Quốc hội thảo luận tại tổ Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi

0:00 / 0:00
0:00
Thảo luận tại tổ Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi chiều 2/11, các Đại biểu Quốc hội đánh giá cao những quy định đột phá của được đưa vào dự luật theo tinh thần của Nghị quyết 28. Nhiều vấn đề như mức lương hưu, hay phương án hưởng BHXH một lần cũng được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận.

Tăng quyền lợi BHXH tự nguyện

Tán thành với 3 quan điểm, 5 mục tiêu và 11 nội dung lớn trong Tờ trình Dự án Luật BHXH sửa đổi, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) nhận định, Dự Luật lần này đã có nhiều quy định mang tính đột phá, bám sát Nghị quyết 28 của Trung ương. Dự luật bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội và quy định giảm độ tuổi hưởng trợ cấp từ 80 tuổi xuống 75 tuổi. Theo đại biểu, cần xây dựng lộ trình để tiếp tục giảm dần tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xuống thấp hơn nữa.

Liên quan đến những chính sách hỗ trợ BHXH tự nguyện được quy định trong Dự thảo luật, Đại biểu Bình cho biết, qua tiếp xúc cử tri cho thấy nhân dân rất mong muốn được nhà nước hỗ trợ cho người tham gia BHXH nói chung chứ không chỉ riêng BHXH tự nguyện. Đại biểu cũng đặt vấn đề tại sao cơ quan soạn thảo không đưa bảo hiểm dành cho trẻ em vào Dự thảo luật?

Quốc hội thảo luận tại tổ Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi ảnh 1

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ Dự án Luật BHXH sửa đổi.

Nhất trí với đề xuất điều chỉnh điều kiện hưởng lương hưu theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu xuống còn 15 năm, tuy nhiên, Đại biểu Võ Mạnh Sơn (đoàn Thanh Hóa) cho rằng: Do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH, nên việc giảm năm đóng sẽ có nhiều người nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp. Đồng thời, Dự luật cũng bỏ quy định về mức lương hưu tối thiểu. Đại biểu cho rằng, đây là điều mà nhiều người lao động đang băn khoăn, vì lo ngại lương hưu quá thấp, không có mức sàn đảm bảo cuộc sống.

Giải trình thêm về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội cũng như giải đáp những thắc mắc của đại biểu tại tổ, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) Phạm Trường Giang cho biết, một trong những mục tiêu sửa luật lần này là tăng bao phủ BHXH. Theo kinh nghiệm quốc tế, muốn mở rộng diện bao phủ BHXH phải kết hợp hài hòa hai hình thức tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.

"Ngoài những đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, người lao động khu vực phi chính thức khó tham gia BHXH hơn, nhà nước phải hỗ trợ để họ tham gia BHXH tự nguyện", ông Giang giải trình. Về mức đóng 22% lương áp dụng với BHXH tự nguyện, theo ông, đây là tỷ lệ được thiết kế tương ứng với nhóm lao động đóng BHXH bắt buộc.

Về việc bổ sung chế độ thai sản với đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ở mức 2 triệu đồng/lần sinh con. Vụ trưởng BHXH cho biết, người tham gia BHXH bắt buộc phải đóng góp mới được hưởng chế độ này, còn mức 2 triệu đồng áp dụng với người tham gia BHXH tự nguyện là khoản hỗ trợ không qua đóng góp. Sở dĩ Nhà nước có nhiều chế độ hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện vì khảo sát chung cho thấy, 70% người tham gia BHXH tự nguyện tiệm cận thu nhập chuẩn nghèo. Nếu tăng mức đóng góp thêm nữa họ sẽ rơi vào cận nghèo. Chính vì vậy, chế độ thai sản được hỗ trợ là để khuyến khích người lao động tham gia BHXH tự nguyện.

Về ý kiến giảm năm đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm có lương hưu, sẽ dẫn tới mức lương hưu thấp, ông Giang cho biết, giai đoạn 2016-2022, có 300.000 lượt lao động đã rút BHXH vì không đủ 20 năm đóng BHXH. Giảm điều kiện thời gian đóng thì nhóm lao động này có cơ hội được nhận lương hưu, dù mức lương thấp còn hơn không có lương hưu, chỉ nhận mức trợ cấp 360.000 đồng/tháng khi 80 tuổi trở lên. Cùng với việc được hưởng lương hưu, những lao động này còn có bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe khi tuổi già.

Nói thêm về độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, theo lộ trình, trước mắt sẽ giảm từ 80 tuổi xuống 75 tuổi, sau đó sẽ tiếp tục xây dựng lộ trình để giảm tiếp. Còn mức hưởng, Chính phủ đề xuất quy định linh hoạt, tùy vào tình hình kinh tế - xã hội từng thời kì.

Đối với ý kiến về việc chưa đưa bảo hiểm dành cho trẻ em vào dự thảo Luật, Bộ trưởng cho biết, hiện nhà nước đang có rất nhiều chính sách hỗ trợ dành riêng cho trẻ em. Trước mắt dù Chính phủ chưa đưa vào Luật, nhưng tất cả những chính sách hỗ trợ trẻ em đều được đảm bảo.

Băn khoăn với 2 phương án hưởng BHXH một lần

Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm nhiều nhất của các đại biểu tại phiên thảo luận tổ là 2 phương án hưởng BHXH một lần do Chính phủ trình.

Về vấn đề hưởng BHXH một lần, Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho rằng, người đóng BHXH muốn được rút tiền ngay khi mất việc, để giải quyết những nhu cầu tài chính trước mắt; còn Nhà nước lại muốn bảo vệ lâu dài cho người lao động, nhất là khi họ hết tuổi lao động, già yếu, không còn thu nhập nữa.

Đại biểu Yên nêu quan điểm, tiền đóng BHXH trên thực tế là để dưỡng già và gắn với bảo hiểm y tế, nên ưu tiên chọn phương án 2, vừa đảm bảo quyền hưởng BHXH một lần, vừa có phần bảo lưu cho hưu trí.

Về mức rút BHXH, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nêu quan điểm, phương án 2 đưa ra sẽ cho người lao động rút 50% và giữ lại 50%. Tuy nhiên, cơ sở nào để rút 50%, bởi điều này phải căn cứ vào khả năng đóng và rút.

"Với phần chủ sử dụng lao động đóng cho người lao động dù vẫn là của người lao động nhưng phải để lại, sau này đóng tiếp nhằm có lương hưu. Ví dụ, cơ cấu đóng Quỹ BHXH là 25,5%, trong đó, 8% là người lao động đóng còn 17,5% là doanh nghiệp đóng. Với 18% thì có 3% là ốm đau, thai sản, 0,5% là ốm tai nạn, 14% là chế độ hưu trí, tử tuất. Vậy tôi nghĩ nên để lại 14% mà doanh nghiệp đóng cho người lao động để giữ lâu dài, còn lại 11,5% thì người lao động muốn rút ra sẽ được rút. Nếu như vậy sẽ tương ứng được rút ra khoảng gần 46% còn 54% để lại”, ông Phớc nói thêm.

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.