Quy tắc ứng xử sẽ thành nếp của mỗi gia đình

Hướng dẫn trẻ em bỏ rác đúng nơi quy định, dần hình thành văn hóa ứng xử nơi công cộng. Ảnh: Anh Tuấn.
Hướng dẫn trẻ em bỏ rác đúng nơi quy định, dần hình thành văn hóa ứng xử nơi công cộng. Ảnh: Anh Tuấn.
TP - Hà Nội đang triển khai hai Bộ quy tắc ứng xử (Bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan thành phố và Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng). Việc triển khai quy tắc ứng xử thường xuyên, thành nếp sống đã mang lại những chuyển biến tích cực về hình ảnh người Hà Nội thanh lịch.

Hai bộ quy tắc ứng xử đã được các tổ chức đoàn thể, cơ quan, đơn vị triển khai đồng loạt đến từng cán bộ công chức, viên chức, người lao động; từng cá nhân và gia đình trong tổ dân phố, thôn, xóm. Cùng với đó, Hà Nội cũng áp dụng nhiều biện pháp cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và nâng cao chất lượng phục vụ, trình độ năng lực của công chức, nhất là công chức làm việc tại các khu vực thường xuyên tiếp xúc với công dân.

Để đưa hai bộ quy tắc ứng xử vào cuộc sống, Hà Nội đã có các văn bản chỉ đạo tới các sở ngành, quận, huyện, thị xã nghiêm túc triển khai thực hiện. Ngay sau đó, một số cơ quan, địa phương đã sôi nổi tổ chức triển khai, thậm chí là tổ chức ký giao ước thực hiện.

Nhiều kết quả tích cực

Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) Hà Nội cho biết, qua hơn 1 năm thực hiện, quy tắc ứng xử trong cơ quan hành chính đã có sự chuyển biến rõ nét về ý thức, thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng có tác động đến sự chuyển biến tích cực tới người dân. Qua đó, người dân cũng đã có ý thức hơn trong việc ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên và xã hội. “Các cuộc tọa đàm, thi tuyên truyền tới cấp cơ sở sẽ được nhân rộng khắp trên địa bàn thành phố trong tháng 8/2018 và sẽ được duy trì thường xuyên, liên tục để người dân nhận biết và làm theo”, đại diện Sở VH-TT cho biết.

Đơn cử như tại cụm dân cư số 9, phường Bạch Đằng (quận Hai bà Trưng) vừa tổ chức tọa đàm: “Thực hiện có hiệu quả Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Thông qua buổi tọa đàm, các ý kiến đóng góp của nhân dân, các biện pháp đã góp phần định hướng cho các đoàn thể trong tổ dân phố đẩy mạnh tuyên truyền bộ Quy tắc ứng xử đến toàn thể nhân dân đang sinh sống, làm việc và học tập trên địa bàn. Ông Trần Hạnh Kiểm - Bí thư Chi bộ Cụm dân cư số 9 cho rằng, từ những việc đổ rác, thói quen ứng xử đều được các tổ chức đoàn thể tuyên truyền mạnh mẽ, từ đó thay đổi ý thức, tạo thành thói quen cho người dân. Những thái độ ứng xử của người dân đã có những chuyển biến rõ nét.

Tại cuộc làm việc với Sở VH-TT Hà Nội mới đây, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhận định, Hà Nội cần phải đẩy mạnh mô hình văn hóa, quảng bá những hình ảnh đẹp để tạo sự lan tỏa trong xã hội. Có như vậy từng bước thay đổi ý thức người dân trong ứng xử văn minh với môi trường và cộng đồng xung quanh.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, hình ảnh của một địa phương, một đất nước trong mắt bạn bè đầu tiên chính là văn hóa. Hà Nội là nơi hội tụ văn hóa của cả nước, kết tinh văn hóa Thăng Long, văn hóa xứ Đông, xứ Đoài. Việc thực hiện các quy tắc ứng xử phải được ăn sâu vào đời sống hằng ngày, biến thành nếp sống văn hóa của mỗi gia đình, tập thể và cá nhân. Công việc này cần phải làm thường xuyên, lâu dài, tránh việc triển khai hình thức.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.