền văn hóa này được bảo tồn khá nguyên vẹn cho đến ngày nay.