Quy hoạch nối đuôi nhau… vỡ trận
Với mục tiêu tăng khả năng đáp ứng của giao thông tĩnh và xóa các điểm đỗ xe ở lòng đường, năm 2003 thành phố Hà Nội phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn thành phố đến năm 2020” (Quy hoạch 165). Quy hoạch do Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn, thuộc Bộ Xây dựng lập được đánh giá là khá khoa học, bài bản.
Quy hoạch chỉ rõ, đến năm 2020 diện tích điểm đỗ và bãi đỗ xe công cộng phải đạt 2,0 - 3,5% đất xây dựng đô thị (hiện nay mới được khoảng 0,1%). Quy hoạch được kỳ vọng “giải cứu” tình trạng thiếu điểm đỗ xe cho khu vực nội đô. Nhưng tiếc rằng, đến nay sau 14 năm triển khai quy hoạch 165, hầu hết các vị trí được quy hoạch làm điểm trông giữ phương tiện cho người dân trở thành những khu “đất vàng” trên các tuyến phố. Kể từ đây, số phận các khu đất trên liên tục bị các dự án nhà cao tầng, trung tâm thương mại thôn tín.
Đơn cử, khu đất 1.400m2 tại ngã tư phố Hai Bà Trưng - Hàng Bài được quy hoạch làm bãi đỗ xe nhiều tầng ngầm - nổi thay thế các điểm đỗ trên đường Hai Bà Trưng, Hàm Long, Hàng Trống, Bà Triệu... nay trở thành dự án tòa nhà Trung tâm thương mại, căn hộ và văn phòng cao cấp; lô đất hơn 3.000m2 tại số 16 Phan Chu Trinh (Hoàn Kiếm), được quy hoạch là xây bãi đỗ xe để xóa các điểm đỗ xe dưới lòng đường trên các tuyến phố Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Hàm Long, Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh, Lê Thánh Tông... nay trở thành cao ốc trụ sở một ngân hàng; bến xe Gia Thụy được quy hoạch thành điểm đỗ xe hiện đại rộng hơn 60.000m2, tuy nhiên, sau khi diện tích trên được giao về cho UBND quận Long Biên quản lý, quy hoạch bãi đỗ xe ở đây được điều chỉnh một phần diện tích thành Trung tâm thương mại Savico MegaMall với 2 tòa nhà cao 3 tầng; lô đất C3 - tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Cầu Giấy), được quy hoạch làm bãi đỗ xe cao tầng, kết hợp với văn phòng, nay trở thành dự án khu nhà ở, dịch vụ thương mại Golden Palace…
Tiếp đó, trong kế hoạch phát triển GTVT giai đoạn 2011 - 2015, thành phố Hà Nội còn lập bổ sung danh mục xây dựng 50 bãi đỗ xe, trong đó có 24 bãi đã được lập dự án, trong đó có ô đất 353 m2 tại số 181 Đê La Thành, ô đất 1.827 ha làm bãi đỗ xe Kim Ngưu… sẽ được hoàn thành trong các năm 2013 - 2014. Tuy nhiên đến nay hầu hết các dự án bãi đỗ xe này đều chết yểu hoặc bị chuyển đổi mục đích sử dụng.
Lý giải về việc được giao ô đất 353 m2 tại số 181 Đê La Thành để làm bãi đỗ xe và phải hoàn thành trong năm 2014 nhưng đến nay vị trí này đang trở thành nhà chuỗi hàng Lã Vọng, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Cty TNHH MTV Môi trường và Đô thị Hà Nội - đơn vị được giao là nhà đầu tư, cho rằng, sau khi dự án được xác định, thành phố lại có chủ trương điều chỉnh dừng lại để thực hiện dự án đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục. Trong thời gian ô đất nằm chờ chủ trương mới, đơn vị quản lý đã cho thuê làm dịch vụ thương mại. Là đơn vị được thành phố giao làm chủ đầu tư tới hơn 10 dự án bãi đỗ xe theo quy hoạch 165, nhưng đến nay Cty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội mới đưa vào sử dụng 7 dự án, các dự án còn lại không thể về đúng đích. Đại diện Cty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho rằng, do vướng công tác giải phóng mặt bằng từ các địa phương và cơ chế xây dựng, đầu tư cho lĩnh vực này chưa có nên các dự án còn lại chưa thành hiện thực.
Là cơ quan được thành phố Hà Nội giao chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát xây dựng, phát triển mạng lưới các bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố, trong đó có quy hoạch 165, trao đổi với PV Tiền Phong đại diện lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội thừa nhận, xây dựng điểm, bãi đỗ xe theo quy hoạch 165 vừa qua đã bị phá vỡ. Đại diện lãnh đạo Sở cho rằng, nguyên nhân do một phần các đơn vị được giao thực hiện triển khai chưa tốt dẫn đến một số dự án đã đi chệch mục tiêu (?!)
Tạo cơ chế “cú hích” để giảm tải
Trước thực trạng thành phố ra quân giành lại vỉa hè, lòng đường khiến người dân rối loạn vì thiếu điểm đỗ xe, lãnh đạo thành phố Hà Nội vừa đã họp với các sở ngành và đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có các giải pháp ngắn hạn, dài hạn. Cụ thể, với giải pháp dài hạn, để “sửa sai” quy hoạch 165, lãnh đạo UBND thành phố đã giao Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội phối hợp với Sở GTVT và các đơn vị chức năng rà soát quy hoạch cũ, lập Quy hoạch hệ thống bến xe, bãi đỗ xe Hà Nội mới đến năm 2030 - tầm nhìn 2050. Để có một bản quy hoạch chi tiết phù hợp với nhu cầu thực tế, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội đã phối hợp với Sở GTVT, tổ chức hội thảo, lấy ý kiến của 30 quận, huyện, thị xã, các nhà khoa học, giới chuyên gia để thống nhất nội dung báo cáo thành phố Hà Nội xem xét phê duyệt. Đại diện Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho biết, bản quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh 2030 - tầm nhìn 2050, có rất nhiều điểm nổi bật có thể giải quyết vấn đề quá tải hạ tầng giao thông đang diễn ra nghiêm trọng những năm gần đây, có khả năng kết nối với hệ thống giao thông công cộng đưa vào khai thác trước năm 2020.
Với giải pháp ngắn hạn, lãnh đạo thành phố Hà Nội giao Sở GTVT rà soát lại, chỉ rõ vì sao quy hoạch 165 không đi đúng mục tiêu; giao Sở QH-KT, KH-ĐT xây dựng phương án, cơ chế xây dựng các bãi đỗ xe mang tính cấp bách, trong đó có 5 dự án bãi đỗ xe ngầm thành phố đã có chủ trương triển khai ngay trong thời gian tới.
Về chính sách, cơ chế mới, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Đức Hoạt, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội cho biết, liên ngành đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho triển khai các dự án bãi đỗ xe ngầm, nổi theo cơ chế đặc thù. Riêng cơ chế, ông Hoạt cho hay, đây là điều kiện có tính quyết định để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào bãi đỗ xe. Theo đó, hiện liên ngành đã thống nhất được 3 phương án tạo cơ chế cho nhà đầu tư, như doanh nghiệp được sở hữu hoặc bán tới 30% diện tích bãi đỗ xe xây dựng được; thu phí trông giữ xe được chuyển từ cơ chế phí sang giá giá thị trường; được miễn giảm thuế sử dụng đất trong thời gian tương ứng… “Đây là những cơ chế thành phố đã cho chủ trương để liên ngành xây dựng và đang từng bước hoàn thiện để triển khai sớm nhất. So với trước, đây là cơ chế thuận lợi nhất giúp doanh nghiệp sớm thu hồi vốn đầu tư”, ông Hoạt nói.
Kỳ cuối: Đại diện TP Hà Nội nói gì về gần 5 triệu phương tiện “khát” điểm đỗ.