Quy chuẩn sữa học đường: Địa phương, doanh nghiệp cùng lúng túng

Trẻ em hưởng lợi từ Chương trình Sữa học đường. Ảnh minh họa
Trẻ em hưởng lợi từ Chương trình Sữa học đường. Ảnh minh họa
TP - Năm học mới đang tới gần, nhiều tỉnh thành đang chuẩn bị đấu thầu sữa học đường nhưng không biết xây dựng tiêu chuẩn sữa như thế nào bởi sau 3 năm phê duyệt Chương trình Sữa học đường, vẫn chưa có Thông tư quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình.

Từ tháng 7/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Trong đó quy định về trách nhiệm của Bộ Y tế là “Xây dựng và ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, định mức, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Đến tháng 9/2016, Bộ Y tế ban hành Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường. Trong đó, Bộ Y tế giao Viện Dinh dưỡng chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thực phẩm và các đơn vị liên quan tiến hành nghiên cứu, tổng hợp nhu cầu vitamin, khoáng chất ở trẻ Việt Nam và quy định của quốc tế, đề xuất bổ sung vào sữa dùng cho Chương trình Sữa học đường phù hợp với các nhóm đối tượng trẻ em mẫu giáo, tiểu học.

Nhưng đến ngày 6/7/2017, Viện Dinh dưỡng Quốc gia mới có báo cáo kỹ thuật đề nghị tăng cường ít nhất 5 vi chất bắt buộc và 16 vi chất không bắt buộc vào sữa học đường.

Kéo dài thêm gần 1 năm, đến tháng 4/2018, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế mới đăng tải công khai trên website về Dự thảo Thông tư Quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.

Từ đó đến nay, đã có nhiều hội thảo góp ý về quy chuẩn đối với sữa tươi tham gia chương trình sữa học đường. Mới nhất là vào giữa tháng 6 vừa qua, Bộ Y tế chủ trì cuộc họp góp ý dự thảo quy định này. Sau đó, Bộ này tiếp tục ban hành Dự thảo ngày 9/7 của Thông tư quy định đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 và đề nghị các doanh nghiệp liên quan góp ý trước ngày 12/7.

Thế nhưng đến thời điểm này, cũng hơn 3 năm tính từ thời điểm Thủ tướng phê duyệt chương trình sữa học đường, trải nhiều cuộc họp nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin khi nào thông tư này sẽ được ký ban hành.

Bộ vẫn đang xem xét

Sốt ruột trước sự chậm trễ của Bộ Y tế, ngày 2/8, PGS. TS Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam đã gửi công văn đến ông Trương Quốc Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Thông tư quy định đối với các sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020”.

Nội dung công văn nêu mong mỏi Bộ Y tế nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để ban hành chính thức Thông tư quy định đối với các sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020” trong thời gian sớm nhất để giúp các địa phương và doanh nghiệp triển khai hiệu quả Chương trình Sữa học đường.

“Trong khi năm học mới 2019 - 2020 lại sắp đến, việc triển khai Chương trình Sữa học đường tại các địa phương sẽ thuận lợi hơn nếu Thông tư nói trên được ban hành vì đây là một trong những căn cứ pháp lý để các doanh nghiệp, các địa phương triển khai các gói thầu. Giúp việc tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch, giám sát trách nhiệm của đơn vị cung ứng sữa”, ông Trung nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Bộ Y tế cho biết, sau buổi họp với đại diện các doanh nghiệp sữa, Bộ đã có nhiều động thái tích cực để hoàn thiện Thông tư. Do còn nhiều ý kiến nên phải báo cáo Bộ trưởng, dự kiến trong tuần tới Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ có buổi họp nghe các đơn vị báo cáo và Bộ trưởng sẽ cho ý kiến. Theo vị này, quan điểm chỉ đạo của Bộ là cố gắng hoàn thành ở mức cao nhất.

Năm học mới sắp tới, nhiều tỉnh thành đang chuẩn bị đấu thầu sữa học đường nhưng không biết xây dựng tiêu chuẩn sữa như thế nào vì thiếu tiêu chuẩn thống nhất. Nhiều địa phương, doanh nghiệp muốn triển khai phải phát văn bản hỏi khắp nơi nhưng vẫn không biết xây dựng tiêu chuẩn sữa căn cứ theo quy định nào.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.