Quê nghèo hậu bão đa cấp

Nhiều gia đình ở khu dân cư nghèo nay là nạn nhân của bão đa cấp.
Nhiều gia đình ở khu dân cư nghèo nay là nạn nhân của bão đa cấp.
TP - Hàng trăm người dân ở vùng quê nghèo Đồng Tháp, An Giang đầu tư cả gia tài của mình vào các Công ty đa cấp để mong đổi đời, nhưng khi các công ty này bị cấm hoạt động, họ chới với, hoang mang, nhiều người lâm cảnh nợ nần phải bỏ xứ đi…

Vỡ mộng

“Cũng vì mình ham tiền nên giờ mới khổ thế này. Bây giờ gạo ăn hằng ngày còn vất vả, cộng thêm gánh nặng kiếm tiền trả nợ cho bạn bè”, ông Nguyễn Văn Khôn ở ấp Bình Thuận, xã Bình Thành (Thanh Bình, Đồng Tháp) bó gối trước nhà với vẻ mặt buồn bã nói. Vợ của ông, bà Lê Thị Phương nằm trên chiếc võng xó hiên, tiếp lời: “Lúc trước ông Khôn vận động dòng họ bên tôi, cùng tham gia vô đa cấp, nếu bên đó nhẹ dạ tham gia thì bây giờ có nước chạy trốn vì họ chạy sang đây “xử” ổng luôn”.

Ông Khôn cho biết, tháng 5/2015, qua giới thiệu từ bạn bè tham gia mua hàng đa cấp của công ty Thiên Ngọc Minh Uy chi nhánh TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) với giá 11,8 triệu đồng. Cty hứa sau 3 năm sẽ tăng lên 36 triệu và còn được chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, hơn hai tháng nay nghe thông tin công ty ngừng hoạt động, và phía họ bặt vô âm tín luôn nên mọi người hoang mang, lo lắng. “Mình nghèo ham tiền, muốn đổi đời nhanh nên bây giờ mới ra nông nỗi thế này. Chứ biết trước cơ sự mà đầu tư mua con bò 10 triệu nuôi một năm bán cũng lời được 10 triệu cho chắc ăn”, ông Khôn bộc bạch.

Gia đình ông Khôn không ruộng đất, trước đây sống ở đậu ngoài chợ Bình Thành, hai năm nay nhà nước cấp cho căn nhà cấp bốn ở khu tái định cư. “Hằng ngày chồng chạy xe ôm, còn tôi bán quán cóc ven đường sống đắp đổi qua ngày. Ở đây bán ế ẩm, làm ngày nào mua gạo ăn ngày đó. Bây giờ rơi vào hoàn cảnh này không biết lấy đâu trả nợ cho người ta”, bà Phương tâm sự.

Quê nghèo hậu bão đa cấp ảnh 1 Ông Nguyễn Văn Khôn (bìa phải).

Cùng cảnh ngộ, bên huyện Tháp Mười, hơn tháng nay ông Nguyễn Thành Tài, chủ cơ sở nước đá ở ấp Mỹ Tây 2, xã Mỹ Quý cũng chạy vạy khắp nơi để tìm cách lấy lại vốn nhưng chẳng đâu vào đâu.  Ngồi bên chiếc cặp đựng hồ sơ, ông Tài nói: “Để được chức vụ Phó phòng, tôi dùng số tiền tích góp 20 năm qua để tham gia mua 79 mã sản phẩm với số tiền gần một tỷ đồng.  Dự kiến, 3 năm sau sẽ nhận được cả vốn lẫn lãi hơn 2 tỷ đồng và được chăm sóc sức khỏe bằng thảo dược miễn phí nên tôi tham gia”. Theo lời ông, từ năm 2015 đến nay, ông nhận được 5 lần với số tiền gần 190 triệu đồng tại đại lý Ngọc Sương 4 ở TP Cao Lãnh rồi im luôn đến giờ.

Ông Nguyễn Văn No (hay còn gọi Tám No) ở xã Tấn Mỹ (Chợ Mới, An Giang) cho biết, vợ chồng ông mua 3 mã với số tiền trên 33 triệu nhưng gần 2 năm nay chẳng lấy được xu nào. Ông kể, nghe người quen giới thiệu đầu tư có lãi cao, lại được chăm sóc sức khỏe. Hơn nữa, vợ thường xuyên đau bệnh nên làm liều, vì nghĩ vừa được chữa bệnh lại vừa có lãi.

“Để có tiền đầu tư, vợ chồng tôi mượn con, cháu, mỗi người một ít tham gia. Nhà nghèo, có 8 đứa con tứ tán đi làm thuê sống qua ngày. Hơn nữa, có 0,3 ha đất trồng ớt nhưng năm nay thua lỗ gần 30 triệu nên đã khó lại càng thêm khốn”, ông Tám No than thở.

Quê nghèo hậu bão đa cấp ảnh 2 Bà Trần Thị Lo với những giấy tờ liên quan Cty đa cấp.

Canh bạc tất tay

Bà Trần Thị Lo  ở ấp 4, xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) cho biết, con gái nghe người ta thuyết về đa cấp hấp dẫn quá thấy ham nên vận động vợ chồng bà mua 53 mã sản phẩm với số tiền trên 500 triệu đồng. Ngồi cạnh căn nhà xây dở dang, bà Lo kể, hai người quen tư vấn của Cty đa cấp nói tham gia một năm sẽ cho thoái vốn để lấy tiền cất nhà mới thay thế nhà lá cũ rách. Thấy vậy, cuối tháng 12/2014 vợ chồng bà mua 14 hợp đồng, với giá 9,8 triệu/hợp đồng. Sau một năm, công ty sẽ hoàn trả lại cả vốn lẫn lãi. Hơn nữa năm sau, vợ chồng bà tiếp tục tham gia thêm 39 hợp đồng nữa với tổng số tiền trên 519 triệu đồng.

 Bà cho biết, ngoài số tiền dành dụm mấy chục năm của gia đình, bà còn đem sổ đỏ vay ngân hàng 150 triệu đồng. Nghe lời hứa hẹn sẽ trả cả vốn lẫn lãi nên gia đình bà đã chạy vay 300 triệu đồng cất căn nhà, nhưng không ngờ giờ lâm cảnh điêu đứng như thế này. “Một tháng sau khi tham gia 14 hợp đồng đầu, tôi nhận được 7 triệu đồng tiền lãi. Sau đó, đúng hẹn một năm đến đại lý để nhận đầy đủ số tiền thì họ hẹn nay hẹn mai. Giờ đây cả nhà tui như ngồi trên lửa”, bà Lo ngậm ngùi.

Ông Lâm Văn Hiếu ấp Bình Thuận, xã Bình Thành (Thanh Bình, Đồng Tháp) kể, hai năm trước cũng tham gia đa cấp vào hụi thông minh của một công ty ở thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) đóng 1,1 triệu đồng sau vài tháng thì số tiền tăng lên gấp 2 – 3 lần, nhiều hơn gửi ngân hàng nên phát ham tham gia. Sau đó, ông Hiếu mở rộng mạng lưới bằng cách vận động thêm một người ở xóm bên cùng tham gia. “Tôi mời người đó (xin giấu tên) ra Cao Lãnh cho nhân viên công ty tư vấn và bà đồng ý tham gia cũng với số tiền 1,1 triệu đồng ngay tại đó luôn. Tuy nhiên, về nhà vài hôm không biết suy nghĩ như thế nào bà đến nhà tôi “la làng” yêu cầu phải trả lại tiền cho bà. Khi đó, tôi phải chạy lên công ty ở Cao Lãnh để hỏi, họ khất lần rồi hơn tháng sau công ty giải thể, biến mất luôn”. Nói xong, ông tiếp lời: “Mỗi lần bà đi làm ruộng là ghé vào nhà tôi nằm vạ, buộc tôi phải trả lại tiền. Sau đó tôi thỏa thuận trả 800.000 đồng, còn bà chịu lỗ 300.000 đồng, bà đành chấp nhận.

Ông Hiếu cho biết, trong ấp có trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Hùng cho thuê đất đầu tư vào đa cấp nhưng khi công ty này biến mất, ông tay trắng phải bỏ xứ sang Lào làm thuê. Nói xong, ông Hiếu dẫn phóng viên đến nhà ông Hùng cách nhà ông khoảng cây số để tìm hiểu. Căn nhà của ông Hùng giờ hoang phế, cửa đóng then cài.

Em vợ của ông Hùng là ông Thanh kể, con trai của ông Hùng đi làm phụ hồ ở Bình Dương rồi tham gia đa cấp của công ty Thiên Ngọc Minh Uy. Sau đó, về nhà kêu cha và cả bà nội cùng tham gia. Nghe con trai rỉ tai thấy “ngon ăn” nên ông Hùng cho thuê đất cùng với tiền dành dụm của vợ mấy năm bên Lào và mẹ ruột trên 100 triệu đổ hết vào “cuộc chơi” với giấc mơ thoát nghèo. Giờ cả nhà lại dắt díu nhau tha phương kiếm sống. “Sao ông không tham gia?” – phóng viên hỏi. Ông Thanh đáp: “Trên đời đâu có chuyện gì mà họ cho không mình nên tôi dứt khoát không tham gia”. “Vậy sao ông không khuyên anh mình đừng tham gia?”. “Có chứ, tôi nói mà không nghe, chỉ khổ cho mẹ vợ tuổi già, không làm ra tiền mà còn bị dính vào hơn chục triệu đồng”, ông Thanh nói.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Hà Bửu Khánh, Phó trưởng phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương Đồng Tháp) cho biết, đơn vị nhận được 2 đơn khiếu nại tập thể của gần 60 người ở các huyện như: Thanh Bình, Tháp Mười, Cao Lãnh…. “Thông tin tôi nắm được, không chỉ có ngần ấy người mà toàn tỉnh có khoảng 500 người tham gia vào đường dây kinh doanh đa cấp của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy”, ông Khánh nói.

Ông Khánh cho biết, năm 2016, UBND tỉnh có thành lập đoàn kiểm tra các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên địa bàn, trong đó có chi nhánh của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy nhưng không phát hiện vi phạm. Một thời gian sau khi có dấu hiệu vi phạm nên cơ quan chức năng vào cuộc điều tra. Tiếc rằng, thời điểm đó người dân không hợp tác giờ họ mới vỡ lẽ. “Hiện tại chúng tôi hướng dẫn người dân thanh lý hợp đồng theo hướng dân sự bằng cách gửi công văn thông báo phản ánh của người dân cho phía công ty biết để họ giải quyết. Tuy nhiên, nếu phát hiện có dấu hiện lừa đảo sẽ chuyển hồ sơ cho công an điều tra xử lý”, ông Khánh nói.

Theo lời ông Khánh, năm rồi khi kiểm tra, Chi nhánh Công ty Thiên Ngọc Minh Uy báo cáo có khoảng 150 hợp đồng trên toàn tỉnh và có 7 đại lý hoạt động ở Đồng Tháp nhưng hiện tại 4 đại lý đã nghỉ. Ngày 9/5/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương ký văn bản số 185 chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp Công an tỉnh và các đơn vị liên quan nắm tình hình liên quan đến hoạt động chi trả đảm bảo quyền lợi của người bán hàng đa cấp cho Công ty Thiên Ngọc Minh Uy.

Theo Bộ Công Thương, Công ty Thiên Ngọc Minh Uy chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp từ ngày 26/4/2017. Tới thời điểm 20/4/2017 công ty có 23 chi nhánh, 61 địa điểm kinh doanh và 175 đại lý trên toàn quốc với 165.000 nhà phân phối đang hoạt động.

 Phóng viên Tiền Phong hỏi bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó chủ tịch UBND xã Bình Thành có nắm tình hình người dân tham gia đa cấp ở địa phương không? Bà Bích cho biết, chưa nghe thông tin này.

MỚI - NÓNG