Quỹ lớp nên đóng 1 triệu đồng hay 100 ngàn đồng để phụ huynh vừa lòng?

0:00 / 0:00
0:00
Có nên dẹp quỹ phụ huynh? Nếu để quỹ đó tồn tại, mức đóng góp nên là bao nhiêu? Chị Hoàng Thanh Huyền nói, để trả lời 2 câu hỏi đó cần trả lời một câu hỏi khác: Quỹ phụ huynh tiêu vào việc gì?

Quỹ phụ huynh không quan trọng ít nhiều, quan trọng là vừa… lòng

Chị Hoàng Thanh Huyền (42 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có 9 năm làm trưởng ban phụ huynh của lớp con gái.

Từ kinh nghiệm của mình, chị Huyền khẳng định: "Mức đóng góp quỹ phụ huynh bao nhiêu không quan trọng, quan trọng là có vừa lòng các phụ huynh hay không. Sự vừa lòng của họ lại nằm ở chỗ quỹ sẽ chi tiêu vào những việc gì".

Quỹ lớp nên đóng 1 triệu đồng hay 100 ngàn đồng để phụ huynh vừa lòng? ảnh 1
Một hoạt động ngoại khóa tại trường tiểu học dân lập Hà Nội (Ảnh: HH).

Trường con chị Huyền là trường tư. Hằng năm, tiền quỹ lớp được thu hai đợt vào đầu hai kỳ học. Quỹ lớp chi chủ yếu cho các nội dung: mua hoa, quà tặng thầy cô dịp lễ Tết, mua phần thưởng tặng học sinh các dịp đặc biệt, tổ chức sự kiện ngoại khóa.

Theo chị Huyền, nội dung được bàn luận và tranh cãi nhiều nhất là việc mua hoa, quà tặng thầy cô. Mỗi phụ huynh có góc nhìn, quan điểm khác nhau và ít khi đạt được sự thống nhất.

"Có phụ huynh cho rằng tặng hoa, tặng quà thầy cô vào bất kỳ dịp nào đều không nên. Họ thậm chí tuyên bố rằng: "Tôi cho con học trường tư là để không phải làm những việc đó". Có phụ huynh chỉ đồng ý tặng hoa, không đồng ý tặng quà. Có phụ huynh chỉ đồng ý tặng hoa ngày 20/11, không đồng ý tặng vào dịp khác.

Thông thường các lớp sẽ lấy ý kiến đa số để đưa ra quyết định. Đây chính là điểm mấu chốt của mọi tranh cãi.

Bởi vì người bỏ "phiếu chống" không hài lòng đã đành, người bỏ "phiếu thuận" cũng chưa chắc đã hài lòng. Họ có thể bỏ "phiếu thuận" trên nhóm lớp nhưng sẽ lên mạng bỏ "phiếu chống" cho bạn", chị Huyền chia sẻ.

Cách làm của chị Huyền là, chỉ thu tiền cho những nội dung nhận được 100% "phiếu thuận". Những nội dung còn lại, dù chỉ một người không đồng ý, quỹ lớp sẽ không thu.

Đó là lý do lớp con chị Huyền có một số năm không thu khoản chi phí mua hoa, quà tặng thầy cô vào dịp lễ Tết.

Thông thường sự việc trên sẽ xảy ra vào năm đầu cấp, khi phụ huynh còn chưa quen thuộc nhau, chưa tin tưởng nhau. Khi sự tin tưởng đã có, các phụ huynh sẽ dễ đi đến đồng thuận hơn, ngay cả khi họ không hoàn toàn đồng tình.

"Tôi ví dụ việc tặng hoa cho thầy cô vào dịp khai giảng và bế giảng. Đã có phụ huynh phản đối quyết liệt. Họ cho rằng ban phụ huynh lớp bày vẽ, không có lý do gì để tặng hoa vào hai ngày này.

Quỹ lớp nên đóng 1 triệu đồng hay 100 ngàn đồng để phụ huynh vừa lòng? ảnh 2
Phụ huynh đưa con đi khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Nguyễn Siêu (Ảnh: Hoàng Hồng).

Năm học đó, tôi và một số phụ huynh vẫn mang hoa đến trường với tư cách cá nhân chào đón cô giáo mới của lớp con cũng như gửi hoa thay lời cảm ơn và tạm biệt khi năm học kết thúc.

Việc tặng hoa đúng là bày vẽ, hình thức với một số người. Nhưng với một số khác, đó là thói quen đẹp họ vẫn thường làm trong cuộc sống, với những ai họ yêu mến. Cho nên, tôi cho rằng cần tôn trọng quan điểm, suy nghĩ của mỗi người.

Tôi cũng chia sẻ quan điểm đó với các phụ huynh và may mắn là nhiều người từ phản đối quay sang ủng hộ vào năm học sau. Họ ủng hộ vì chính họ thấy được ý nghĩa và sự hợp lý của khoản chi đó.

Các khoản chi khác cũng vậy, những người cầm quỹ chi tiêu phải cho các phụ huynh khác thấy rằng tất cả đều được chi đúng, chi đủ, chi có ích", chị Huyền giãi bày.

Cũng từ câu chuyện này, chị Huyền chia sẻ kinh nghiệm lên nội dung thu chi quỹ phụ huynh cho cả năm học. Một là hạn chế sự bày vẽ, hình thức. Hai là khoản chi phải có ý nghĩa với học sinh. Ba là người làm trong ban đại diện cha mẹ học sinh cần khả năng thương thuyết, đàm phán để thuyết phục được các phụ huynh khác rằng những khoản thu chi đó là hợp lý.

Chị Huyền nhấn mạnh, khi chưa thuyết phục được, không nên lấy số đông để "trấn áp" số ít. Mọi phụ huynh cần được bình đẳng về ý kiến. Việc thu quỹ phụ huynh là tự nguyện. Do đó không nên dùng sự tự nguyện của nhiều người để làm tiêu chuẩn bắt buộc với ít người.

Nếu có phụ huynh không không đồng tình khoản nào, hãy để họ không đóng khoản tiền đó, hoặc tốt nhất gạch bỏ khoản đó ra khỏi hạng mục thu chi.

Chị Huyền cũng cho biết thêm, không vì một vài phụ huynh không đồng ý đóng quỹ lớp mà các hoạt động của lớp không thực hiện được.

Chị nói: "Quỹ có nhiều chi nhiều, quỹ có ít chi ít. Nhiều phụ huynh còn âm thầm tài trợ các hạng mục chi nên mọi việc đều diễn ra thuận lợi.

Lợi ích của các con là hàng đầu. Muốn các con không bị ảnh hưởng bởi những rắc rối do người lớn gây ra thì việc đầu tiên là các bậc cha mẹ đều phải vừa lòng với chuyện thu chi".

Nên để phụ huynh tự quyết định việc có hay không có quỹ phụ huynh

Chia sẻ với phóng viên, một hiệu trưởng cho rằng tùy vào điều kiện của mỗi trường, mỗi địa phương mà quỹ phụ huynh có cần thiết hay không.

"Trường ngoài công lập thu học phí cao, được phép thu các khoản phí cơ sở vật chất, học liệu, hoạt động bổ trợ, ngoại khóa… Do đó, quỹ cha mẹ học sinh có thể không cần thiết.

Quỹ lớp nên đóng 1 triệu đồng hay 100 ngàn đồng để phụ huynh vừa lòng? ảnh 3
Một giờ sinh hoạt ngoại khóa của học sinh tiểu học tại Kiên Giang (Ảnh: Trương Nguyễn).

Tuy nhiên, với trường công lập, nếu không có nguồn xã hội hóa, rất khó để nhà trường đa dạng hóa các hoạt động giáo dục cho học sinh", vị hiệu trưởng nêu quan điểm.

Ông cũng cho biết thêm, cùng mô hình công lập, trường ở địa bàn khó khăn, trường của con em công nhân không nên kêu gọi xã hội hóa từ phụ huynh mà cần nhà nước ưu tiên đầu tư. Bởi với người dân nghèo, từng khoản đóng góp dù nhỏ cũng là gánh nặng.

Tuy nhiên, với trường ở địa bàn đô thị, vùng kinh tế phát triển, xã hội hóa để nâng cao chất lượng giáo dục là điều nên làm nếu được người dân, phụ huynh ủng hộ.

Từ phân tích này, vị hiệu trưởng cho rằng nên để phụ huynh tự lựa chọn việc có hay không có quỹ lớp: "Cùng một trường, có lớp đóng quỹ, có lớp không đóng quỹ nên được xem là điều bình thường. Lớp nào phụ huynh thấy cần thiết, đồng thuận thì họ làm. Lớp nào phụ huynh thấy không cần thiết thì không lập quỹ".

Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh ở khoản 1 và khoản 3 điều 10 như sau:

Về kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh:

a) Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.

b) Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện học sinh trường...

Về việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh: Phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh. Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG