Ngày 16/11, trao đổi với PV bên lề kỳ họp về đề xuất cho ở nhà làm việc thay vì đến cơ quan đã nêu ra trước đó, đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) lý giải, việc này cần thí điểm trước tiên tại TP HCM. Mục đích để tăng cường nguồn lực đầu tư, các vấn đề về trật tự an ninh, kể cả thí điểm liên quan đến điều kiện lao động, cách thức quản lý lao động.
Theo đại biểu, thời kỳ công nghệ 4.0 đặt ra vấn đề cách tiếp cận, quản lý lao động khác hơn trước kia rất nhiều. Ông Hiểu nhấn mạnh, việc áp dụng thí điểm không phải với tất cả, mà phải lựa chọn những ngành, nghề, những lĩnh vực và đối tượng lao động, từng cơ quan lao động cụ thể. Không đến cơ quan, người lao động có thể làm việc ở nhà, hoặc có thể ở nơi khác như quán cà phê, để họ có thể bàn thảo ra những sáng kiến rất hay, thay vì đến cơ quan với vẫn chỉ những đồng nghiệp cũ.
“Phải chọn lĩnh vực, chọn ngành nghề, nhất là lĩnh vực khoa học công nghệ, quản trị phần mềm, ngay cả lĩnh vực kinh doanh”, ông Hiểu nói và ví dụ như taxi truyền thống, quản lý lái xe bằng rất nhiều cách, nhưng nhìn lại thì hiệu quả không bằng Uber, Grab, họ chỉ quản lý đầu vào, sau đó họ người lao động hoàn toàn chủ động, nhưng doanh số, quản lý của họ lại rất chặt.
Đại biểu đang công tác tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, tính hiệu quả công việc đòi hỏi chính nhà quản lý phải đổi mới tư duy. “Chúng ta đừng nghĩ đến cơ quan là quản lý được họ về công việc. Ngay cả đến cơ quan cũng không quản lý được… Khi đánh giá thì lao động đều hoàn thành trở lên, rất hiếm khi có người không hoàn thành nhiệm vụ. Mặc dù chất lượng công việc ở hầu hết các cơ quan, khi thông tin về chỉ tiêu công việc đều 80%-90% đơn thư của dân chưa được giải quyết, nhiều công việc giải quyết chậm.
Theo đại biểu, đây là cách tiếp cận mới, TP HCM đang mong muốn thí điểm thành phố thông minh thì phải có cơ chế thông minh, quản lý người lao động thông minh. Có thể TPHCM thí điểm làm trước một thời gian và Hà Nội sẽ là nơi áp dụng tiếp theo.
“Tôi nghĩ rằng, ở góc độ của nhiều cơ quan, bây giờ vẫn có thể chủ động để cho thí điểm ở tại đơn vị mình được mà chúng ta không quan tâm quá nhiều đến giờ giấc và quản lý lao động. Tôi nghĩ rằng phải đổi mới quản lý và trên thế giới nhiều nước đã làm. Nhiều doanh nghiệp của mình đã làm thành công cho nên chả có lý do gì ở khu vực hành chính chúng ta không làm được”, ông Hiểu nói.
Theo đại biểu đoàn Hà Nội, những ngành nghề có thể thí điểm không cần đến cơ quan, như công chức viên chức làm ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học, quản trị phần mềm, xây dựng chương trình dự án, chính sách. Ngay cả các ĐBQH chuyên trách, cũng đừng bao giờ đặt ra việc quản lý thời gian, vì họ phải đi xuống cơ sở. Và hiệu quả cuối cùng là sau khi đi về thì ta xem là đại đại biểu phát hiện được vấn đề gì từ thực tiễn, để đưa vào chính sách, kể cả những cán bộ chính sách ở các bộ ngành cũng vậy.
“Rất nhiều chính sách của chúng ta hiện nay thiếu hơi thở cuộc sống, đã từng có câu “chính sách trên trời và cuộc đời dưới đất”, chính vì cán bộ công chức của chúng ta cứ loanh quanh với những đồng nghiệp cũ của mình mà thiếu hơi thở cuộc sống”, ông Hiểu cho hay.
Đại biểu đoàn Hà Nội cũng tỏ ra “thú vị”, khi có độc giả comment cho ông, nói rằng có thể chọn quán cà phê làm nơi làm việc hay câu chuyện “cà phê khởi nghiệp” hiện nay. “Rõ ràng không chỉ bó hẹp trong căn phòng làm việc mà có thể mở ở một không gian với nhiều người khác nhau…Một người có thể nêu quan điểm của mình trong một giờ ngồi với mọi người lại chính là nơi phát sinh những ý tưởng”, ông Hiểu lý giải.
Mặt khác, theo đại biểu, không đến cơ quan làm việc sẽ đỡ được nhiều chi phí, như điện, nước, giấy tờ tài liệu, làm cho đội ngũ lãnh đạo vận hành theo cơ chế thông minh. Đặc biệt giảm được họp hành rất nhiều, trong khi họp hành làm mất rất nhiều thời gian.
“Khi có không gian làm việc mới mẻ, nhiều ý tưởng hơn thì chắc chắn là kết quả công việc sẽ tốt hơn”, ông Hiểu nhìn nhận.
Chia sẻ về hình thức chấm công bằng quẹt thẻ mà nhiều cơ quan hiện nay đang áp dụng, đại biểu Ngọ Duy Hiểu đánh giá, chưa có sự thay đổi cách quản lý lao động, cần phải tiếp cận mục tiêu hiệu quả công việc là gì?
“Một người có thể đến cơ quan cả ngày, đến sớm, về muộn nhưng hiệu quả công việc lại không cao khi nói chuyện điện thoại, mua sắm trên mạng. Chấm công, quẹt thẻ đúng với một số cơ quan nhưng thực tế cũng gây ức chế cho nhiều người lao động”, ông Hiểu đánh giá.