Quý 'bừa' xây trường từ thiện

Quý 'bừa' xây trường từ thiện
TP - Một nhóm từ thiện quyên góp được hơn 200 triệu, hỏi nhau, làm gì cho thiết thực? Nhà báo đàn anh khuyên: đưa cho Quý "bừa" nhờ xây một cái trường cho trẻ em vùng núi. Số tiền ấy thuê thợ sẽ thiếu nhưng Quý luôn xây theo "giá từ thiện" nên sẽ ổn.

200 triệu xây trường giá 300 triệu

Tính đến thời điểm hiện tại, Quý đã xây được khoảng hơn 60 ngôi trường và nhà bán trú cho trẻ em vùng cao với toàn vốn từ thiện do anh và bạn bè, đối tác quyên góp được.

Sinh năm 1972, từng có một thời gian dài làm trong công ty xây dựng nhà nước, Quý bảo trong giấc mơ cũng bị hoa hồng, lót tay, quy tắc ngầm… ám ảnh. Sau đó bỏ việc. Rảnh, tham gia các hoạt động từ thiện, chém gió phần phật trên các diễn đàn với nick "Bừa", từng rất lừng lẫy trên Webtretho.

Năm 2013, trong một chuyến chở đồ từ thiện cho các em học sinh trường Trung Lý (bản Táo, xã Trung Lý, Mường Lát, Thanh Hóa) lần đầu Quý và bạn bè được chứng kiến công cuộc "tìm chữ" của con em dân tộc cỡ nào khó khăn. Các em học sinh hầu hết đều là người dân tộc thiểu số Mông, Thái, Mường, Dao, nhà nghèo lại ở rất xa trường, có em ở xa nhất tới 45km đường núi, nên hầu hết đều phải ở bán trú, cuối tuần mới về nhà.

Cái gọi là nhà bán trú chỉ được dựng bằng tre nứa tạm bợ, hè không chắn được gió Lào, đông không ngăn được sương muối. Thức ăn hàng ngày của các em chủ yếu là rau rừng nấu muối, thỉnh thoảng được cải thiện bằng thịt chuột tự săn.

Bạn cùng đoàn khi ấy bảo Quý: ông làm xây dựng, hay ông nghĩ cách xây cho chúng nó cái nhà bán trú. Quý khảo sát sơ sơ, tính chi phí mất khoảng 430 triệu.

Lần ấy về, nhóm từ thiện lập một topic "Trái tim Trung Lý" để quyên góp. Đợt đầu được 200 triệu, Quý thay mặt anh em đi xây trường.

Bắt tay vào mới thấy xây nhà trên núi việc gì cũng khó. Dốc núi quanh co, gần như dựng đứng, xe chở tôn vào gần đến nơi thì gãy cầu. Tự Quý lái một xe tải chở gạch từ Hà Nội vào để tiết kiệm chi phí cũng bị gãy cầu ở đèo Cổng Trời. Những clip đường đi "thót tim" Quý đưa lên diễn đàn để báo cáo tiến độ rất thật những có người xem xong lại mắng: anh đừng dựng hình ảnh để kêu gọi!

Rất may, bà con dân tộc và các thầy cô giáo nghe tin đội xây dựng gặp khó đã tự nguyện dùng sức mình để vận chuyển từng viên gạch, từng bao xi măng lên chỗ xây dựng. Đoàn thanh niên cũng giúp đỡ phát cây làm đường và đào móng công trình.

Qua mấy tháng, tiền hỗ trợ đã cán mốc 670 triệu, đội của Quý quyết định xây thêm: từ bốn căn phòng bán trú, làm thêm bếp, nhà vệ sinh, bể nước và cả sân chơi. Đêm bàn giao thi công, căn nhà mới được thắp điện rực lên giữa rừng xanh núi thẳm. Quý ngồi nhìn ứa nước mắt.

Càng làm, có kinh nghiệm, Quý tận dụng được lực lượng nhân công địa phương, cộng với nguyên tắc không bao giờ cắt xén nguyên vật liệu và mất chi phí vào những thứ "ngoài xây dựng" khiến anh có thể làm ra những ngôi trường 200 triệu nhưng trị giá 300 triệu. Từ việc tự đứng lên kêu gọi tiền xây trường, nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến Quý nhờ anh "mang tiền đi xây lớp cho học trò vùng cao". Hiện, những cộng sự quen thuộc của Quý có nhà báo Trần Đăng Tuấn (chủ quỹ "Cơm có thịt"), quỹ khuyến học của Vinschool, nhà báo Trần Thu Trang (báo Phụ nữ TPHCM)...

Quý 'bừa' xây trường từ thiện ảnh 1

Tranh của Nguyễn Văn Hổ.

Cho tất cả bạn facebook làm kiểm toán

Một trong những lý do khiến người ta tin tưởng giao tiền cho Phạm Đình Quý xây trường từ thiện là vì anh luôn công khai mọi khoản chi phí.

Thông thường, Quý sẽ đưa tiền cho thầy cô giáo trong trường tự đi mua nguyên vật liệu. Hôm nay mua gì, giá như thế nào đều được công khai con số trên facebook. Hôm nay ai đóng góp bao nhiêu tiền cũng được Quý cập nhật thường xuyên trong trang cá nhân. Giá cả thuê nhân công xây dựng được thống nhất với trưởng bản để thuê luôn thợ người địa phương nhằm tiết kiệm chi phí.

Một trong những lý do khiến người ta tin tưởng giao tiền cho Phạm Đình Quý xây trường từ thiện là vì anh luôn công khai mọi khoản chi phí.

Nguyên tắc làm việc của đội xây Quý "bừa" là cứ mỗi tuần hai lần, người giám sát thi công phải đưa thông số, tiến độ lên facebook để mọi người kiểm tra chéo. Có trường hợp người ta phải đi mười cây số đến đồn biên phòng mới có sóng để đưa một vài báo cáo hình ảnh.

Tôi hỏi Quý, có dám công khai giá xây dựng không, anh bảo: vẫn công khai thường xuyên. Nếu dựng nhà khung sắt thì chi phí trung bình từ 1,3-1,7 triệu đồng/m2 cộng với khoảng 500.000đ/m2 nền. Nếu dựng nhà gạch thì 2,3-2,5 triệu đồng/m2. Trong mọi trường hợp Quý thường khuyên mọi người xây nhà gạch vì có thể bền đến 40 năm, nhà sắt chỉ được cái nhanh, gọn nhưng độ bền kém nhiều. Vả lại, tốc độ thi công nhà gạch của Quý hiện nay cũng chỉ loanh quanh 2-3 tháng/một công trình. Có đội từ thiện nhờ anh "xây gấp" một ngôi trường, anh xây trong 1,5 tháng, họ lại hốt hoảng: chậm tí đã, chờ quyên góp thêm!

Một câu hỏi nữa cũng rất nhiều người thắc mắc: Quý xây trường từ thiện như vậy có công hay không công? Câu trả lời nhất quán là: tiền khảo sát (thường mất từ 1-3 triệu mỗi điểm trường) hầu như không công. Tiền bản vẽ, giám sát, quản lý v.v… tất cả gộp lại Quý tính công mình bằng công một thợ xây. Trong trường hợp quản lý nhiều điểm xây dựng, Quý chỉ tính công mình bằng nửa công thợ xây. Không hơn!

Quý 'bừa' xây trường từ thiện ảnh 2

Người dân giúp cõng gạch, đá lên núi xây trường cho học sinh.

Càng khó càng phải làm tốt

Danh tiếng "chuyên xây trường từ thiện" của Quý đã lan ở khắp các vùng miền núi phía bắc. Có trường hợp, như trường mầm non Khâu Bút - Cao Thượng - Bắc Kạn bị sập, người dân tranh thủ sửa chữa lại cho các con, không may trong quá trình sửa chữa có 5 người bị thương trong đó có 3 người phải nhập viện. Cô hiệu phó Nguyễn Thị Ly đã chủ động điện thoại cho anh “xin anh kêu gọi ủng hộ xây cho các cháu...”.

Quý đưa tin, hình ảnh công khai trên facebook, kèm theo những con số rất cụ thể giống hệt một dự án xây dựng. Và chỉ bằng uy tín cá nhân của mình, Quý quyên đủ số tiền xây trường Khâu Bút. Cô Ly viết: "Điều không thể đã thành điều có thể khi có bàn tay giúp đỡ của anh Quý và các nhà hảo tâm. Hiện tại, cô và trò đã có lớp học mới. Mùa đông này các em học sinh đã tránh được cái rét cắt da đâm thịt, tránh được các cơn mưa phùn gió bấc của vùng cao. Lần đầu tiên các em được học trong một lớp học xây, có nhà vệ sinh sạch sẽ”.

Trong quá trình đi xây trường, có những lần Quý đã từ chối vài đối tác chỉ vì họ muốn xây cho chỗ "đã có rồi". Theo ý kiến của anh, nên ưu tiên cho vùng sâu vùng xa vì thực sự những nơi đó quá khó khăn. Càng ở sâu, xa, điều kiện đường sá càng khắc nghiệt nhưng Quý chưa từng từ chối bất cứ đề nghị nào. Quý bảo nhớ mãi lần phải xây một lớp học ở Mèo Vạc. Vì lớp học này bé thôi nhưng nó lại là công trình có thử thách cao nhất. Nhớ hôm đến khảo sát công trình, mọi người trên xe đều bảo rằng “khó lắm Quý ơi, nhìn nhà dân đều bằng tre nứa chứ có nhà gạch nào đâu...” nhưng Quý vẫn kiên định phải làm. Và chỉ sau 1,5 tháng thi công, công trình xong sớm hơn dự định.

Sắp tới, một dự án "vô cùng khó" ở Quảng Bình do nhà báo Trần Đăng Tuấn đề nghị cũng đang được Quý nghiên cứu thực thi. Bản ấy chưa có đường vào, muốn vận chuyển bất cứ thứ gì cũng đều rất khó khăn. Trẻ con không có lớp học, dân tình sống biệt lập và ước mơ "to" nhất của họ là đi ra được đến Đồng Hới. Quý dự định chỉ đưa thợ vận chuyển xi măng vào và dùng xi măng với cát vàng ven suối để đóng gạch, phơi, xây tại chỗ. Danh hiệu mới của Quý, được các nhà hảo tâm truyền nhau là: xây trường từ thiện rẻ nhất, tốt nhất, và ở những chỗ khó nhất mà chắc chắn thợ xây thường sẽ từ chối!

Phượt thủ có số má

Facebook của Phạm Đình Quý có một lượng lớn các phượt thủ theo dõi. Đơn giản vì kinh nghiệm sinh tồn ở vùng núi của anh rất phong phú, và được cập nhật thường xuyên.

Ví dụ mới nhất: Quý đi khảo sát ở Quảng Ngãi, dọc đường về gặp lở đất, không tiến không lùi được. Kiếm mãi trên xe có ít gạo đỏ dân cho, cùng với một cái cốc pha trà cơ động. Anh cho gạo, nước vào cốc, cắm điện vào đầu sạc ô tô và mất hơn một tiếng đồng hồ để chờ cơm chín. Không có thìa, Quý chạy ra ven đường kiếm hai que keo gọt thành đũa, thế là xong bữa. Nhiều người xem clip xong phản hồi: đáng lẽ đi xa thì luôn phải có thùng mì tôm và gói lương khô trong cốp! Quý trả lời: cũng có nhưng cứ gặp trẻ con là lại lôi ra cho chúng nó, có mỗi gạo là không cho được nên còn.

Tôi hỏi Quý cứ lọ mọ miền núi suốt như thế vợ con ý kiến gì? Anh cười: vợ còn chả gặp được mà ý kiến! Con gái út của anh đã sang Áo du học, con trai cũng sắp sang. Vợ Quý làm y tá tại Viện C, "là người đơn giản" nên mới thông cảm được với ông chồng suốt ngày đánh võng đường núi, nói chuyện gì cũng quy ra xây được mấy cái trường cho trẻ em.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.