Quốc hội bổ sung thẩm quyền cho Thủ tướng

Thủ tướng được Quốc hội giao thêm 2 thẩm quyền liên quan đến công tác nhân sự.
Thủ tướng được Quốc hội giao thêm 2 thẩm quyền liên quan đến công tác nhân sự.
Trên 87% đại biểu đã thông qua Điều 28 Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) trong đó có bổ sung 2 thẩm quyền cho Thủ tướng.

Sáng nay, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) với trên 83% đại biểu nhất trí. Trước khi thông qua toàn bộ dự thảo luật, các đại biểu cũng đã thông qua 3 điều còn ý kiến khác nhau: Điều 5 về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ; Điều 28 về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng và Điều 38 về thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng, Luật tổ chức chính phủ (sửa đổi) đã bổ sung 2 thẩm quyền: Trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, quyết định giao quyền bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo đề nghị của Bộ trưởng Nội vụ trong trường hợp khuyết bộ trưởng hoặc thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, quyết định giao quyền Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo đề nghị của Bộ trưởng Nội vụ trong trường hợp khuyết Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho hay, có ý kiến cho rằng dự thảo luật quy định Thủ tướng quản lý và điều hành toàn bộ hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương là chưa thể hiện tư tưởng phân cấp, phân quyền. Cũng có có ý kiến đề nghị nên phân cấp cho UBND cấp tỉnh thẩm quyền quyết định thành lập các cơ quan, tổ chức khác thuộc UBND cấp tỉnh.

Phản hồi những ý kiến trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy định của Hiến pháp, với vai trò là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng có nhiệm vụ “Lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương...”. Do đó, dự thảo luật quy định Thủ tướng có trách nhiệm quản lý và điều hành hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương là phù hợp với quy định nêu trên của Hiến pháp.

Liên quan đến quy định về thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ và các vụ, cục, tổng cục của bộ, cơ quan ngang bộ, người đứng đầu Ủy ban Pháp luật cho biết, nhiều ý kiến tán thành với việc quy định cụ thể số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong dự thảo luật. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị không quy định “cứng” vấn đề này. Có ý kiến đề nghị tăng số thứ trưởng của một số bộ nhưng cũng có ý kiến lại đề nghị giảm 1/3 số thứ trưởng…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để bảo đảm sự thống nhất và hạn chế việc bổ nhiệm quá nhiều cấp phó thì việc quy định rõ trong luật số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ là cần thiết. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thì việc tăng thêm sẽ do Thủ tướng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như quy định dự thảo luật.

Đó là số lượng thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6. Trong trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Luật Tổ chức chính phủ (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 19/6 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.

Cũng trong sáng 19/6, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, thay thế Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003. Một trong những điểm mới của luật là tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội và TP HCM từ 95 lên 105 để phù hợp với quy mô dân số, đặc điểm, tính chất của các đô thị lớn này.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG