Phó Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề Xã hội Lương Phan Cừ:

Quốc hội phải tăng cường tranh luận

Quốc hội phải tăng cường tranh luận
TP - Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Lương Phan Cừ, người gần 30 năm làm việc tại Văn phòng Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, về những yêu cầu để Quốc hội hoạt động hiệu quả hơn.  
Quốc hội phải tăng cường tranh luận ảnh 1
Phó Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề Xã hội Lương Phan Cừ

Thưa ông, tại sao nhiều luật của chúng ta ban hành trong một thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung?

Phải khẳng định rằng, thời gian qua, chúng ta có bước tiến dài trong việc xây dựng pháp luật. Một khối lượng rất lớn các đạo luật đã được Quốc hội thông qua.

Tuy nhiên, do chúng ta đang chuyển từ cơ chế cũ sang cơ chế thị trường. Chúng ta chưa hiểu hết cơ chế mới nên, trong quá trình vận hành, phải thay đổi.

Nhưng luật là phải ổn định, càng ổn định lâu càng tốt. Bởi khi luật đã trở thành thói quen của mỗi người thì dễ dàng đi vào cuộc sống. Chứ nay đổi, mai đổi thì không trở thành thói quen được.

Nguyên nhân có thể do bên soạn thảo còn chưa kỹ, cơ quan thẩm tra làm chưa sâu, thảo luận chưa chín. Từ dự thảo ban đầu đến bản trình ra Quốc hội đã phải thay đổi rất nhiều. Điều này chứng tỏ sự chuẩn bị của bên Chính phủ chưa tốt.

Do đòi hỏi công tác quản lý cần có hệ thống pháp luật điều chỉnh, Chính phủ phải trình và thuyết phục Quốc hội sự cần thiết của dự án luật. Tuy nhiên, những vấn đề đưa lên luật pháp là rất phức tạp, cần phải tranh luận trên nhiều góc độ thì mới ra được cái đúng.

Nhiều nước, nghị sỹ quốc hội là chuyên nghiệp, còn ở ta có đại biểu vừa quen việc, thành thạo hoạt động tại nghị trường thì hết nhiệm kỳ và lại có người mới vào, bắt đầu tìm hiểu hoạt động quốc hội từ đầu. Phải chăng chính điều này làm hạn chế sự tham gia của các đại biểu?

Cái này chúng ta cũng phải suy nghĩ. Tất nhiên là hai thể chế khác nhau, chúng ta không thể áp theo họ. Nhưng nếu chúng ta không có sự kế thừa, sẽ bỏ phí một nguồn chất xám đã tích lũy từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác.

Từ dự thảo ban đầu đến bản trình ra Quốc hội đã phải thay đổi rất nhiều. Điều này chứng tỏ sự chuẩn bị của bên Chính phủ chưa tốt.

Tại sao chúng ta chưa đặt vấn đề quốc hội chuyên nghiệp? Bởi ở ta Quốc hội là thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân nên, trong Quốc hội, cơ cấu đại biểu phải có đại diện của đầy đủ các tầng lớp. Chúng ta chỉ có thể tăng số đại biểu chuyên trách để làm nòng cốt, nhưng quan trọng là làm sao phát huy được trí tuệ của gần 500 đại biểu.

Ở các nước, trong thượng viện, cứ hai năm, lại bầu bổ sung 1/3 đại biểu. Làm sao để các đại biểu có bề dầy, làm trụ và giúp các đại biểu mới tiếp cận và tích lũy dần.

Ông có nói đến việc phải có các thành phần trong Quốc hội để nắm bắt hết được tâm tư, nguyện vọng của cử tri nhưng đại biểu Nguyễn Lân Dũng khi phát biểu tại tổ mới đây cho biết, cử tri băn khoăn tại sao đi tiếp xúc đại biểu quốc hội lại phải yêu cầu có giấy mời, việc gặp được đại biểu quốc hội không dễ. Vậy theo ông đại biểu quốc hội đã thực sự gắn mình với cử tri?

Tiếp xúc cử tri chỉ là một kênh, còn đại biểu có rất nhiều nguồn thông tin để nắm được vấn đề. Các đại biểu phải giương ăngten để thu nhận tất cả các kênh thông tin, sau đó, qua tư duy, kiến thức của mình để phân tích tất cả những ý kiến để góp ý vào các đạo luật.

Các nhóm cử tri là ý kiến khác nhau, do vậy, phải có sự tranh luận. Thực tế hiện nay, kể cả đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng không thể nào tiêu hóa hết hàng chồng tài liệu của các dự án luật.

Do vậy, phải có sự tham khảo từ các chuyên gia. Tất nhiên, để tổ chức tiếp xúc cử tri có hiệu quả hơn thì Đảng đoàn Quốc hội đang có đề án để thúc đẩy việc này tốt hơn. Chúng tôi vẫn thường xuyên tiếp xúc với dân, cả những bà con có khiếu kiện.

Giám sát khó có hiệu quả ngay

Một chức năng quan trọng của Quốc hội là công tác giám sát. Tuy nhiên, qua thảo luận, nhiều đại biểu cũng băn khoăn về hiệu quả của hoạt động này?

Chúng ta phải nhìn nhận tổng quan là chất lượng giám sát ngày càng tốt hơn. Giám sát đã thúc đẩy Chính phủ xử lý vấn đề tốt hơn.

Quốc hội phải tăng cường tranh luận ảnh 2   Chúng ta băn khoăn, chưa thấy thỏa mãn về con số bội chi ngân sách, tỷ lệ giải quyết việc làm hàng năm Quốc hội phải tăng cường tranh luận ảnh 3

Không nên coi giám sát Quốc hội là một vụ việc cụ thể mà đây là một chính sách lớn, rất phức tạp. Chúng ta đang lẫn hoạt động giám sát với một cuộc mang tính khảo sát, thu thập thông tin để giám sát.

Một đoàn đại biểu Quốc hội về cơ sở chẳng qua là đi thu thập thông tin. Thông tin từ các đoàn, kết hợp với các tài liệu, nghiên cứu khác, đoàn giám sát phải kết luận được vấn đề.

Phải xác định rõ: Chính phủ đã thực hiện tốt chưa, khiếm khuyết là gì? Nếu chưa tốt, Quốc hội có thể ra nghị quyết. Điều này là rất khó, bởi Quốc hội chỉ giám sát tối cao.

Để thực hiện tốt, đòi hỏi chúng ta phải có thời gian. Nếu gấp gáp quá thì, đúng như một số đại biểu nói, chúng ta đang cưỡi ngựa xem hoa.

Vừa qua Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng, chống tham nhũng, nhưng cử tri băn khoăn tại sao sau giám sát tình hình chưa có chuyển biến nhiều.

Tại sao Quốc hội không có biện pháp quyết liệt hơn nếu công tác vệ sinh  an toàn thực phẩm không có chuyển biến?

Chúng ta phải thấy giám sát là xem Chính phủ đã làm theo quy định trong luật pháp chưa. Anh đã làm theo quy định thì coi như hoàn thành nhiệm vụ.

Luật pháp chưa hoàn thiện thì phải sửa chứ không thể kỷ luật một ông nào đó. Ngoài ra, chúng ta không nên kỳ vọng sau giám sát là hiệu quả ngay lập tức được.

Đây là cả một vấn đề lớn, trên cơ sở kiến nghị của Quốc hội, Chính phủ phải có cơ chế, tổ chức lại, chứ không phải là một vụ việc, kiến nghị xử lý ngay được cán bộ có sai phạm. 

Về việc giám sát lời hứa của bộ trưởng trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) cho rằng, một số lời hứa không được thực hiện. Ông nghĩ  sao về vấn đề này?

Lời hứa của bộ trưởng trước Quốc hội, trước cử tri là cam kết chính trị của vị bộ trưởng đó trước nhân dân. Nếu anh không chịu trách nhiệm về lời hứa của mình thì anh mất uy tín trước đại biểu quốc hội, trước cử tri. Nếu tôi thấy anh hứa mà không thực hiện thì sau này đại biểu quốc hội không bầu anh nữa.

Còn bộ trưởng hứa rồi không làm mà một Ủy ban nào đó của Quốc hội đưa ra lấy phiếu tín nhiệm là không phải bởi, về mặt luật pháp, lời hứa chỉ là cam kết chính trị.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng có đề cập đến việc giám sát phải gần với lòng dân bởi, nhiều nơi, nhân dân vẫn còn bức xúc, khiếu kiện. Ông có nghĩ Quốc hội nên giám sát xem lòng dân đang nghĩ gì?

Trong Hiến pháp, chúng ta có điều khoản quy định trưng cầu ý kiến nhân dân. Nhưng luật về trưng cầu ý kiến nhân dân chúng ta chưa làm được.

Tất nhiên khi đã trưng cầu ý kiến nhân dân là vấn đề rất lớn. Tuy nhiên, trong cuộc sống còn nhiều điều trăn trở. Là đại biểu quốc hội, chúng tôi cũng hết sức trăn trở với nhân dân.

Thấy dân còn khiếu kiện, ca thán đội ngũ cán bộ, đau lòng lắm. Nhưng làm sao để tất cả đội ngũ cán bộ cùng đồng lòng, mẫn cán phục vụ nhân dân là cả một cơ chế. Chúng ta phải sửa cơ chế để vừa kiểm soát được cán bộ, động viên khuyến khích được cán bộ làm tốt.

Khi lòng dân có phản ứng là chúng ta phải nghĩ ngay. Tại sao dân đi khiếu kiện đất đai nhiều như vậy. Có phần nguyên nhân là nhiều năm chúng ta bỏ lỏng quản lý, bây giờ mới khắc phục lại.

Phải tăng cường tranh luận

Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc đặt câu hỏi tại sao cử tri ngày càng ít quan tâm hơn đến hoạt động của Quốc hội. Ông có đồng tình với cách đặt vấn đề này?

Phải nhìn nhận là càng ngày Quốc hội càng được nhân dân quan tâm hơn. Chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, nhiều người bày tỏ rất háo hức trước mỗi kỳ họp Quốc hội.

Nhưng tôi cho rằng, Quốc hội phải đẩy thêm một bước nữa để nhân dân hiểu hơn được những vấn đề Quốc hội bàn thảo. Phải công khai, tăng cường truyền hình trực tiếp các phiên họp.

Trong Quốc hội phải tăng cường tranh luận. Chính phủ cũng cần tranh luận lại với đại biểu Quốc hội để thấy Chính phủ đã làm việc tốt thì kinh tế mới phát triển. Như vậy để nhân dân thấy có sự trao đi đổi lại làm rõ vấn đề. Chứ nhiều khi nhân dân không thấy Quốc hội tranh luận, thông tin không đến được với dân.

Phải nói cho dân thấy là Quốc hội quyết định những vấn đề lớn, tác động trong một thời gian dài. Hôm nay Quốc hội bàn nhưng có thể 20 - 30 năm sau mới thấy vấn đề trong cuộc sống như bàn về vấn đề đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La, Lai Châu.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng số liệu Chính phủ đưa ra là những con số đẹp nhưng dân ít quan tâm đến những con số đẹp này. Cái họ cần là một bức tranh tả chân, cuộc sống sẽ được cải thiện ra sao?

Số liệu đã có các cơ quan thẩm tra. Tất nhiên về mặt số liệu, đại biểu cũng còn băn khoăn. Chúng ta có Luật Thống kê, nhưng thống kê đó đã chính xác chưa? Chắc chắn tới đây Quốc hội sẽ có giám sát việc thực hiện Luật Thống kê.

Ủy ban về các Vấn đề Xã hội cũng rất băn khoăn con số giải quyết việc làm 1,6 triệu, 1,7 triệu người mỗi năm. Có nhiều phương pháp để tính những con số này. Yêu cầu là càng ngày những con số phải xác thực hơn. Quốc hội phải tin vào Chính phủ bởi bản thân Quốc hội không đi làm cụ thể được.

Chúng ta băn khoăn, chưa thấy thỏa mãn về con số bội chi ngân sách, tỷ lệ giải quyết việc làm hàng năm. Đại biểu phát biểu vậy để làm sao thúc đẩy Chính phủ có con số thuyết phục hơn.

Cám ơn ông.

Hà Nhân
Thực hiện

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Lời cảnh báo sau thảm họa Mike Tyson - Jake Paul
Lời cảnh báo sau thảm họa Mike Tyson - Jake Paul
TPO - Nghệ sĩ gạo cội Howard Stern cảnh báo Netflix có thể trả giá đắt nếu hai trận đấu quan trọng của Giải Bóng bầu dục quốc gia vào dịp Giáng sinh tái diễn sự cố lỗi phát sóng trực tuyến như trận so găng giữa Mike Tyson - Jake Paul.